12/08/2017 - 17:47

Lượng sức chọn ngành, trường trong xét tuyển bổ sung đợt 1 

Đến nay, công tác tuyển sinh 2017 của các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) khối ngành sư phạm ở Cần Thơ gần như hoàn tất. Ở đợt 1, các trường tuyển được khoảng 80% chỉ tiêu. Dù vẫn dành nhiều chỉ tiêu cho đợt xét tuyển bổ sung (XTBS) nhưng cán bộ các trường khuyên thí sinh thận trọng.

Vẫn còn chỉ tiêu

Tại điểm tiếp nhận hồ sơ XTBS đợt 1 (Nhà học B1), Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) ngày 10-8 khá vắng thí sinh. Vài thí sinh đến xem thông tin xét tuyển.

Nguyễn Phi Phụng, ở Cà Mau, cho biết: “Đợt 1, em rớt ngành Công nghệ thông tin; đợt này em đến trực tiếp tại trường tìm hiểu để nộp XTBS”.

Vũ Thị Mai, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, chia sẻ: “Em thi được 21 điểm nên đợt 1 không trúng tuyển ngành Thú y (điểm chuẩn trúng tuyển 21,75). Đợt bổ sung này, em sẽ chọn kỹ lưỡng hơn vì đây là cơ hội cuối vào ĐHCT. Em dự định chọn nguyện vọng 1 ngành Sinh học ứng dụng, nguyện vọng 2 ngành Sinh học”. 

Thí sinh nộp hồ sơ XTBS đợt 1 vào Trường ĐHCT vào ngày 10-8.

Thí sinh nộp hồ sơ XTBS đợt 1 vào Trường ĐHCT vào ngày 10-8.

Đợt XTBS lần 1 năm 2017, Trường ĐHCT tuyển 560 chỉ tiêu cho 29 ngành. Mỗi ngành tuyển từ 10-30 chỉ tiêu. Điểm nhận hồ sơ từ 15,5 điểm đến 21,25 điểm (tùy ngành). Các ngành có điểm nhận hồ sơ cao là: Việt Nam học (21,25 điểm), Ngôn ngữ Anh (19,25 điểm), Sinh học ứng dụng (18,75 điểm), Sinh học (17,5 điểm)…

Thí sinh muốn đăng ký XTBS phải tốt nghiệp THPT hoặc tương đương; có giấy chứng nhận kết quả Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 (bản chính) và chưa xác nhận nhập học vào các trường ĐH, CĐ ở đợt xét tuyển trước; có tổng số điểm 3 môn thi của tổ hợp xét tuyển (được làm tròn đến 0,25) cộng với tổng số điểm ưu tiên khu vực và đối tượng của thí sinh, từ bằng hoặc lớn hơn điểm nhận hồ sơ; không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển từ 1,0 điểm trở xuống.

Theo Trường ĐHCT, ở các ngành chương trình tiên tiến và chương trình chất lượng cao, phải thêm điều kiện là có kết quả thi Tiếng Anh đạt mức điểm từ 6,0 điểm trở lên (theo thang điểm 10). Thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa 3 nguyện vọng và xếp thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp.

Những thí sinh có điểm xét tuyển trong cùng 1 ngành bằng nhau thì được xét tuyển như nhau, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng. Điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp môn thi trong cùng 1 ngành là bằng nhau và được xác định theo ngành. Thí sinh chỉ trúng tuyển nguyện vọng có ưu tiên cao nhất trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.

Tương tự, ở đợt XTBS, Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ (KT-CN) Cần Thơ tuyển 240 sinh viên cho 10 ngành. Trường ĐH Tây Đô và ĐH Nam Cần Thơ tiếp tục tuyển bổ sung cho các ngành ĐH chính quy, mức điểm xét từ 15,5 điểm trở lên cho tất cả các ngành.

Ngoài ra, cả hai trường đều xét tuyển sinh theo điểm học bạ THPT. Theo cán bộ Trường ĐH Tây Đô, thí sinh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, mức điểm xét tuyển 14,5 điểm. Trường CĐ Cần Thơ cũng dành gần 2.000 chỉ tiêu cho các ngành sư phạm và ngoài sư phạm; trong đó có 134 chỉ tiêu cho 7 ngành sư phạm.

Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, thông tin: “Các ngành sư phạm, trường chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu ở TP Cần Thơ từ 3 năm trở lên. Thí sinh trải qua kỳ kiểm tra tác phong sư phạm, riêng 2 ngành mầm non, giáo dục thể chất phải thi thêm môn năng khiếu”.

Cân nhắc kỹ

Qua thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến trưa ngày 8-8 đã có 242.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục xác nhận nhập học. Cả nước có 57 trường tỷ lệ nhập học từ 90% trở lên; có 74 trường tỷ lệ nhập học từ 70% đến cận 90%; có 65 trường tỷ lệ nhập học từ 50% đến cận 70%.

Cả nước vẫn còn trên 120.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1 nhưng không xác nhận nhập học. Riêng tại TP Cần Thơ, các trường ĐH Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ, KT-CN Cần Thơ có tỷ lệ thí sinh nhập học đạt trên 80%. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 20% thí sinh trúng tuyển nhưng không biết đi đâu.

Lý giải vấn đề này, Hiệu trưởng Trường ĐH KT-CN Cần Thơ, Tiến sĩ Dương Thái Công cho biết: “Thí sinh không chọn học ĐH có thể du học, hoặc có hoàn cảnh khó khăn không thể học ĐH. Nguyên nhân khác nữa là thí sinh chọn học cao đẳng, nghề. Vài năm trở lại đây, thí sinh có xu hướng dịch chuyển chọn học từ đại học sang cao đẳng, nghề”.

Theo Tiến sĩ Dương Thái Công, sự chuyển đổi này là do yếu tố tác động xã hội, thí sinh chọn học thời gian ngắn hơn, dễ tìm việc làm hơn sau tốt nghiệp. Quan trọng hơn, thí sinh biết rõ hơn những ngành, trường nào có chất lượng để chọn học. Đây là tín hiệu đáng mừng, vì sẽ cân bằng nguồn lực lao động, tránh tình trạng thừa thầy, thiếu thợ.  

Một cán bộ quản lý của trường ĐH, cho rằng, thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng lại trúng tuyển nguyện vọng 2 nhưng vẫn thích ngành của nguyện vọng 1 nên chờ đợt sau. Nhưng có khi đợt sau không còn chỉ tiêu. Do đó, thí sinh phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh ở các trường ĐH, CĐ. Đợt XTBS, có trường còn chỉ tiêu nhưng có trường không tuyển thêm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, đợt 1 trường có 973/ 1.089 thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học, đạt trên 89%. Trường không tuyển thêm đợt bổ sung.

Còn Tiến sĩ Dương Thái Công, cho biết trường ĐH KT- CN nhận hồ sơ XTBS đến ngày 22-8, nhưng nếu số thí sinh dự tuyển đủ và đạt điều kiện trúng tuyển, trường sẽ kết thúc thời gian nhận hồ sơ sớm hơn. Thí sinh cần cân nhắc, chọn ngành trường phù hợp, nộp hồ sơ sớm. Thí sinh không được rút bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT Quốc gia, sau khi đã đăng ký xét tuyển vào trường. Nhưng nếu thí sinh không trúng tuyển có thể liên hệ với trường để rút lại, chuyển sang học trường khác phù hợp hơn.

Hầu hết cán bộ tuyển sinh các trường đều khuyên: Khi nộp hồ sơ XTBS vào các trường, thí sinh cân nhắc chọn ngành yêu thích; xem số điểm của mình với điểm tổ hợp của ngành dự định nộp có khả năng trúng tuyển cao hay không. Bởi vì đợt tuyển này gần như là đợt cuối cùng của các trường. 

Bài, ảnh: B.NGỌC

Chia sẻ bài viết