“Văn hóa, kinh tế xã hội và nhân văn ÐBSCL - Ðặc trưng, đổi mới và phát triển” là chủ đề buổi tọa đàm do Trường Ðại học Cần Thơ vừa tổ chức, trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững ÐBSCL, tầm nhìn 2045 (SDMD 2045). Một vùng đất giàu bản sắc văn hóa, tạo nên sức mạnh nội sinh quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, là ý kiến của nhiều đại biểu khi miêu tả về miền Tây sông nước. Tuy nhiên, vấn đề cụ thể hóa tiềm năng đó thành thế mạnh, sản phẩm vẫn là mối quan tâm chung.
Văn hóa ẩm thực ĐBSCL là tài nguyên du lịch phong phú, tiềm năng.
Chia sẻ tại tọa đàm, TS Bùi Thanh Thảo, Trưởng Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Ðại học Cần Thơ, đã nhận diện yếu tố con người và văn hóa ÐBSCL với những đặc trưng và động lực phát triển kinh tế, xã hội của vùng. “Nghĩa khí, hào hiệp. Tình cảm, bao dung. Năng động, sáng tạo. Phóng khoáng, tự do, trách nhiệm. Lạc quan, yêu đời. Tình nghĩa, mến khách” là những cụm từ mà TS Bùi Thanh Thảo dùng để miêu tả về con người miền Tây Nam Bộ. Còn với bản sắc văn hóa bản địa, TS Bùi Thanh Thảo cho rằng, văn hóa sông nước - văn hóa miệt vườn; văn hóa hội tụ, dung hòa đã kiến tạo nên nét riêng cho vùng đất này. Ngoài ra, ÐBSCL còn có trữ lượng di sản văn hóa lớn, đa dạng, phong phú, từ văn hóa vật thể đến văn hóa phi vật thể... Ðây cũng là những nguồn lực góp phần phát triển kinh tế, xã hội và nhân văn cho ÐBSCL suốt hàng trăm năm qua.
GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Ðại học Cần Thơ, khẳng định: “Văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển bền vững đất nước, đồng thời cũng là thước đo, tiêu chí để đánh giá phát triển bền vững”. Quan điểm này cũng được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 120 của Chính phủ “Về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”: Kiến tạo, phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa đặc sắc của ÐBSCL.
Là đơn vị sáng lập và điều hành SDMD 2045, bên cạnh các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, Trường Ðại học Cần Thơ tập trung bàn thảo về vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa, góp phần phát triển bền vững ÐBSCL. Theo GS.TS Hà Thanh Toàn, phát huy nguồn lực văn hóa, tạo “sức mạnh mềm” cho phát triển là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đưa ÐBSCL phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Hơn nữa, xác định văn hóa là một trong những nguồn lực quan trọng, thúc đẩy các nguồn lực khác, tạo sức mạnh tổng hợp cho phát triển bền vững; các địa phương ÐBSCL sẽ khai thác tối ưu tiềm năng, phát triển đồng bộ văn hóa với kinh tế - xã hội.
TS Lê Thanh Hòa, Trưởng Khoa Ðô thị học, Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho biết: Trải qua hơn 300 năm khai phá, ÐBSCL có nền văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng. Nổi bật là nền văn hóa sông nước, kiến trúc chùa chiền khác lạ, độc đáo từ nhiều nền mỹ thuật khác nhau trên thế giới. Hơn 300 làng nghề truyền thống và có khoảng 30 làng nghề hình thành hơn 100 năm cũng là lợi thế to lớn. Ðây là những tài nguyên mà nếu cụ thể hóa thành sản phẩm du lịch, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp... hiệu quả thì sẽ góp phần phát triển ÐBSCL trong xu hướng hội nhập.
Bàn về việc để văn hóa bản địa phát huy lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội, theo TS Bùi Thanh Thảo, việc nâng tầm đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và tăng cường các nguồn lực cho văn hóa, giáo dục là việc làm cần thiết. Trong đó, mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế, bên cạnh đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa xây dựng con người. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư. Khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản... TS Bùi Thanh Thảo cũng đề xuất cần xây dựng một số công trình văn hóa trọng điểm; tăng cường đầu tư để đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để nâng cao khả năng dự báo và định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người. Từ đó, việc khai thác văn hóa bản địa sẽ bền vững, có chiều sâu.
Nhắc lại những lợi thế văn hóa của ÐBSCL, TS Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cho rằng, ÐBSCL vẫn chưa phát huy tối đa lợi thế đó trong lĩnh vực du lịch. Ðơn cử năm 2022, du lịch ÐBSCL được phục hồi sau dịch COVID-19, tăng mạnh so với 2021 nhưng tổng thu của vùng chỉ chiếm khoảng 7,35% tổng thu du lịch cả nước. Ðánh giá về thuận lợi và thách thức của du lịch ÐBSCL trong những năm tới đây, TS Phạm Văn Thủy cho rằng, các địa phương ÐBSCL cần có những định hướng chiến lược, cụ thể như định hướng phát triển sản phẩm du lịch (sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch quan trọng, sản phẩm du lịch bổ trợ...), định hướng phát triển thị trường du lịch, định hướng tổ chức không gian phát triển du lịch, định hướng đầu tư phát triển du lịch... Trong đó, ở tổ chức không gian du lịch, xác định phát triển TP Cần Thơ và TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trở thành hai trung tâm du lịch của vùng.
TS Phạm Văn Thủy cũng nhấn mạnh: Ðể thực hiện thành công các định hướng chiến lược phát triển du lịch vùng ÐBSCL, khai thác hiệu quả và bền vững các giá trị tài nguyên đặc thù và tạo hiệu quả đồng bộ với định hướng phát triển du lịch cả nước, cần 3 yếu tố cơ bản. Yếu tố quyết định là sự quan tâm thống nhất, chỉ đạo sâu sát của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp của các tỉnh, thành trong vùng. Yếu tố tạo đột phá để phát triển du lịch là cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư để tạo sức bật phát triển du lịch, tạo sự lan tỏa để phát triển các ngành kinh tế khác và tạo sức hút để khách du lịch tăng chi tiêu, gia tăng hiệu quả phát triển kinh tế du lịch. Yếu tố tạo hiệu ứng đồng bộ, hiệu quả đối với phát triển du lịch của cả vùng là cơ chế điều phối phát triển du lịch các địa phương trong vùng và liên kết hiệu quả với TP Hồ Chí Minh, trung tâm điều phối khách du lịch lớn nhất cả nước.
TS Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam:
Nét đặc trưng nổi trội của tài nguyên du lịch văn hóa vùng ĐBSCL là đặc tính văn hóa truyền thống, phong cách sống của người dân nơi đây, thể hiện ngắn gọn, giản dị là phong cách anh Hai Nam Bộ. Phong cách này đã thấm đẫm cùng tinh thần “yêu quê, tín nghĩa, trọng tình” của nhân dân ĐBSCL, thể hiện rõ nét qua nhiều giai đoạn trong lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước. Phong cách này đã lan tỏa trong văn hóa truyền thống, sinh hoạt của cộng đồng dân cư trong vùng.
Bài, ảnh: DUY KHÔI