05/05/2008 - 23:24

Để “sản phẩm đào tạo” đáp ứng yêu cầu tuyển dụng

Lời giải từ 3 phía...

Bình quân hằng năm, có hàng ngàn sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tốt nghiệp từ hàng chục ngành đào tạo. Làm thế nào để tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm phù hợp và gắn bó lâu dài với công việc ngày càng tăng? Trả lời câu hỏi bức xúc này, Trường ĐHCT nói chung cũng như từng khoa, trung tâm nói riêng đã nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, theo một số đơn vị tuyển dụng, để giải quyết thực tế đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ 3 phía: nhà trường- doanh nghiệp- sinh viên.

Kỹ năng, kiến thức xã hội: còn nhiều “lỗ hổng”!

Nhằm giúp sinh viên tiếp cận với doanh nghiệp, tìm hiểu thực tế và định hướng được công việc trước khi tốt nghiệp, Trường ĐHCT thường xuyên tổ chức cho sinh viên giao lưu với doanh nghiệp. Trong chương trình hướng nghiệp và trực tiếp phỏng vấn tuyển chọn sinh viên do Trung tâm học liệu, Trường ĐHCT phối hợp với Công ty TNHH Colgate- Palmolive tại Việt Nam tổ chức, rất nhiều sinh viên quan tâm đến cách làm hồ sơ xin việc, kỹ năng trả lời phỏng vấn... sao cho mang tính thuyết phục cao đối với nhà tuyển dụng.

 Ông Nguyễn Lương Hùng, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Colgate - Palmolive tại Việt Nam đang trả lời thắc mắc của sinh viên trong Chương trình hướng nghiệp và trực tiếp phỏng vấn tuyển chọn sinh viên do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức. Ảnh: B.NG

Bằng kinh nghiệm thực tế của mình, ông Nguyễn Lương Hùng, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Colgate- Palmolive tại Việt Nam và bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký Hiệp Hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ, đã giúp sinh viên có được cái nhìn thực tế đối với vấn đề xin việc làm sau khi tốt nghiệp. Theo ông Nguyễn Lương Hùng, để xin việc thành công, gắn bó lâu dài với công việc và trở thành nhân viên chính thức của công ty, sinh viên phải thể hiện được năng lực, quyết tâm, sự say mê của mình đối với công việc. Ông Hùng nhấn mạnh: “Khi công ty tuyển nhân viên, không nhất thiết người đó phải có học lực xuất sắc, nhưng chí ít phải nắm vững, áp dụng được kiến thức đã học vào thực tế công việc. Mặt khác, phải biết độc lập suy nghĩ, chịu khó và có tính cầu tiến trong công việc”.

Tại buổi hướng nghiệp và trực tiếp phỏng vấn tuyển chọn sinh viên, Công ty Colgate- Palmolive tại Việt Nam đã tiến hành phỏng vấn và tuyển chọn sinh viên tham gia chương trình thực tập viên kinh doanh. Tuy nhiên, trong hàng trăm sinh viên tham dự phỏng vấn trực tiếp, công ty chỉ tuyển chọn được 4 sinh viên đủ điều kiện dự tuyển. Ông Nguyễn Lương Hùng đánh giá: “Hầu hết các sinh viên chưa định hướng được việc làm. Sinh viên còn thiếu và yếu về kiến thức thực tế”. Không chỉ ông Hùng, bà Nguyễn Mỹ Thuận cũng cho rằng: “Sinh viên được cung cấp một khối lượng kiến thức tổng hợp khá lớn mà chưa đi vào chuyên sâu, trong khi các đơn vị sử dụng lao động đòi hỏi nhân viên phải biết làm công việc cụ thể. Ngoài kiến thức chuyên môn, công việc còn đòi hỏi sinh viên phải có kiến thức xã hội, nhưng phần lớn sinh viên chỉ chăm chú vào những kiến thức do thầy cô cung cấp chứ chưa tự tìm hiểu, học hỏi thêm kiến thức bên ngoài. Đó là những nguyên nhân khiến sinh viên thiếu tính chủ động, sáng tạo trong công việc...”.

Nhiều nhà quản lý giáo dục tại ĐHCT cũng đã nhận thấy những nhược điểm trên của sinh viên. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

Nỗ lực chung

Để nâng cao chất lượng đào tạo, giúp sinh viên có kiến thức chuyên môn vững vàng, các khoa, trung tâm của Trường ĐHCT nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp. Tiến sĩ Lưu Thanh Đức Hải, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường ĐHCT, cho biết: “Khoa tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, ngày hội việc làm, với sự tham gia của nhiều đơn vị nhằm tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận và giao lưu với doanh nghiệp, có thêm kinh nghiệm khi xin việc. Qua các cuộc tiếp xúc, Ban Chủ nhiệm khoa lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để điều chỉnh nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy cho phù hợp”.

Khoa Công nghệ, khoa Công nghệ thông tin và truyền thông là hai trong những khoa đi tiên phong trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy tại Trường ĐHCT. Theo Ban Chủ nhiệm khoa Công nghệ, để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, khoa đã và đang điều chỉnh “phần mềm” của chương trình đào tạo theo hướng sát hợp với cộng đồng, chú trọng tăng cường kỹ năng thực hành cho sinh viên song song với việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Mục tiêu của Khoa Công nghệ khi tiến hành đổi mới phương pháp dạy học là phát huy tính tích cực, khả năng sáng tạo của sinh viên.

Từ năm học 2006-2007, khoa Công nghệ thông tin và truyền thông đã triển khai hình thức đào tạo trực tuyến. Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Linh, Phó Trưởng Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, việc ứng dụng đào tạo trực tuyến phù hợp với lộ trình đào tạo theo học chế tín chỉ của trường. Hình thức đào tạo trực tuyến cũng giúp sinh viên phát huy khả năng sáng tạo, tự học, học nhóm. Thạc sĩ Nguyễn Văn Linh nói: “Năm 2008, khoa được trang bị trên 100 máy vi tính để phục vụ cho việc dạy và học”.

Góp ý để nâng cao chất lượng đào tạo của Trường ĐHCT, bà Nguyễn Mỹ Thuận cho rằng, nên đưa môi trường hoạt động của doanh nghiệp vào nhà trường để sinh viên tiếp cận với thực tế xã hội. Điều này, đòi hỏi có sự “bắt tay” giữa doanh nghiệp với nhà trường. Hay nói cụ thể hơn, doanh nghiệp phải hỗ trợ, tạo điều kiện giúp nhà trường cho sinh viên tiếp cận với thực tế công việc. Theo tiến sĩ Lưu Thanh Đức Hải, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường ĐHCT hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp chưa nhiệt tình nhận sinh viên thực tập, để mặc sinh viên “tự bơi”, tự làm là chính. Vì vậy, kết quả thực hành, thực tập của sinh viên chưa đạt như mong muốn. Nếu doanh nghiệp hợp tác với nhà trường, đặt hàng để sinh viên nghiên cứu giải quyết những vấn đề thực tế của doanh nghiệp thì hiệu quả sẽ cao hơn.

***

Nhiều giải pháp mà Trường ĐHCT nói chung, từng khoa, trung tâm nói riêng đang thực hiện để nâng cao chất lượng đào tạo cũng là nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm phù hợp, gắn bó với công việc. Bên cạnh những nỗ lực chung đó, một yếu tố không kém phần quan trọng là sự nhiệt tình, gắn bó với công việc, năng động học hỏi, rèn luyện của sinh viên. Thực tế trên cũng cho thấy, nếu có sự kết hợp đầy đủ, hài hòa giữa 3 yếu tố: Sự đổi mới của nhà trường – sự hỗ trợ của doanh nghiệp - sự nỗ lực của sinh viên, thì chất lượng nguồn nhân lực mới được nâng lên, đáp ứng nhu cầu đang đòi hỏi của xã hội.

Bài, ảnh: BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết