14/06/2010 - 20:37

BÀ VƯƠNG THỊ LẬP, CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC THỦY LỢI, ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC BAN CHỈ HUY PCLB-TKCN TP CẦN THƠ:

Kiên quyết không để xảy ra thiệt hại về người trong mùa mưa, bão lũ 2010

Ngày 10-6-2010, Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão - Tìm kiếm Cứu nạn (PCLB-TKCN) TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác PCLB-TKCN năm 2009 và triển khai kế hoạch thực hiện năm 2010. Tại hội nghị, nhiều vấn đề được Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ đặt ra, trong đó nổi bật nhất là đẩy mạnh công tác phòng tránh, tìm kiếm cứu nạn trong mùa mưa, bão, lũ năm 2010, kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiệt hại về người, nhất là trẻ em bị chết đuối... Bà Vương Thị Lập, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ, cho biết:

-Từ đầu năm 2010 đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra 3 vụ sạt lở. Ngày 12-2-2010, xảy ra sạt lở bên dưới cầu Trà Niền (cặp sông Phong Điền, huyện Phong Điền) có chiều dài khoảng 20m, ảnh hưởng đến 6 ngôi nhà lân cận. UBND huyện Phong Điền tổ chức di dời các ngôi nhà này ra khỏi nơi nguy hiểm. Đến ngày 6-3-2010, tại khu vực này tiếp tục xảy ra sạt lở nghiêm trọng hơn, có chiều dài khoảng 100m, sâu vào đất liền 20m, làm 3 ngôi nhà và 2 vựa trái cây bị chìm xuống sông, làm 2 người chết, chân cầu Trà Niền bị hư hỏng nặng. Ngày 26-3-2010, xảy ra sạt lở đường giao thông tại phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt (ngay vàm sông Cái Sắn), dài 30m, sâu vào đất liền 5m, làm 1 nhà sập bị chìm xuống sông, sập mái che và băng chuyền gạo của một doanh nghiệp tư nhân... Ngày 1-5-2010, tại thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ có mưa lớn kèm theo lốc xoáy làm 6 căn nhà sập, tốc mái 11 căn. Hầu hết, các hộ gia đình bị ảnh hưởng thiên tai đều gặp khó khăn trong việc dựng lại nhà ở.

Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thành phố kết hợp cùng chính quyền địa phương huy động lực lượng, hỗ trợ kinh phí xây dựng lại nhà ở của các hộ bị thiệt hại do thiên tai, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ổn định cuộc sống, sản xuất kinh doanh.

* Ở một số địa phương vẫn còn tình trạng trẻ em chết đuối trong mùa mưa, bão, lũ, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN có biện pháp gì để hạn chế tình trạng này?

- Ở huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, tình trạng trẻ em chết đuối trong mùa mưa, lũ vẫn còn diễn ra (đã có 7 em bị chết đuối), nguyên nhân do gia đình bất cẩn trong việc quản lý, trông chừng con, em. Đây là tình trạng cần rút kinh nghiệm để khắc phục trong mùa mưa, bão, lũ năm 2010. Để ngăn chặn tình trạng trẻ chết đuối, Ban chỉ huy PCLB-TKCN các quận, huyện, phường, xã, thị trấn kết hợp các ngành chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư, các bậc cha mẹ thường xuyên tăng cường việc quản lý con em trong mùa mưa lũ, tránh những sơ hở để con em té sông chết đuối. Bên cạnh đó, năm nay, thành phố còn chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp như: Tổ chức các điểm giữ trẻ trong mùa lũ. Đối với học sinh tiểu học ở các điểm trường vùng sâu, ngập lũ, nhà trường phối hợp với chính quyền và phụ huynh học sinh, tổ chức đưa, rước các cháu học sinh khi đến trường để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra. Ngay thời điểm này, các điểm tập bơi cho trẻ em cần được nhân rộng. Vì đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để hạn chế trẻ em té sông chết đuối do không biết bơi.

Lực lượng bộ đội huyện Cờ Đỏ giúp các hộ dân ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ dọn dẹp, dựng lại nhà bị sập trong đợt lốc xoáy ngày 1-5-2010. Ảnh: H.V.

* Xin bà cho biết, năm 2010, tình hình khí tượng, thủy văn trong mùa mưa, bão, lũ được dự đoán ra sao?

- Theo nhận định của cơ quan khí tượng, thủy văn: Mùa mưa năm 2010 bắt đầu vào trung tuần tháng 5-2010. Tổng lượng mưa toàn mùa thấp hơn trung bình nhiều năm, mưa tập trung nhiều vào nửa cuối mùa. Tuy nhiên, mùa mưa 2010 sẽ diễn biến phức tạp, các đợt mưa lớn có khả năng diễn ra trên diện rộng và trong thời đoạn ngắn. Tổng số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta khoảng 5 đến 6 cơn, xấp xỉ trung bình nhiều năm. Trong những tháng đầu mùa mưa, sẽ có giông, lốc xảy ra trên diện rộng, trong cơn giông có lúc kèm theo gió giật, sấm sét nên rất nguy hiểm. Mặt khác, tình hình thời tiết có thể diễn biến bất thường, cần tăng cường các biện pháp phòng tránh.

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm, ít có khả năng xuất hiện lũ đầu mùa. Đỉnh lũ cao nhất tại Tân Châu và Châu Đốc theo dự báo sẽ tương đương năm 2009 - ở mức xấp xỉ báo động III. Riêng tại Cần Thơ, trong các tháng mùa lũ mực nước trên sông và kinh rạch chịu ảnh hưởng chủ yếu của thủy triều và nước lũ từ đầu nguồn, mưa lớn. Mực nước cao nhất trên sông Hậu tại Cần Thơ có thể đạt mức từ 1,95m đến 2,00m, cao hơn mức báo động III.

* Ban Chỉ Huy PCLB-TKCN thành phố đã chuẩn bị những gì để chủ động ứng phó với thiên tai?

- Trước tiên, về nguồn nhân lực, chúng tôi tiến hành củng cố, kiện toàn Ban Chỉ Huy PCLB-TKCN các cấp, từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Ngay thời điểm này, các Ban chỉ đạo PCLB-TKCN các cấp phải thực sự đi vào hoạt động, xây dựng kế hoạch phòng chống dựa vào điều kiện tự nhiên của từng địa phương. Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu các ngành, các địa phương phải xây dựng kế hoạch, biện pháp PCLB-TKCN một cách cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình của từng ngành, từng địa phương để chủ động ứng phó với mọi bất trắc của thiên tai.

Các hoạt động PCLB-TKCN nhất thiết phải mang tính chủ động phòng, tránh, đối phó kịp thời, khắc phục hậu quả khẩn trương và có hiệu quả; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” như: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ để ứng phó và cứu hộ, cứu trợ kịp thời khi có thiên tai; sống chung với lũ bằng việc thực hiện các chương trình: Kiểm soát lũ, xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ, xây dựng các tiểu vùng thủy lợi khép kín, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp... Trong đó, nêu cao sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ngành, các cấp để huy động sức mạnh tổng hợp trong công tác PCLB-TKCN, nhất là công tác cứu hộ, cứu trợ, nhân rộng các trạm cứu hộ trên sông, kiểm tra chằng kéo nhà có nguy cơ bị đổ sập trong mùa mưa, bão...

* Nhiều cán bộ địa phương còn thiếu kiến thức về tìm kiếm cứu nạn, thiếu phương tiện chuyên dụng, kinh phí hỗ trợ khi thiên tai xảy ra. Ban Chỉ Huy PCLB-TKCN thành phố giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa bà?

- Để phục vụ cho công tác PCLB-TKCN năm 2010, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ đã trang bị bản đồ theo dõi bão và áp thấp nhiệt đới cho một số ngành và các quận, huyện nhằm xác định vị trí, hướng đi của bão khi nhận được thông báo từ các đài khí tượng, thủy văn. Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thành phố đã thông báo đến Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các cấp chọn đối tượng để được Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn mở lớp đào tạo, điều khiển phương tiện thủy nội địa phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu nạn.

Về trang bị phương tiện kỹ thuật, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các cấp cần rà soát nhu cầu sử dụng phương tiện cứu hộ (phao, áo phao, áo đi mưa) để làm văn bản gởi đến Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thành phố để được cấp duyệt. Ban Chỉ huy PCLB-TKCN thành phố cũng vừa trang bị ca-nô (xuồng ST.660) và máy Yamaha 200 mã lực cho Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ để phục vụ cho công tác PCLB-TKCN trên địa bàn thành phố. Các địa phương cần bảo quản tốt và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các loại phương tiện đã được trang bị. Về kinh phí để hỗ trợ khi thiên tai xảy ra, cần được giải quyết theo hướng: Đẩy mạnh công tác thu quỹ PCLB-TKCN tại địa phương theo Quyết định số 38/2005/QĐ-UB của UBND TP Cần Thơ, để có nguồn kinh phí phục vụ công tác cứu hộ, cứu trợ khi có thiên tai; đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác PCLB-TKCN bằng cách huy động lao động, kinh phí, vật tư của cộng đồng dân cư để kịp thời cứu hộ, cứu trợ các gia đình bị thiệt hại do thiên tai.

* Xin cảm ơn bà!

HÀ VĂN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết