17/06/2019 - 23:40

Lại chuyện phân luồng học sinh... 

Phân luồng học sinh sau THCS là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm góp phần tạo sự cân đối về cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực. Theo chỉ tiêu của HĐND TP Cần Thơ, đến năm 2020 phải huy động 70-75% thanh thiếu niên đúng độ tuổi vào học THPT, tỷ lệ bỏ học ở bậc THPT dưới 1%; có từ 25-30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào trung cấp và dạy nghề. Nhưng chỉ tiêu này ở TP Cần Thơ khó đạt được. Số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, tỷ lệ phân luồng học sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2010 là 5,77%; năm 2015 là 6,32% và năm 2018 chỉ có 2,91%. 

Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ.

Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ.

Ghi nhận thực tế từ các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận, huyện và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp, nghề rất thấp. Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân là tâm lý chuộng bằng cấp của xã hội và học sinh thiếu thông tin về nhu cầu thị trường lao động. Các em chưa tốt nghiệp THCS thường không đủ định lực để học tiếp chương trình phổ thông, trong khi đó phụ huynh học sinh lại ngại cho con đi học nghề vì nghĩ còn quá nhỏ… Trường hợp của Bùi Hoàng Minh Hồ (huyện Cờ Đỏ) là ví dụ. Sau khi không trúng tuyển lớp 10 (năm học 2017-2018), Hồ về phụ tiếp gia đình làm ruộng, chăn nuôi. Hồ nói:“Gia đình có khuyên em học nghề hoặc hệ bổ túc nhưng em “sợ” học tiếp”. Có trường hợp trúng tuyển vào trường nghề năm 2018 nhưng vẫn dự thi Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 để hy vọng có “tấm vé” vào đại học. Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho rằng, vài năm trở lại đây, công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp nói chung và của trường có khởi sắc, nhưng riêng bậc trung cấp rất khó khăn; thậm chí không mở được lớp. Số học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại trường ít. 

Thành phố hiện có trên 20 cơ sở đào tạo trung cấp nghề. Ngành nghề đa dạng ở nhiều lĩnh vực: y tế, nông nghiệp, thủy sản, kỹ thuật và công nghệ... Thời gian học trung cấp nghề được rút ngắn từ 2 năm xuống còn 1,5 năm. Học viên tốt nghiệp THCS vào học nghề được xét tuyển và miễn học phí, được vay tiền học tập. Vài năm gần đây, từ Trung ương đến địa phương thực thi nhiều chính sách hỗ trợ người học, đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, nhằm phân luồng hiệu quả học sinh sau tốt nghiệp THCS, nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. Theo Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhà trường và phụ huynh phải phối hợp chặt chẽ để tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Còn ông Đào Minh Lợi, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ cho rằng, bên cạnh đầu tư nguồn lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành hữu quan rất quan trọng. Đặc biệt là ngành giáo dục và đào tạo, ngành lao động thương binh và xã hội trong việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Các đơn vị cũng cần chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường lao động để phụ huynh, học sinh chọn ngành nghề phù hợp.

Bài, ảnh: Đặng Ngọc

Chia sẻ bài viết