29/04/2009 - 21:10

Lớn lên cùng đất nước...

34 năm đã trôi qua kể từ đại thắng mùa xuân năm 1975. Một thế hệ tuổi trẻ đã trưởng thành, lớn lên cùng đất nước, đang tiếp nối cha ông viết tiếp bài trường ca hào hùng của dân tộc...

 

1. Trở lại Tiểu đoàn Tây Đô (TĐTĐ) ngay lúc đơn vị tổ chức Lễ Tuyên thệ Chiến sĩ mới, chúng tôi bất ngờ khi nhìn thấy sự đổi thay của các chiến sĩ sau 3 tháng nhập ngũ. Các anh trông chững chạc hơn hẳn! Nhìn vẻ rạng ngời và xúc động của các chiến sĩ khi hô vang lời thề dưới quân kỳ, Đại úy Nguyễn Trần Tổng, Quyền Tiểu Đoàn trưởng TĐTĐ, không giấu vẻ xúc động. Anh nói: “Các em cũng như mình ngày trước, nhờ học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội, nên đã sớm trưởng thành”.

Là con trai lớn trong gia đình có truyền thống cách mạng, năm 1992, Nguyễn Trần Tổng tình nguyện nhập ngũ và được gia nhập TĐTĐ. Lúc đó, anh từng nghĩ sau thời gian nghĩa vụ sẽ ra quân để thực hiện công việc mình yêu thích là thi vào đại học ngành cơ khí. Nhưng qua tìm hiểu về những truyền thống vẻ vang đầy tự hào của đơn vị và của Quân đội nhân dân Việt Nam, nếp sống kỷ luật nghiêm minh của quân đội, nhất là tình cảm đồng đội trong suốt thời gian tại ngũ ... đã tác động sâu sắc đến suy nghĩ của anh lính trẻ. Năm 1995, anh Tổng thi vào Trường sĩ quan Lục quân 2. Sau 5 năm học tập, năm 2000, anh Tổng ra trường với cấp hàm Thiếu úy, về nhận nhiệm vụ tại Đại đội trinh sát - Bộ Chỉ huy quân sự TP Cần Thơ. Với quyết tâm và nỗ lực trong công tác nên anh có bước trưởng thành nhanh, năm 2007, anh trở lại TĐTĐ với vai trò Phó Chỉ huy Tiểu đoàn và nhận nhiệm vụ Quyền Tiểu đoàn Trưởng từ tháng 8-2008.

Làm chỉ huy ở một đơn vị có bề dày truyền thống anh hùng như TĐTĐ, đối với anh Tổng vừa là vinh dự, nhưng cũng là một trọng trách nặng nề. Anh Tổng bộc bạch: “Theo tôi, người cán bộ muốn giỏi và làm gương cho cấp dưới, trước hết nỗ lực rèn luyện một cách toàn diện, nghiêm túc, gương mẫu cả lời nói và việc làm”. Với suy nghĩ đó, anh luôn nghiêm khắc với bản thân, từ việc thực hiện các chế độ, nề nếp tại đơn vị, trong công tác huấn luyện, lao động giúp dân.... Anh còn thường xuyên tự học tập để cập nhật những kiến thức mới, nắm chắc những vấn đề huấn luyện, hiểu sâu về nội dung và chấp hành nghiêm nền nếp chế độ huấn luyện.

Trong sinh hoạt hàng ngày, anh luôn đi sâu đi sát, nắm bắt tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ. Những trường hợp hạn chế, thiếu sót của chiến sĩ và sĩ quan trong đơn vị, anh ân cần nhắc nhở, uốn nắn, góp ý chân tình để sửa chữa. Anh nói: “Nét nổi bật của nhiều đời chỉ huy ở TĐTĐ là thương lính, sống chân thành với anh em, vì thế tôi cũng nhắc nhở mình phải noi theo để làm tốt công tác lãnh đạo của đơn vị”. Làm chỉ huy trong một đơn vị chủ lực, quân số đông, công việc bộn bề vất vả, nhưng như nhận xét của nhiều sĩ quan, chiến sĩ trong đơn vị, ít khi nào thấy chỉ huy “nổi nóng”, lớn tiếng với anh em, mà luôn tạo ra không khí dân chủ, thoải mái để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Đại tá Vũ Cao Quân, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ, nhận xét: “Đại úy Nguyễn Trần Tổng được đào tạo căn bản về quân sự, luôn nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ, có lối sống hòa đồng, gần gũi với anh em nên được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tin yêu”. Với những nỗ lực của sĩ quan, chiến sĩ trong đơn vị, trong đó có vai trò đầu tàu của Quyền Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Trần Tổng, nhiều năm liền TĐTĐ đều đạt thành tích cao trong các mặt công tác, Đảng bộ đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh. Năm 2008, đơn vị được Quân khu 9 tặng cờ “Đơn vị Quyết thắng”. Riêng Đại úy Nguyễn Trần Tổng nhiều năm được Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tặng bằng khen và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua năm 2008.

 

2. Dù là ngày nghỉ cuối tuần, nhưng khi chúng tôi đến tìm, chị Huỳnh Thị Lài, Chủ tịch UBMTTQVN phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, vẫn đang tất bật với công tác chuẩn bị bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng Nhân dân phường. Biết bao nhiêu việc nhưng người nữ cán bộ Mặt trận 33 tuổi ấy vẫn tranh thủ sắp xếp việc nhà, sát cánh cùng Ban Thường trực UBMTTQVN phường, các tổ chức thành viên thực hiện công tác bầu cử thật tốt.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Lài luôn tự hào với truyền thống gia đình cách mạng, cha mẹ đều là quân nhân. Chính từ những câu chuyện của người thân, và những điều được học, được nghe qua các phim tài liệu, tranh ảnh, sách báo... về cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc ta đã để lại những ấn tượng mạnh mẽ trong lòng chị. Hồi còn nhỏ, có lần nghe Lài ước phải chi được sinh ra trong thời chiến tranh để được tham gia chiến đấu chống giặc ngoại xâm, cha chị cười xòa, rồi căn dặn: “Không chiến đấu chống ngoại xâm thì bây giờ mình chiến đấu chống đói, nghèo, bệnh tật, góp phần xây dựng quê hương”. Lời dặn dò của cha luôn khắc ghi trong lòng chị Lài.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ cộng với niềm yêu thích được tham gia hoạt động xã hội, nên khi tốt nghiệp lớp 12, chị đã tham gia công tác đoàn ở khu vực. Với sự nỗ lực phấn đấu của mình, hai năm sau chị Lài vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và tham gia vào cấp ủy ở chi bộ khu vực, rồi làm Phó Bí thư, Bí thư Đoàn phường. Đang là thủ lĩnh thanh niên thì được Đảng ủy phường điều động sang phụ trách công tác tổ chức của Đảng ủy. Đầu năm 2008, phường Bùi Hữu Nghĩa được thành lập, chị được phân công làm Chủ tịch UBMTTQVN phường. Chị Lài tâm sự: “Khi được giao trọng trách là Chủ tịch UBMTTQVN phường, tôi thấy mừng vì được lãnh đạo tin tưởng tín nhiệm, nhưng cũng lo vì nhiệm vụ phía trước rất nặng nề”. Chị bắt đầu học tất cả mọi việc, từ cách xưng hô sao cho đúng với từng tôn giáo, dân tộc, các tầng lớp nhân dân; cách tuyên truyền vận động bà con. Chị còn dành nhiều thời gian để đi cơ sở, gần gũi với bà con, nhằm thấu hiểu tâm tư, tình cảm để có thể đại diện các tầng lớp nhân dân phản ánh những tâm tư nguyện vọng của bà con đến Đảng, chính quyền... Gần gũi bà con, thấy vẫn còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chị Lài rất trăn trở. Chị nói: “Để giúp 89 hộ nghèo trên địa bàn phường có điều kiện vươn lên, ngoài việc vận động bà con chí thú làm ăn, chúng tôi đã đề nghị Đảng ủy, UBND cùng các đoàn thể xem xét hoàn cảnh cụ thể từng hộ để có hướng đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, việc làm...”. Trong năm 2008, với vai trò lãnh đạo UBMTTQVN phường, chị Lài đã phối hợp cùng các tổ chức thành viên vận động được hơn 20 triệu đồng quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng 2 căn nhà đại đoàn kết, sửa chữa 1 căn nhà tình nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo...

Nói về dự định tương lai, chị Lài cho biết: “Tôi vừa tham gia lớp đại học hành chính, đang phấn đấu để vừa học vừa công tác tốt, cống hiến hết sức mình để xứng đáng là một người đảng viên Đảng cộng sản”.

 

3. Tiếp chúng tôi sau ca làm việc, Nguyễn Thế Cường, 29 tuổi, công nhân Xưởng Cơ điện Công ty Cổ phần Sadico Cần Thơ, mở đầu câu chuyện bằng một câu nói chân tình: “Tuổi trẻ chúng tôi may mắn không phải trải qua gian khổ của chiến tranh, vì vậy phải biết đem trí tuệ và nhiệt huyết của mình cống hiến và xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Nguyễn Thế Cường xuất thân trong gia đình ba mẹ làm công chức nhà nước, ở phường An Hội, quận Ninh Kiều. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp THPT, Cường, thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM mở tại Trường Trung cấp Nghề Cần Thơ. Năm 2004, Cường tốt nghiệp kỹ sư điện loại khá, được nhiều doanh nghiệp mời về làm việc, nhưng anh quyết định gắn bó Công ty Cổ phần Sadico, nơi đã chắp cánh cho anh trưởng thành.

Trong quá trình làm việc, Cường luôn chủ động nghiên cứu, đề xuất cải tiến nhiều thiết bị trong hệ thống máy móc để tăng năng suất sản xuất và tiết kiệm chi phí mua sắm cho đơn vị. Công trình đầu tay của anh là cải tiến bộ phận lưới lọc tráng màng trong sản xuất bao PP. Cường kể: “Do máy không có bộ phận để lọc cặn, sau mỗi ca sản xuất phải mất 2 giờ để tháo máy lấy cặn bẩn ra ngoài, nên năng suất sản xuất rất thấp”. Sau thời gian nghiên cứu, năm 2007, Cường đề xuất ý tưởng cải tiến thiết bị này. Được tập thể xưởng và lãnh đạo công ty chấp thuận, Cường mày mò thiết kế hộp đẩy lưới lọc tráng màng, chọn vị trí đặt hộp trên hệ thống sao cho phù hợp... Sau hơn một tháng ròng bám xưởng, được sự giúp đỡ của đồng nghiệp, anh đã hoàn thành công trình và đưa vào vận hành an toàn. Nhờ công trình sáng kiến cải tiến kỹ thuật này, năng suất sản xuất của dây chuyền tăng thêm mỗi ngày 6.000 mét màng, trị giá 11,5 triệu đồng.

Thành công bước đầu đã giúp Cường tự tin hơn trong việc nghiên cứu thực hiện các công trình cải tiến kỹ thuật tiếp theo. Dẫn chúng tôi tham quan xưởng sản xuất của công ty, dừng lại ở bộ phận cụm quấn thành phẩm của dây chuyền sản xuất, Cường kể: “Trước đây, tại vị trí này luôn phải bố trí một công nhân lao động túc trực để cắt cuộn thành phẩm, khi cắt hệ thống máy vẫn phải vận hành rất nguy hiểm cho công nhân”. Để cải tiến kỹ thuật của bộ phận này, ngoài học hỏi các đồng nghiệp, Cường còn phải mày mò nghiên cứu cả một “núi” tài liệu về nguyên tắc hoạt động của hệ thống tự động đảo chiều, các chi tiết của máy... Cuối cùng, bằng giải pháp cắt bỏ một số bộ phận của thiết bị cũ, thiết kế và lắp đặt thêm bộ phận cắt tự động, chuyển cuộn tự động, Cường đã cải tiến thành công thiết bị, giúp công ty tiết kiệm được nhân lực và an toàn hơn trong sản xuất. Cường còn tham gia với tập thể cán bộ, công nhân của xưởng thực hiện nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật khác như cải tạo máy ống thành máy cắt, cải tạo hệ thống bôi nhớt trơn máy dệt, chế tạo máy tái chế mới theo công nghệ tiên tiến... đã nâng cao hiệu quả sản xuất, làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng.

Nhờ nỗ lực của cố gắng của bản thân, cuối năm 2007, Cường vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

 

4. Thượng úy Nguyễn Trung Kiên (sinh năm 1979), cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Cần Thơ, là một trong những sĩ quan trẻ, có nhiều thành tích. Nhiều lần Kiên được Ban Giám đốc Công an thành phố khen thưởng đột xuất vì có thành tích xuất sắc trong công tác điều tra, phá các tụ điểm ma túy trên địa bàn thành phố. Kiên còn là 1 trong 119 gương điển hình thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Là con trai lớn trong gia đình có truyền thống theo ngành giáo dục ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, từ nhỏ Kiên đã là con ngoan trò giỏi. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp THPT, Kiên thi đậu cùng lúc vào hai trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Phân hiệu Đại học Cảnh sát nhân dân. Nghe Kiên báo tin mừng, bạn bè ai cũng quả quyết “chắc chắn Kiên sẽ chọn theo ngành công an”, bởi đó là ước mơ của Kiên. Kiên kể: “Bài học đầu tiên tôi được học là 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân (CAND) và tôi xem đó là kim chỉ nam cho mọi hành động. Sau này, biết nhiều về những tấm gương đảng viên công an chiến đấu anh dũng, tôi càng hiểu sâu sắc hơn về lý tưởng cao đẹp của Đảng, của ngành, từ đó càng ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện...”. Năm 2001, Kiên vinh dự được kết nạp Đảng, khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tốt nghiệp ĐH, Kiên được phân công về Cục cảnh sát điều tra tội phạm ma túy ở phía Nam, đến năm 2005 chuyển công tác về Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Cần Thơ. Kiên nói: “Tuy tốt nghiệp đại học chuyên ngành, nhưng khi đối mặt với thực tế công tác, đấu tranh với bọn tội phạm, tôi không tránh khỏi lúng túng, khó khăn.Từ sự quan tâm giúp đỡ của Chi bộ, lãnh đạo phòng, chúng tôi ngày càng vững vàng về tư tưởng, thấy được trách nhiệm và vinh dự lớn lao của người chiến sĩ CAND. Từ đó, tôi không ngừng phấn đấu, học tập, đánh bại tư tưởng ngại khó, ngại khổ...”.

Quả vậy, trong công tác, Kiên không quản ngại khó khăn, dành nhiều thời gian đi cơ sở, gặp cán bộ hưu trí, người dân hỏi han, trò chuyện. Nhờ vậy, Kiên được bà con tin yêu, cung cấp nhiều thông tin quan trọng liên quan đến các băng nhóm mua bán ma túy, từ đó xây dựng các chuyên án triệt phá các tụ điểm ma túy trên địa bàn thành phố. Điển hình như vụ triệt phá tụ điểm buôn bán ma túy do N.T.H (ở xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh) cầm đầu. Qua công tác trinh sát, nắm địa bàn, Kiên phát hiện đường dây mua bán ma túy lớn. Tháng 4-2008, Kiên đề xuất lập chuyên án trinh sát. Ròng rã hơn 3 tháng trời theo dõi, mật phục, Kiên và đồng đội tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phá án, bắt quả tang bà N.T.H. đang giấu một lượng lớn ma túy trong người, chuẩn bị phân phối cho các tay em. Để đẩy lùi tệ nạn ma túy, Kiên cùng đồng đội còn tổ chức tuyên truyền, vận động, giúp người dân nơi đây hiểu hơn về “cái chết trắng” để có ý thức cảnh giác, mạnh dạn tố cáo những kẻ gieo “cái chết trắng” cho cộng đồng.

So với nhiều đồng nghiệp, Kiên còn ít tuổi nghề nhưng có bề dày thành tích đáng nể. Chỉ trong 2008 và quí I-2009, Kiên và đồng đội đã phá nhiều chuyên án, triệt phá trên 40 tụ điểm ma túy phức tạp. Kiên nói: “Trong chiến tranh, bao lớp người ngã xuống mới giành lại hòa bình, độc lập như hôm nay. Vì vậy, tuổi trẻ chúng ta phải biết trân trọng lịch sử, những hy sinh của thế hệ cha ông để từ đó ra sức học tập, cống hiến góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, giàu đẹp”.

NHÓM PHÓNG VIÊN CHÍNH TRỊ

Chia sẻ bài viết