25/02/2022 - 10:05

Mở đường kết nối giao thông miền Tây

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm vừa cùng đoàn công tác của Bộ GTVT kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện các dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A (đoạn từ TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang),… tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là những công trình giao thông trọng điểm mở đường kết nối các trục phát triển của khu vực ĐBSCL.

Mở đường kết nối giao thông miền Tây

Giai đoạn 2021-2025, theo lãnh đạo Bộ GTVT, Trung ương sẽ giải ngân khoảng 100.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án giao thông trọng điểm tại ĐBSCL. Trong đó chú trọng các dự án cao tốc, cụ thể như: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, dự án cáo tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 (trong đó có các dự án thành phần đi qua các địa phương ĐBSCL); cao tốc An Hữu - Cao Lãnh… Và trong các dự án giao thông vốn đầu tư lớn sắp trình Quốc hội thông qua tới đây, có dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 188km đi qua An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng. Với mục tiêu đến năm 2025, ĐBSCL sẽ có khoảng 500km đường cao tốc, nhằm tạo sức bật mới cho sự phát triển của vùng; đồng thời kết nối giao thông liên hoàn với các vùng, miền cả nước.

Mở đường kết nối giao thông miền Tây

Mới đây, trong chuyến công tác của Bộ GTVT đi kiểm tra thực địa tình hình thi công dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị đại diện chủ đầu tư) làm việc cùng các nhà thầu, huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực, tập trung trang thiết bị, thúc đẩy tiến độ thi công dự án. Đồng thời rà soát lại tiến độ thi công các gói thầu, xây dựng kế hoạch tổ chức thi công phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính khả thi. Các đơn vị thực hiện dự án theo dõi chặt chẽ, tốc độ lún từ đó điều chỉnh phương án xử lý cho phù hợp, đảm bảo tiến độ thi công dự án.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cũng yêu cầu đơn vị Tư vấn giám sát có nhiệm vụ kiểm soát toàn bộ quy trình, trình tự thi công, vật liệu đầu vào, theo dõi… Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là  phải đặc biệt lưu ý về chất lượng công trình. “Đẩy nhanh tiến độ, nhưng chất lượng vẫn phải là hàng đầu, Bộ Trưởng Bộ GTVT đã nói, tất cả các lãnh đạo phải thường xuyên nhắc nhở, không lơ là, bỏ qua những vấn đề liên quan đến kỹ thuật” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chiều dài toàn tuyến gần 23km đi qua hai tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long. Giai đoạn 1, dự án đầu tư xây dựng 4 làn xe, giai đoạn 2 xây dựng 6 làn xe cao tốc. Trong giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4.826 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Dự án được Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm đại diện chủ đầu tư. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), khởi công vào đầu tháng 1-2021, dự kiến hoàn thành năm 2023.

Mở đường kết nối giao thông miền Tây

Theo Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, dự án có 3 gói thầu xây lấp, đến nay, khối lượng thi công đạt trên 34% so với kế hoạch đề ra. Toàn dự án đến nay đã thi công đắp cát nền đường và gia tải giai đoạn 1, cắm bấc thấm, thi công 15/15 cầu trên tuyến chính, 3/3 cầu vượt ngang, còn lại 1 cầu mở rộng trên QL80 chưa triển khai do vướng giải phóng mặt bằng (GPMB).

Về công tác GPMB, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin, đến nay mặt bằng đã được giao cho dự án đạt 97%. Trong đó, đoạn qua tỉnh Vĩnh Long đạt 96%, còn vướng 68 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Tỉnh Đồng Tháp đạt trên 98%, còn vướng 3 hộ. Dự án còn vướng 29 vị trí đường điện trung hạ thế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, dự kiến thực hiện di dời hoàn thành trước ngày 10-3-2022.

Mở đường kết nối giao thông miền Tây

Có thể nói, điểm nghẽn lớn nhất được xác định ở ĐBSCL là hạ tầng giao thông yếu kém và thiếu tính đồng bộ, thiếu kết nối liên hoàn. Vì vậy, các dự án cao tốc được kỳ vọng là một bước đột phá hạ tầng giao thông của vùng. Ngoài dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thì Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đi qua TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau) với tổng chiều dài 109km, mức đầu tư hơn 27.000 tỉ đồng, quy mô 4 làn xe hạn chế cũng sẽ góp phần kết nối đồng bằng.

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang trong giai đoạn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến khởi công năm 2022 và hoàn thành năm 2025. Theo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư, hướng tuyến của tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau bắt đầu tại điểm cuối dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ (nút giao cầu Chà Và, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), kết nối cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.  

Sau cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hoàn thành và đưa vào khai thác, cùng với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, khoảng cách di chuyển từ TP Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn khu vực Đông Nam Bộ, về Cà Mau - vùng đất cực Nam của Tổ Quốc sẽ được rút ngắn. Đây cũng sẽ là tiền đề góp phần để các tỉnh ĐBSCL cất cánh trong thời gian tới.

Mở đường kết nối giao thông miền Tây

Cùng với các tuyến cao tốc, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A (đoạn từ TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) cũng đóng vai trò quan trọng, tạo sự đồng bộ về mặt giao thông trên Quốc lộ 1A, hoàn chỉnh quy mô toàn tuyến từ Hà Nội đến Cà Mau cũng sẽ góp phần giải quyết áp lực giao thông ngày càng lớn. Đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong vùng.

Mở đường kết nối giao thông miền Tây

Lãnh đạo Bộ GTVT làm việc với các địa phương ĐBSCL về tiến độ các dự án trọng điểm tại ĐBSCL

Sau khi kiểm tra thực tế, nghe báo cáo của các địa phương và chủ đầu tư, Thứ trưởng Bộ GTVT đặc biệt nhấn mạnh: “Không nên quá tập trung cho dự án cao tốc mà xem nhẹ dự án mở rộng Quốc lộ 1A, bởi mỗi dự án đều có vai trò của nó”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm yêu cầu đại diện chủ đầu tư, các nhà thầu huy động tối đa nguồn nhân lực, vật lực, tập trung trang thiết bị, thúc đẩy tiến độ thi công dự án. Đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức thi công phù hợp với tình hình thực tế, địa chất của địa phương. “Mặt bằng bàn giao đến đâu, thi công đến đó” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đối với những dự án có nguy cơ chậm tiến độ, cụ thể là dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Ban Quản lý dự án 7 (chủ đầu tư dự án), Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị phải phối hợp chặt hơn nữa, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

Mở đường kết nối giao thông miền Tây

Theo Ban Quản lý dự án 7 (chủ đầu tư dự án), khó khăn hiện nay là mặt bằng để thi công. Đến nay, tỉnh Hậu Giang dự kiến sẽ bàn giao 70% diện tích mặt bằng thi công trong quý I-2022 và sẽ bàn giao phần còn lại trong quý II-2022. Còn tại tỉnh Sóc Trăng chỉ mới dự kiến chi trả tiền bồi thường cho 187 hộ dân và sẽ tri trả tiếp cho các hộ dân còn lại bàn giao mặt bằng trong đầu quý II-2022. Bên cạnh đó, 1,8km cuối tuyến tại thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành cũng chỉ được dự kiến là sẽ bàn giao bàn giao trong thời gian tới. Việc bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng cũng chưa được thực hiện.

Mở đường kết nối giao thông miền Tây

Mở đường kết nối giao thông miền Tây

Cũng trong chuyến kiểm tra tiến độ các công trình giao thông trọng điểm tại ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng đoàn công tác đã khảo sát 5 nút giao thông trọng điểm thuộc dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đồng thời có buổi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang và các đơn vị thực hiện.

Các địa phương đều thống nhất với hướng tuyến của dự án. Riêng tỉnh Hậu Giang xin xem xét điều chỉnh hướng tuyến tránh Khu Nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, bởi dự án này đang được đầu tư, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương này cũng cho biết, tỉnh đang triển khai 2 dự án ĐT926 và ĐT925B kết nối với Quốc lộ 61 hiện hữu và các khu tiểu thủ công nghiệp. Hậu Giang đã và đang đầu tư tuyến ĐT931 từ TP Vị Thanh kết nối với tỉnh Bạc Liêu - là dự án kết nối liên vùng. Do đó, tỉnh đề nghị Bộ GTVT xem xét cho Hậu Giang được kết nối các dự án trên với tuyến cao tốc, bổ sung nút giao tại vị trí giao cắt với tuyến ĐT931 để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mở đường kết nối giao thông miền Tây

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang kiến nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh hướng tuyến tránh dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cũng đề xuất tại nút giao IC2-KM16+450, bổ sung đoạn kết nối 7km từ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đến Quốc lộ 1, đoạn đi qua địa bàn TP Cần Thơ nhằm đảm bảo tính kết nối.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cũng nêu rõ, cao tốc Bắc - Nam phía Đông phải ưu tiên đáp ứng được yêu cầu kết nối vào các khu trung tâm, các khu công nghiệp, khu đô thị, để thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phương cũng như liên kết vùng. Vì vậy, đơn vị tư vấn và chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị dự án xem xét, bổ sung các tuyến nối, điều chỉnh vị trí các nút giao sao cho phù hợp, đảm bảo mục tiêu đã đề ra.

Đối với đề xuất của Cần Thơ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, hiện nay cầu Cần Thơ 2 chưa được xây dựng, việc ùn tắc xảy ra trong tương lai khi tuyến cao tốc hình thành là khó tránh khỏi, do đó các tuyến nối vào cao tốc là rất cần thiết. Nhưng với kiến nghị 7km mà địa phương đưa ra thì Ban QLDA Mỹ Thuận và đơn vị tư vấn cần xem xét kỹ lưỡng bởi nó sẽ làm tăng vốn cho dự án.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cũng cho biết, việc đầu tư đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần đặt trong bài toán giao thông tổng thể với yêu cầu kết nối liên vùng. Và yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận và các đơn vị nghiên cứu thực hiện tốt các công đoạn tiếp theo. Các nút giao mà địa phương đề xuất cần xem xét bổ sung phù hợp. Các địa phương cần bắt tay thực hiện công tác GPMB để thực hiện dự án một cách sớm nhất.

Mở đường kết nối giao thông miền Tây

Lãnh đạo Bộ GTVT kiểm tra tiến độ dự án cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang

Nội dung: AN CHI

Ảnh: CHÂU LÊ - AN CHI

Thiết kế - Trình bày: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết