23/02/2010 - 21:51

Nâng bước học sinh đến trường

Chúng tôi đến Trường Tiểu học Thường Thạnh (phường Thường Thạnh, quận Cái Răng) vào giờ ra chơi. Trong không khí mát mẻ đầu năm, các em học sinh (HS) nụ cười rạng rỡ, vô tư tung tăng chơi đùa trong nắng sớm. Trong số đó, có những em hoàn cảnh rất khó khăn, tưởng phải nghỉ học giữa chừng, nhưng nhờ sự chung tay đóng góp của các mạnh thường quân, Hội Khuyến học phường và đặc biệt là sự hết lòng của tập thể giáo viên trường, các em đã có điều kiện tiếp tục đường học vấn.

Thời gian qua, Trường Tiểu học Thường Thạnh có rất nhiều hoạt động nổi bật về công tác khuyến học, vận động HS ra lớp, thường đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ HS khá giỏi mỗi năm đều tăng. Trường có 5 cụm, nằm trên địa bàn khu vực Thạnh Phú, Phú Quới, Thạnh Hòa và Thạnh Mỹ. Địa bàn quản lý rộng, có nhiều điểm lẻ cách xa nhau, cơ sở vật chất xây dựng đã lâu, nhiều điểm xuống cấp, một số hộ gia đình thường xuyên thay đổi chỗ ở, chưa quan tâm đến việc học của con nên công tác dạy và học của trường gặp không ít khó khăn. Vì vậy, để duy trì sĩ số lớp học, nhà trường thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, Hội Cha mẹ HS vận động trẻ trong độ tuổi ra lớp bằng nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng, đến từng nhà, tác động trực tiếp đến phụ huynh HS, kêu gọi các ban ngành, đoàn thể khen thưởng, hỗ trợ cho HS nghèo, hoàn cảnh khó khăn để khích lệ tinh thần học tập của các em. 2 năm qua, trường vận động được trên 30 triệu đồng mua tập viết, quần áo, tổ chức vui Trung thu cho HS, sơ kết học kỳ 1 năm nay, trường nhận được 25 phần quà và 34 bộ sách giáo khoa từ các mạnh thường quân, ban ngành đoàn thể.

Cô Lê Thị Chúc và các HS nghèo vượt khó học giỏi ở lớp 1A. 

Hiện Trường Tiểu học Thường Thạnh có 550 HS, trong đó khoảng 10% thuộc diện khó khăn, nhiều em ở gia đình có sổ hộ nghèo, mồ côi cha mẹ, không nhà cửa..., được nhà trường miễn hoàn toàn các khoản đóng góp. Những em học trễ tuổi, nghỉ, theo cha mẹ đi làm xa, khi quay về được trường tạo điều kiện học tiếp chương trình dang dở lúc trước. Ngoài ra, các em học giỏi còn được tặng sách vở, quần áo, giới thiệu lãnh học bổng (HB), có em còn được xét cất tặng nhà tình thương... Đối tượng có nguy cơ bỏ học thường tập trung vào lớp 1 và lớp 5, mỗi đầu năm học, thầy cô các lớp đã lo lập danh sách HS nghèo để hỗ trợ và theo dõi sát sao các em đến cuối năm. Thầy Lê Thượng Khoa, hơn 30 năm gắn bó với trường, kể: “Lúc trước, trường tạm bợ lắm, chúng tôi xin từng khúc cây, miếng lá về sửa để các em có chỗ học tươm tất. Ngoài chuyên môn, giáo viên ở đây còn tình nguyện đảm trách công việc vận động HS ra lớp. Nhiều thầy cô thương học trò đến nỗi khi phát hiện học trò vắng, thầy cô đến tận nhà khuyên nhủ, giúp đỡ, động viên gia đình cùng kết hợp với nhà trường lo cho các cháu. Muốn làm tốt công tác vận động giáo viên phải am hiểu địa bàn, đời sống dân cư, hoàn cảnh HS, yêu nghề, mến trẻ, kiên nhẫn, nhiệt tình. Vì sự nghiệp trồng người, chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng”. Thầy Tạ Công Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, tiếp lời: “Thầy trò ở đây gắn bó với nhau lắm, nhiều em đã xem cô giáo như người mẹ thứ hai của mình. Đa phần HS của trường rất nghèo, có em thiếu thốn tình thương (do mồ côi cha mẹ hoặc hoàn cảnh gia đình ly tán) nên Ban giám hiệu nhà trường rất quan tâm, giúp các em vượt qua mặc cảm, động viên tinh thần, tìm nguồn hỗ trợ vật chất để các em được đi học, xây đắp tương lai cho mình”.

Do phần lớn người dân ở phường còn nghèo, nên việc lo cho con đi học là cả một vấn đề. Hội Khuyến học của phường và trường bình xét hoàn cảnh từng HS để trao HB vào mỗi đầu năm học, tặng tập, bảng, phấn, viết...; đối với những em quá khó khăn đều được thông báo để tìm biện pháp giúp đỡ kịp thời. Thấy em nào đi học mang dép đứt, mặc quần áo quá cũ, thầy cô kêu lại hỏi han, sau đó mua tặng đồng phục mới. Em Đặng Diễm Thúy, HS lớp 2D, là trường hợp được thầy cô và các mạnh thường quân giúp đỡ nhiều nhất. Gia đình em Thúy rất nghèo nhưng em học rất giỏi, đoạt nhiều giải thưởng vẽ tranh cấp quận và thành phố. Ngôi nhà vách lá của Thúy nằm giữa đồng, đã cũ nát, không có gì đáng giá, cứ rung lên sau mỗi đợt gió lốc, cái giường tre là chỗ ăn cơm cũng là góc học tập của em. Người chị của em bị thần kinh tọa, cha mẹ đi làm đến tối mịt mới về nên ngoài giờ học, Thúy phải đỡ đần công việc nhà. Để tới trường, mỗi ngày Thúy phải dậy sớm, cùng mẹ băng qua mấy cánh đồng và những con kênh lắt lay cầu khỉ. Thương hoàn cảnh của Thúy, nhiều cá nhân, đơn vị đã chung tay đóng góp để em vượt qua khó khăn, thực hiện ước mơ trở thành họa sĩ. 2 năm qua, năm nào Thúy cũng được tặng quần áo, sách vở, HB... Tấm gương vượt khó học giỏi của Thúy đã giúp nhà trường đạt giải nhất trong cuộc thi kể chuyện về các gương đội viên học sinh tiêu biểu trong học tập và làm theo lời Bác năm 2009.

Lớp 1A là một trong những lớp có nhiều HS khó khăn của Trường Tiểu học Thường Thạnh, nổi bật là em Nguyễn Thị Tuyết Lam. Cha bỏ đi khi Lam còn ẵm ngửa, mấy năm nay, mẹ đi làm xa, Lam sống cùng ông ngoại già yếu, bà ngoại bệnh nặng. Mắt Lam không nhìn rõ nhưng em rất ham học, hay mượn sách thư viện để đọc. Hay như em Ngô Ngọc Minh, nhà đông anh em, cha làm hồ, cuộc sống rất kham khổ. Các em đều được thầy cô, mọi người làm điểm tựa về mặt tinh thần vật chất, chung tay góp sức, nâng đỡ trên bước đường học hành. Cô Lê Thị Chúc, giáo viên chủ nhiệm lớp, kể: “Ngoài giờ học chính, tôi kèm thêm cho các em, nhận xét về việc học hay hạnh kiểm thì phải rất tế nhị, chủ yếu can thiệp bằng tình cảm, động viên tránh làm các em bị tổn thương, nêu những tấm gương các nhân vật vượt khó thành đạt để các em noi theo. Nhiều em ở trong đồng sâu, tôi phải băng đồng, qua đò mới tới nơi. Có lần bước vô nhà học trò rồi không cầm được nước mắt, nhà nghèo quá, tôi đưa tiền cho em chạy đi mua gạo, rồi vận động người quen, chính quyền địa phương hỗ trợ thêm”.

Nhiều em chưa ngoan được giáo viên giáo dục, rèn luyện kỹ năng đạo đức, nề nếp bằng những hành động cụ thể, động viên tinh thần, thái độ học tập với phong trào Hoa điểm 10, thành lập Câu lạc bộ Học sinh nghèo vượt khó học tốt, xây dựng những góc trưng bày sản phẩm chữ đẹp của HS... Điều đáng quý là nhà trường đã khơi gợi trong học sinh tinh thần tương thân tương ái, thực hiện phong trào vì bạn nghèo qua những chương trình: Kế hoạch nhỏ, Giúp bạn vượt khó, Áo trắng tặng bạn, Quyển sách tặng bạn, vận động HS đem sách cũ đến trường tặng các bạn khó khăn hơn... Em Trần Hữu Luân, HS lớp 3A, nói: “Lớp con có một số bạn không có tiền ăn sáng, tụi con hùn nhau chia bánh cho bạn, cho bạn mượn dụng cụ học tập... Con luôn ghi nhớ lời cô dạy, phải đoàn kết để cùng nhau vượt khó”. Nhờ sự đồng lòng của Ban giám hiệu cùng thầy cô giáo mà tỷ lệ HS bỏ học của trường giảm đáng kể, 3 năm qua, không có HS nào nghỉ học giữa chừng.

Ông Huỳnh Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học phường Thường Thạnh, cho biết: “Thời gian gần đây, tỷ lệ HS ra lớp của phường luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, thành quả này phần lớn nhờ vào công sức của thầy cô ở Trường Tiểu học Thường Thạnh. Với quyết tâm giúp HS có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, Hội Khuyến học của phường kết hợp với nhà trường và các mạnh thường quân, làm tất cả những gì có thể, từ hỗ trợ vật chất đến tinh thần, không thể để con đường tiến thân của các em bị cản trở vì nghèo. Tấm lòng của các thầy cô thật đáng quý”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết