27/12/2007 - 21:34

Nên sự nghiệp từ nghề truyền thống

Từ hàng chục năm qua, thị trường bánh ngọt nước ta “tràn ngập” các loại bánh cao cấp trong nước và nhập khẩu. Nhưng trước đợt sóng ồ ạt này, khá nhiều cơ sở bánh ngọt dân gian truyền thống của ta chẳng những đứng vững mà còn phát triển, vươn lên. Trong đó có Cơ sở sản xuất bánh ngọt Phong Lan.

Bà Phan Nguyệt Ảnh đang cho bánh vô thùng. 

Bà Phan Nguyệt Ảnh, 53 tuổi, chủ cơ sở sản xuất bánh ngọt Phong Lan nằm cặp con kinh Tắc Ông Thục (số 72/5, khu vực 10, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Nhà bà bề bộn những bánh và hộp đựng bánh. Bánh của bà sản xuất gồm các loại: bánh hạnh nhân, bánh lưỡi liềm, bánh bông mai, bánh mè, bánh đậu phộng... Đó là những loại bánh dân gian mà bà kế thừa từ mẹ.

Tuổi thơ... “kinh doanh”

Thuở ấy, nhà bà Ảnh rất nghèo. Cha tham gia cách mạng. Mẹ ở nhà tần tảo làm bánh theo sự truyền dạy của mẹ chồng. Từ năm 12-13 tuổi, với cái sề bánh bên nách, bà Ảnh đã đi bán khắp các nơi tại chợ thị trấn Ô Môn. Khi theo học đại học Luật (niên khóa 1974-1975) tại Viện Đại học Cần Thơ (1 năm) rồi cả khi đã trở thành công nhân viên ở huyện Ô Môn, bà vẫn không rời xa nó. Yêu thích nghề mẹ truyền lại, năm 2000, bà bắt tay vào sản xuất bánh với quy mô nhỏ, tự mình làm cùng vài công nhân.

Để sản xuất bánh ngọt, nguyên liệu chính là bột mì ngang và bột mì tinh trộn lại. Sau đó trộn chung với các nguyên liệu thiết yếu khác. Nhưng để có cái bánh ngọt, thơm, ngon, bùi, béo, cần phải có sự hiện diện của bơ, sữa, va- ni... Cơ sở có 6 công nhân, mỗi ngày họ làm việc từ 6 giờ sáng tới 6 giờ chiều, khi nào hút hàng thì tăng ca. Công nhân làm cho cơ sở là những người nghèo khó và lối xóm, rất cần tiền xoay xở hằng ngày, nên bà Ảnh đã trả tiền công cho họ từng ngày một. Một công nhân tay nghề trung bình thu nhập khoảng 600.000 - 700.000 đồng/tháng cũng tạm giải quyết khó khăn cuộc sống. Như trường hợp bà Nguyễn Thị Bê, thường gọi bà Tư, 49 tuổi, là người đã gắn bó với Phong Lan từ khi chính thức mở cơ sở đến nay. Khi đó, nhà bà gặp nhiều khó khăn, mọi chi tiêu trong gia đình đều trông vào tay thợ hồ của chồng bà. Nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã khác, các con bà đều được ăn học đàng hoàng. Bà Tư rất siêng năng, chăm chỉ làm việc, nhất là ham học hỏi. Ngoài phụ trách nướng bánh, bà còn kiêm thêm việc bắt bông. Lương của bà cao nhất cơ sở, 1 triệu đồng/tháng.

Mở hướng đi lên

Đáp ứng yêu cầu của thị trường, bánh của cơ sở Phong Lan được đăng ký kiểm nghiệm hẳn hoi (ĐKCL 189-PXN TH), hạn sử dụng khoảng 2 tháng. Đặc biệt, bánh của Phong Lan để trong tủ lạnh ăn dần vẫn thưởng thức trọn vẹn hương vị ngọt, thơm, bùi, béo... Mỗi ngày, cơ sở Phong Lan cho ra lò khoảng 100kg bánh các loại. Vào các dịp Tết Nguyên đán, cơ sở tăng sản lượng lên gấp đôi, 200kg/ngày, với 20 công nhân hoạt động. Bánh thành phẩm để trong hộp nhựa tròn, trong, cứng, đường kính khoảng 2 tấc, cao chừng 5 phân. Hộp bánh được cho vô thùng cạc tông, đóng gói cẩn thận trước khi giao cho khách hàng. Giá bán hiện nay, như sau: 10.000 đồng/hộp nhỏ, 25.000 đồng/hộp lớn và 25.000 đồng/kg bịch ni- lông. Bánh được “bổ” đi các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp... Mỗi địa phương có khoảng 2-3 lái tới “ăn” hàng. Bánh cơ sở Phong Lan đâu chỉ có ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn “đổ” vào TPHCM - “lãnh địa” của nhiều hãng bánh ngọt danh tiếng cả nước, nước ngoài.

Bà Ảnh không chịu dừng bước. Để mở hướng đi lên, bà “thân chinh” tìm một công ty ở TPHCM, giới thiệu sản phẩm của mình ra nước ngoài. Và bà đã thành công. Ngoài 3.500 hộp bánh bột đậu xuất lên TPHCM hồi sau Tết Trung thu năm 2007, Công ty xuất khẩu Mỹ Thành còn hợp đồng với cơ sở sản xuất bánh quai vạc nhân đậu để xuất đi Canada. Bà Ảnh cấp tốc học cách làm loại bánh mà bà chưa thực hiện bao giờ. Bánh quai vạc được làm bằng bột mì ngang, bột mì tinh trộn lại. Sau khi trộn bột, phải cán nhiều lần rồi bắt bìa bằng tay cho đẹp trước khi đem nướng. Cơ sở phải mướn thêm công nhân, họ thức 8 ngày đêm để làm. Tháng 10-2007, 12.000 cái bánh quai vạc được cho vô hộp nhựa trong, cứng, hình bát giác, gọn, đẹp được chuyển đến Mỹ Thành, cho vô phòng lạnh trữ trước khi đưa đi nước ngoài. Sau “thương vụ” này, cơ sở Phong Lan được Mỹ Thành đặt thêm lô hàng làm 10.000 cái bánh khoai môn, bánh chuối nướng. Giá giao hàng 8.000 đồng/cái 250gr. Hai loại bánh dân gian Việt Nam này phải “lai” Tây, vì còn có mặt của bơ, sữa theo đúng yêu cầu của khách hàng, theo đúng khuôn khổ đã hợp đồng, sau Tết Mậu Tý - 2008 giao hàng.

Bắt đầu vào nghề từ căn nhà lụp xụp, đến nay bà Ảnh đã nuôi 3 con khôn lớn (1 người học đại học, 1 người học trung cấp và 1 người đang làm việc tại địa phương) với một cơ ngơi đáng kể: 1 căn nhà ở, 1 cơ sở sản xuất gần đó và 1 nền nhà ở khu chợ mới.

Tết Mậu Tý đang gần kề. Bà Ảnh lại bước vào mùa làm ăn tất bật, bắt đầu từ rằm tháng 11 âm lịch. Mặc dù công việc kinh doanh bề bộn suốt ngày, vậy mà bà Ảnh vẫn còn thời giờ và tâm hồn nghệ sĩ. Thơ của bà sáng tác vẫn dùng tên thật Phan Nguyệt Ảnh làm bút danh được đăng trên một số báo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đâu chỉ có vậy, bà còn là Chủ tịch Câu lạc bộ Thơ văn quận Ô Môn.

PHƯƠNG KIỀU

Chia sẻ bài viết