12/10/2008 - 08:07

Đồng chí Phạm Văn Nhơn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ:

Khi vi phạm qui chuẩn xây dựng thì bất kể công trình nào cũng bị buộc phải tháo dỡ

 

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố xảy ra không ít công trình xây dựng sai phép, không phép (kể cả công trình có qui mô lớn), ngành xây dựng cũng triển khai nhiều biện pháp xử lý những trường hợp này. Tuy nhiên, để chấn chỉnh tình trạng vi phạm trong xây dựng hiệu quả hơn trong thời gian tới, phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, xung quanh vấn đề này...

* Xin đồng chí cho biết, vì sao gần đây trên địa bàn thành phố có nhiều công trình xây dựng sai phép, không phép?

- Thật ra, xây dựng sai phép, không phép chỉ diễn ra nhiều ở những công trình xây dựng nhỏ lẻ, công trình dân dụng. Các công trình lớn thì rất ít xảy ra, công trình Tây Nguyên Plaza có thể nói là cá biệt trên địa bàn thành phố. Nguyên nhân của tình trạng này là do trong quá trình thực hiện công trình có trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đủ các bước như thiết kế cơ sở, nên dẫn đến sai sót mang tính hệ thống trong quá trình thi công. Chứ thực chất không một chủ đầu tư nào bỏ ra hàng chục tỉ đồng mà dám xây dựng công trình sai phép, không phép. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân do người dân chủ quan cho rằng, mình xây dựng trên đất của mình không làm đủ thủ tục cũng không sao, hoặc ngại mất thời gian thực hiện các thủ tục xin phép xây dựng, nên xây cất tự phát...

* Trường hợp xử phạt như Tây Nguyên Plaza như thế có đủ răn đe hay còn quá nhẹ, thưa đồng chí?

- Do qui định của pháp luật hiện hành, mức phạt này là mức tối đa, nhiều lĩnh vực khác cũng phải chấp nhận tình trạng chung này. Khi xử phạt Tây Nguyên Plaza, Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố ở khung cao nhất của Nghị định 126/2004/NĐ-CP và phạt tất cả các chủ thể tham gia với tổng số tiền 204.500.000 đồng. Phải nói số tiền phạt so với tổng giá trị công trình thì không lớn, nhưng về mặt pháp lý chúng ta đã thực hiện đúng quy định Nhà nước. Theo quy định, những công trình nào vi phạm chỉ giới đường đỏ, sai quy hoạch thì không chỉ phạt mà còn buộc tháo dỡ. Nhưng trường hợp này thì chưa vi phạm chỉ giới đường đỏ, nên được tồn tại.

Tuy nhiên, trong trường hợp của Tây Nguyên Plaza xây dựng sai phép cũng có phần do quá trình quản lý, phối hợp xử lý của các ngành còn yếu kém, chưa khẩn trương. Trong đó, có phần trách nhiệm của UBND quận Cái Răng, Ban quản lý khu Nam Cần Thơ và Sở Xây dựng trong quá trình tham mưu cho thành phố...

* Thưa đồng chí, trường hợp vi phạm nào phải buộc tháo dỡ, trường hợp nào chỉ xử phạt rồi cho tồn tại?

- Dư luận thắc mắc, tại sao nhiều công trình nhỏ khi vi phạm thì buộc tháo dỡ, những công trình lớn chỉ bị phạt rồi cho tồn tại? Nhưng theo quy định của Luật Xây dựng nêu rõ, nếu công trình xây dựng sai phép, nhưng không vi phạm lộ giới, chỉ giới đường đỏ, thì bị phạt nhưng cho tồn tại. Chính vì vậy, như trường hợp của Tây Nguyên Plaza xin phép xây dựng có độ lùi 10m so với lộ giới - chỉ giới đường đỏ, nhưng thực tế xây dựng chỉ lùi 4m. Điều này là sai so với giấy phép, nhưng so với qui chuẩn thì vẫn đảm bảo (được phép lùi 3m), nên chỉ xử phạt và cho tồn tại. Mặt khác, căn cứ vào cảnh quan môi trường, nếu công trình không làm xấu đi, không che khuất tầm nhìn giao thông, thì vẫn cho tồn tại.

Còn những công trình khác, lấn ra 0,5m, nhưng vẫn bị tháo dỡ là vì nếu 0,5m này phạm vào chỉ giới đường đỏ, vi phạm qui chuẩn, thì vừa bị phạt vừa bị buộc tháo dỡ. Nói chung, khi vi phạm qui chuẩn thì công trình có quy mô lớn hay nhỏ đều buộc phải tháo dỡ, còn những tiêu chuẩn khác Nhà nước khuyến khích người dân nên làm theo (như lùi nhiều hơn qui định). Nói tóm lại, qui chuẩn là bắt buộc, nếu vi phạm thì buộc phải tháo dỡ không kể công trình lớn hay nhỏ.

Ngoài ra, nếu công trình xây dựng vi phạm (lấn) đất công, thì cũng bị phạt và buộc tháo dỡ. Nhưng nếu đất công (nằm phía trong) mà Nhà nước xét thấy chưa cần sử dụng, thì có thể xem xét phạt và bán luôn cho hộ vi phạm, nhưng có thể mức giá cao hơn 2-3 lần giá thị trường, thì mới cho công trình tồn tại.

* Thưa đồng chí, Sở Xây dựng thành phố có ý kiến khuyến cáo gì đối với các chủ đầu tư xây dựng công trình và sắp tới công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được tăng cường ra sao để lập lại trật tự kỷ cương đô thị?

- Nói chung, khi nào phủ được quy hoạch chi tiết 1/500 trên toàn thành phố, thì mới có thể quản lý tốt việc xây dựng, nhất là những khu có yếu tố động lực phát triển để các cơ quan chức năng quản lý tốt. Nhưng trước mắt công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới sẽ được ngành xây dựng cấp quận, thành phố tăng cường thực hiện để ngăn chặn kịp thời những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay cái khó quản lý nhất của các công trình xây dựng là phần lớn chủ đầu tư không công khai bản vẽ công trình, giấy phép xây dựng, các giấy tờ có liên quan để cơ quan quản lý, người dân xung quanh biết được công trình đang xây dựng thuộc công trình gì để kịp thời phản ánh khi phát hiện sai phạm... Đồng thời, để cơ quan chức năng kiểm tra biết được đơn vị nào, cấp nào cấp phép xây dựng để phối hợp quản lý tốt hơn. Chỉ có những công trình qui mô lớn thì thực hiện nghiêm, còn những công trình nhỏ, dân dụng thì hầu như không thực hiện nghiêm những quy định. Tuy nhiên, những qui định này đều thể hiện rõ trong Luật Xây dựng và sắp tới ngành xây dựng sẽ triển khai thực hiện nghiêm hơn các quy trình này đối với các chủ đầu tư...

* Xin cảm ơn đồng chí.

THIỆN KHIÊM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết