14/04/2009 - 20:37

Đề án đào tạo nghề giai đoạn 2009-2010

Hướng đến nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội

Tiếp tục phát huy thế mạnh đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu được học nghề, có việc làm, nâng cao thu nhập của người lao động, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động ngoại thành và chiến sĩ lực lượng vũ trang xuất ngũ giai đoạn 2009-2010” (gọi tắt là Đề án Đào tạo nghề – ĐTN) đã đi vào hoạt động trong tháng 3-2009. Mục tiêu của Đề án là gắn ĐTN với giải quyết việc làm, các ngành nghề đào tạo phải phù hợp với trình độ người lao động và đáp ứng nhu cầu xã hội…

Bước khởi động

Đến lớp dạy nghề sửa chữa xe gắn máy ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy lúc học viên thực hành. Từng nhóm học viên chia nhau xoay quanh các thiết bị xe gắn máy thực hành sửa chữa hư hỏng. Không khí lớp học sôi nổi nhưng rất nghiêm túc. Ông Nguyễn Thanh Hùng, là cán bộ của đơn vị liên kết đào tạo (DNTN Thành Nguyện, ở quận Thốt Nốt) đến từng nhóm quan sát và hướng dẫn các thao tác cho học viên. Ông Hùng cho biết: “Lớp có 30 học viên với trình độ học vấn và tay nghề khác nhau nên tôi cố gắng tìm cách dạy thích hợp để học viên dễ tiếp thu lý thuyết và thực hành đạt yêu cầu, nhưng phải đảm bảo số tiết dạy theo chương trình khung. Đa số học viên tiếp thu bài khá nhanh, nghiêm túc, chịu khó học hỏi”. Bạn Công Minh, ở khu vực Thới Bình, nói: “Tôi đã học khóa sửa xe gắn máy ở các cơ sở tư nhân nên có kiến thức cơ bản và có thể sửa chữa các hư hỏng nhỏ. Khi tham gia học nghề ở phường, tôi thấy mình nắm kiến thức và thực hành trôi chảy hơn. Tôi sẽ học thêm khóa kỹ thuật nâng cao để mở cửa tiệm sửa xe gắn máy...”. Theo ông Trần Văn Lập, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thới An Đông, lớp sửa chữa xe gắn máy đã đáp ứng nhu cầu học nghề của các học viên. Hội Nông dân sẽ hướng dẫn học viên lập dự án vay vốn ngân hàng để có thể mở cơ sở sửa chữa nhỏ tại nhà. Sắp tới, phường sẽ mở lớp dạy nghề may gia dụng và đề nghị mở thêm lớp dạy nghề điện cơ, điện lạnh cho lao động.

Lớp sơ cấp nghề kỹ thuật cắt, uốn tóc ở phường Thới An, quận Ô Môn.  

Dù còn khá lúng túng trong giờ thực hành, nhưng các học viên lớp sơ cấp nghề kỹ thuật cắt, uốn tóc ở khu vực Thới Trinh A, phường Thới An, quận Ô Môn đều thể hiện sự chăm chỉ, cầu tiến trong học tập. Đa số học viên đều dở dang việc học chữ, do gia cảnh khó khăn. Các em nữ rất thích học nghề này nhưng không có điều kiện và học phí khá cao. Bạn Nguyễn Thị Gọn, ở khu vực Thới Thuận A, bày tỏ: “Em nghỉ học lâu rồi, ở nhà phụ gia đình làm rẫy, buôn bán. Khi được học nghề làm tóc em rất thích. Học xong khóa này, em sẽ xin làm thợ phụ cho một tiệm uốn tóc gần nhà, vừa để thạo việc, vừa nâng cao tay nghề. Em mong có điều kiện làm chủ cửa tiệm nhỏ tại nhà...”. Ông Nguyễn Quang Nhã, cán bộ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quận Ô Môn, cho biết: “Sau khi học nghề, học viên có nhiều cơ hội việc làm. Chúng tôi sẽ giúp các học viên lập dự án vay vốn để mở tiệm tại nhà khi có nhu cầu”.

Phường Phước Thới, quận Ô Môn và xã Trường Xuân, huyện Thới Lai chọn mở 2 lớp dạy nghề may gia dụng cho gần 60 học viên nữ cũng khá phù hợp. Ngoài kỹ thuật cắt may quần tây, áo sơ - mi, các học viên còn được hướng dẫn may các loại áo kiểu phổ biến. Bạn Ngọc Mến, ở ấp Phú Thọ, xã Trường Xuân, đang giúp việc nhà ở quận Ninh Kiều, về quê tham gia lớp học may, cho biết: “Em thích nghề này lâu rồi, nhưng cha mẹ nghèo không lo nổi học phí. Em muốn có nghề nghiệp hẳn hoi để có cơ hội tiến thân, có điều kiện phụ tiếp gia đình”. Theo ông Lê Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, khi kết thúc lớp học, học viên được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề và được hỗ trợ vốn từ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo để phát huy nghề đã học. Xã sẽ kết hợp và tranh thủ sự hỗ trợ của ngành chức năng cấp huyện, thành phố thí điểm lập tổ hợp tác gia công quần áo các loại, giúp các học viên có việc làm.

Chú trọng chất lượng và hiệu quả

Theo Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, trong 2 năm 2009-2010, thành phố sẽ dạy nghề cho 10.500 lao động ở các quận, huyện (đợt 1 năm 2009, thành phố triển khai 35 lớp sơ cấp nghề đến các quận, huyện, cho trên 1.000 lao động). Trong đó, 8.650 lao động qua đào tạo sơ cấp nghề, còn lại là Trung cấp nghề. Phấn đấu đến cuối năm 2010, tỷ lệ lao động qua ĐTN đạt trên 43% (cuối năm 2008 đạt trên 35%).

Các lớp sơ cấp nghề được triển khai theo nhu cầu dạy nghề và giải quyết việc làm, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở địa phương, giúp nâng cao tay nghề cho người lao động. Thời gian đào tạo từ 1 tháng đến 5 tháng tùy theo nghề, theo hình thức lưu động tại các quận, huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề, tăng cường kỹ năng thực hành với hình thức “cầm tay chỉ việc”. Đối tượng tham gia học nghề là những lao động nông thôn, gia đình nghèo, cận nghèo, người dân tộc, người tàn tật, người trong vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, người hành nghề xe lôi, xe ba gác máy... có nhu cầu học nghề và tìm việc làm.

Ông Lê Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, cho biết: “Xã xác định trang bị cho lao động tay nghề cơ bản là cách tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo hiệu quả. Trước khi đăng ký mở lớp các dạy nghề, xã đã khảo sát nhu cầu học nghề của lao động trong độ tuổi và tổ chức vận động đến lớp”. Theo ông Đào Minh Lợi, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Thới Lai, năm 2009, huyện mở các lớp dạy nghề sơ cấp, sau đó nâng lên trung cấp nghề và sắp tới tập trung đào tạo Trung cấp nghề, chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học nghề”. Huyện Thới Lai luôn khuyến khích các xã chủ động giải quyết việc làm sau đào tạo thông qua các hình thức: giải quyết việc làm tại chỗ, ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tổ hợp gia công, hợp tác xã...

Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng thì thực tế triển khai Đề án ĐTN vẫn còn những hạn chế nhất định. Hạn chế lớn nhất từ nhiều năm qua chưa khắc phục được là việc tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến nhận thức của lao động về việc tự trang bị trình độ học vấn, tay nghề nhất định trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, để có thể thích nghi và đáp ứng kịp nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội. Thời gian qua, công tác ĐTN chưa được các cấp, các ngành, chính quyền đoàn thể địa phương quan tâm và đầu tư đúng mức để phát huy thế mạnh của Đề án ĐTN cho phù hợp, hài hòa với kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực của thành phố. Chính vì vậy, giai đoạn trước đây chưa thật sự thu hút lao động học nghề, học viên chưa an tâm về việc làm sau khi học nghề. Muốn hành nghề và sống được với nghề, người lao động phải học thêm để nâng cao tay nghề, có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh... nhưng chưa được các ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện.

Đề án ĐTN năm 2009-2010 tiếp tục được thực hiện với các giải pháp, như: Tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác ĐTN; mở rộng mạng lưới dạy nghề, tăng qui mô đào tạo Trung cấp nghề; phát triển đa dạng các loại hình và hình thức ĐTN, kết hợp dạy nghề với dạy học chữ; xã hội hóa công tác dạy nghề; ĐTN phục vụ nhu cầu doanh nghiệp và nhu cầu xã hội; thực hiện các chính sách hỗ trợ người học nghề như miễn học phí, cho vay vốn tạo việc làm; thành lập Quỹ hỗ trợ ĐTN và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất; đãi ngộ đội ngũ giáo viên tham gia Đề án ĐTN; khảo sát tình hình việc làm sau học nghề để có sự điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế... Bà Võ Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, nhận định: “Theo chúng tôi, cần bố trí thời gian hợp lý để giáo dục và hướng nghiệp trước khi dạy nghề, giúp học viên hình dung về nghề, mục tiêu nghề nghiệp. Đây cũng là sự khởi động cần thiết để học viên thêm hưng phấn trong học nghề”.

Với mục tiêu trang bị tay nghề cơ bản, Đề án ĐTN giai đoạn 2009-2010 tạo điều kiện để có thêm nhiều lao động có tay nghề, thu nhập ổn định, trước mắt giải quyết tình trạng lao động thiếu việc làm và xa hơn nữa là cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho sự phát triển của thành phố.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết