24/11/2020 - 15:54

Nhà tuyển dụng đánh giá kỹ năng làm việc của bạn như thế nào?


Nhà tuyển dụng đánh giá kỹ năng làm việc của bạn như thế nào?

 

Bên cạnh hồ sơ năng lực chuyên môn và kinh nghiệm, các kỹ năng làm việc còn là “chìa khóa vàng” giúp ứng viên mở ra cánh cửa cơ hội việc làm hấp dẫn. Nếu sở hữu được nhiều kỹ năng mềm cần thiết, ứng viên sẽ trở thành nhân tố tiềm năng trong mắt nhà tuyển dụng. Vấn đề là, nhà tuyển dụng đánh giá kỹ năng làm việc của ứng viên thông qua những cách thức gì? Biết được điều này, bạn sẽ nắm bắt cơ hội tốt hơn để thể hiện các kỹ năng mềm của bản thân trong buổi phỏng vấn xin việc.

Cách nhà tuyển dụng đánh giá kỹ năng làm việc của ứng viên 

Đánh giá thông qua CV ứng tuyển

CV ứng tuyển là một trong những yếu tố đại diện cho con người bạn, “cất lên tiếng nói” về bản thân bạn với công ty tuyển dụng. Một ứng viên có kiến thức và kỹ năng làm việc tốt sẽ biết cách đầu tư cho CV chỉn chu về hình thức, ấn tượng về nội dung. Trái lại, ứng viên cẩu thả, hời hợt thì CV cũng tẻ nhạt và đầy rẫy lỗi. Như vậy, thông qua CV, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được phần nào kỹ năng giao tiếp và một số kỹ năng mềm khác ở bạn.

Hiểu được điều đó, ứng viên cần chuẩn bị một bộ CV xin việc thật chu đáo gồm 3 nội dung cơ bản: Kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm. Chú ý rà soát lại lỗi chính tả và đảm bảo chúng không còn tồn tại trong CV đến tay nhà tuyển dụng. Ngoài ra, trong mục Kỹ năng, bạn nên liệt kê ngắn gọn, cụ thể là các kỹ năng làm việc của bản thân để nhà tuyển dụng đọc vào có thể thấy ngay.

Đánh giá thông qua ngôn ngữ cơ thể

Sau khi lọt vòng sơ khảo giữa hàng nghìn CV xin việc, ứng viên có tiềm năng sẽ nhận được cuộc hẹn phỏng vấn. Vòng đối mặt trực tiếp này sẽ biểu hiện rõ kỹ năng giao tiếp của bạn thông qua ngôn ngữ cơ thể. Đây cũng là cơ sở để nhà tuyển dụng đánh giá về ứng viên.

Nắm bắt được điều này, ứng viên cần chú ý luyện tập về các biểu hiện ngôn ngữ cơ thể khi tham gia phỏng vấn như:

- Luôn nhìn thẳng người đối diện trong khi nói. Ánh mắt cần trực diện, không nhìn xuống, ngẩng lên hay láo liên.

- Không đút tay vào túi quần, tránh những hành vi biểu thị sự bồn chồn, lo lắng, thiếu tự tin như run tay, gõ tay xuống bàn, bấm bút lách tách, khoanh tay, dùng tay xoa vào nhau hay gãi đầu, sờ mũi, …

- Dáng đứng thẳng, đi khoan thai, kéo ghế ngồi nhẹ nhàng lịch sự. Ngồi thẳng lưng và hạn chế ngả người ra sau hay chồm về phía trước.

- Phát âm chuẩn, tốc độ nói vừa phải với mức âm và giọng điệu dễ nghe. Tránh nói quá to hoặc quá lí nhí.

Đánh giá thông qua cách nhận thức và giải quyết tình huống

Để đánh giá kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng hợp tác cũng như một số kỹ năng khác, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra một vài tình huống hóc búa và yêu cầu ứng viên xử lý. Đứng trước những “bài toán này”, bạn cần bình tĩnh và xử lý theo các bước:

- Nhận định tình huống: Tình huống có liên quan đến những ai, vấn đề cốt lõi (hay nút thắt) của tình huống là gì…

- Xem xét nguyên nhân

- Đưa ra biện pháp: Có thể sử dụng những biện pháp nào? Ưu nhược điểm của từng biện pháp? Biện pháp nào là tối ưu nhất?

Ứng viên có thể tham khảo một số câu hỏi tình huống phổ biến của nhà tuyển dụng dưới đây:

1. Nếu bạn và sếp bất đồng ý kiến, bạn sẽ làm gì?
2. Khi khách hàng giận dữ, bạn sẽ giải quyết như thế nào?
3. Nếu công việc bỗng nhiên thay đổi vào phút chót, bạn sẽ xoay sở ra sao?...

Chú ý rằng bạn cần trả lời ngắn gọn, cụ thể và đi vào trọng tâm vấn đề, tránh nói dài dòng, lan man và mơ hồ.

Ứng viên cần làm gì để thể hiện kỹ năng làm việc tốt nhất trước nhà tuyển dụng?

Tìm hiểu kỹ về công ty ứng tuyển

Hiểu biết rõ về “nơi đánh trận” sẽ giúp ứng viên “trang bị” tốt hơn. Không chỉ tìm hiểu về tên, ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, ứng viên còn phải đào sâu về văn hóa công ty, nguyên tắc ứng xử và môi trường làm việc. Điều này giúp bạn hiểu rõ nhà tuyển dụng thực sự cần gì, qua đó chuẩn bị và rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết để thể hiện trong buổi phỏng vấn.

Trau dồi và rèn luyện kỹ năng làm việc thường xuyên

Thường xuyên rèn luyện kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề hay lập kế hoạch… mỗi ngày sẽ biến chúng “ngấm vào máu” của ứng viên, trở thành một bản năng và thói quen. Nhờ đó trong bất cứ tình huống nào bạn đều có thể bộc lộ dễ dàng và thành thục.

Trong vị thế một người ứng tuyển việc làm, việc học tập và rèn luyện các kỹ năng làm việc là vô cùng quan trọng. Chúng giúp bạn dễ dàng chinh phục nhà tuyển dụng và mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn hơn. Ngoài ra, nắm bắt được cách thức đánh giá kỹ năng làm việc ở ứng viên của nhà tuyển dụng sẽ giúp bạn chuẩn bị chu đáo và tự tin hơn khi phỏng vấn.

Pha Lê

Chia sẻ bài viết