28/07/2008 - 22:04

Ngộ độc rượu ngày càng gia tăng

Nhận biết nguy cơ và ngăn chặn

Theo Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP Cần Thơ, tính từ đầu năm 2008 đến tháng 7-2008 trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra 3 vụ ngộ độc nghi ngờ do rượu, tử vong 6 người. Tình trạng ngộ độc rượu do độc chất chưa có dấu hiệu dừng lại. Trước tình hình này, các nhà quản lý nói gì?

Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Quang Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ:
NGỘ ĐỘC RƯỢU METHANOL CHƯA CÓ THUỐC ĐIỀU TRỊ ĐẶC HIỆU

Từ đầu năm đến nay, bệnh viện (BV) đã tiếp nhận 31 ca ngộ độc rượu, trong đó có 4 ca tử vong. Tình trạng ngộ độc rượu đã xảy ra nhiều năm nhưng chưa năm nào có nhiều ca nặng và tử vong như năm nay. Phần lớn các ca nặng và tử vong là ngộ độc rượu do độc chất. Ở đây, chúng tôi nghi ngờ độc chất đó là methanol, hiện nay các cơ sở y tế chưa có phương tiện xét nghiệm được độc chất methanol trên bệnh nhân. Hầu hết triệu chứng của các bệnh nhân là nhức đầu, chóng mặt, nôn, rối loạn thị giác, đau bụng, mờ mắt, tri giác lơ mơ. Giai đoạn đầu thường tăng huyết áp, sau đó tuột huyết áp, trụy mạch, rối loạn chuyển hóa... hậu quả xấu nhất là tử vong.

Hiện ngộ độc rượu methanol chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên cách tốt nhất là phát hiện sớm và ngay lập tức đưa bệnh nhân đến BV, khi các cơ quan trong cơ thể chưa tổn thương nhiều thì kết quả điều trị khả quan hơn. Nếu bệnh nhân đến trễ, khi các cơ quan trong cơ thể đã tổn thương thì can thiệp cũng rất khó cứu sống bệnh nhân. Vì thế, theo tôi khi uống rượu thì chọn loại có nguồn gốc, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, uống vừa phải. Sau khi uống rượu, chúng ta không nên tắm nước lạnh, không ở chỗ gió lùa, không nên nằm dưới quạt máy, không nên uống rượu mà không ăn vì dễ say, dễ bị hạ đường huyết (có thể gây hôn mê và tử vong nếu không phát hiện, điều trị kịp thời). Đặc biệt, khi uống rượu thuốc phải cẩn thận vì có thể bị ngộ độc do các chất ngâm trong rượu. Ví dụ như rượu ngâm mã tiền, uống nhiều dẫn đến ngộ độc mã tiền, có thể tử vong.

Cử nhân Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng khoa An toàn vệ sinh thực phẩm và Dinh dưỡng, TTYTDP TP Cần Thơ:
TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN SẢN XUẤT CHẾ BIẾN, KINH DOANH RƯỢU

Qua điều tra xác minh nguyên nhân, trên địa bàn TP Cần Thơ chỉ có 01 vụ ngộ độc do rượu, làm hai người tử vong. Còn các trường hợp khác tử vong do bệnh lý. Sau các vụ tử vong vì nghi ngờ ngộ độc rượu xảy ra, TTYTDP TP Cần Thơ và các quận, huyện tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở rượu và lấy mẫu rượu kiểm nghiệm. Qua 18 mẫu rượu (lấy tại lò nấu rượu truyền thống theo phương pháp thủ công của các hộ gia đình), kết quả như sau: 15/18 mẫu rượu không đạt tiêu chuẩn cho phép. Chỉ tiêu aldehyd, ester vượt gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Đây là các chất độc hại, aldehyd gây nhức đầu, ester cao gây chóng mặt. Các hàm lượng methanol, fururol (cũng là các độc chất) nằm trong tiêu chuẩn cho phép.

Đoàn kiểm tra liên ngành Sở Y tế tiến hành lập biên bản và lấy mẫu rượu tại cơ sở bán rượu ở phường An Thới, quận Bình Thủy. Ảnh: Đ.L  

Kết quả xét nghiệm không phát hiện methanol vượt quá tiêu chuẩn cho phép vì phần lớn các loại rượu nấu thủ công truyền thống sử dụng nguồn nguyên liệu là gạo, nếp. Chỉ các loại rượu pha tức lấy rượu (nấu từ gạo, nếp truyền thống) pha thêm methanol, isopronol, ethylen glycol... để tăng độ rượu, giảm giá thành hoặc các loại rượu nấu từ nguyên liệu xơ thực vật, bã xác khoai mì, mật đường... thì hàm lượng methanol mới cao và có thể vượt nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Nếu uống rượu có nồng độ aldehyd cao (tiêu chuẩn cho phép dưới 50 mg/lít rượu ở 1000) khi gặp axit dạ dày sẽ tạo thành methanol và gây ngộ độc. Vì vậy, tuy xét nghiệm mẫu rượu không có độc chất methanol nhưng không ngoại trừ những nạn nhân tử vong vì độc chất methanol.

Ngoài ra, với hàm lượng aldehyd và ester rất cao vượt gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép, khi uống nhiều quá nhất là đối với những người mới biết uống rượu, sức khỏe kém, bệnh lý... sẽ dễ dẫn đến ngộ độc và có thể tử vong.

Về mặt kinh tế, xã hội và du lịch, chúng ta phải đánh giá đúng sự phát triển của các làng nghề nấu rượu truyền thống chân chính (ví dụ: rượu nếp gò đen Long An...) không đánh đồng với các cơ sở kinh doanh, pha chế rượu giả, rượu lậu làm mai một đi giá trị truyền thống của địa phương. Vừa qua, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế phối hợp với nhiều tỉnh, thành trong cả nước điều tra các loại rượu dân tộc để có cơ sở xây dựng biện pháp quản lý an toàn thực phẩm đối với rượu dân tộc.

Theo chỉ đạo của Sở Y tế, sắp tới TTYTDP TP Cần Thơ và các quận, huyện tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các tổ chức, cá nhân, sản xuất chế biến, kinh doanh rượu không phép (có thể gọi nôm na là rượu lậu); lấy mẫu rượu để kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi sẽ đề xuất xử phạt, đình chỉ sản xuất, kinh doanh các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu không phép, không đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cho mọi người dân hiểu về tác hại của rượu, nhất là các loại rượu pha chế không rõ nguồn gốc để tự bảo vệ sức khỏe của mình.

HUỆ HOA (lược ghi)

Chia sẻ bài viết