21/01/2011 - 21:17

Hớt tóc dạo nuôi con vào đại học

Vợ chồng chú Nguyễn Xuân Công-Huỳnh Thị Mạnh (ngụ tại số 1032 quốc lộ 80, ấp Qui Long, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh) năm nay đều bước sang tuổi 62. Ở cái tuổi lẽ ra đã an nhàn tuổi già nhưng chú Công vui vẻ cho biết: “Chú còn thằng út đang học Cao đẳng Cần Thơ. Lo cho nó xong chú thím mới thấy mình tròn trách nhiệm. Lúc đó mới tính chuyện an hưởng tuổi già!”.

 Vợ chồng chú Công bên tiệm tạp hóa của gia đình.

Chú Công làm thợ hớt tóc đã gần 45 năm. Nếu tính từ ngày cưới vợ thì chú có hơn 30 năm kinh nghiệm trong cái nghề “đè đầu thiên hạ”. Chú bảo, cả đời chú giỏi nhất là làm hai việc: hớt tóc và đôn đốc con học hành. Chú bộc bạch: “Truyền thống hiếu học ở quê hương luôn thúc giục chú phải ráng chăm lo con ăn học đến nơi đến chốn. Tâm nguyện ấy có từ ngày chú thím mới cưới nhau!”. Giọng Huế ngọt ngào, chú Công say sưa kể về con đường không ít gian nan vợ chồng chú đi qua, với nghị lực vượt khó phi thường. Khi 3 đứa con lần lượt ra đời, nỗi nhọc nhằn nặng thêm trên đôi tay anh thợ hớt tóc dạn dày sương gió. Chú bồi hồi nói: “Chú đi hớt tóc khắp nơi. Nhiều đến nỗi bây giờ ai cũng biết chú. Các con đã lớn chú vẫn giữ cái nghề kéo lược vì nhờ nó mà tương lai con chú phần nào tươi sáng!”.

Có một chuyện chú Công cho rằng “táo bạo” nhất trong đời chú là dám “vay nóng” 3 cây vàng vào thời điểm 1984 mua 10 công đất, trong khi tiền lời mỗi tháng 30%, để có cơ sở làm ăn nuôi con đi học. Phải mất 6 năm sau gia đình chú mới trả xong món nợ khổng lồ vào thời điểm ấy. Vợ chồng chú còn mở tiệm tạp hóa để kiếm thêm thu nhập. Thím Mạnh chia sẻ: “Muốn con học tốt cha mẹ cần phải động viên, sát cánh cùng con mọi lúc khó khăn. Vợ chồng hòa thuận để con cái an tâm học hành!”. Chú Công đồng tình với vợ: “Chén trong sống còn khua, vợ chồng làm gì không có lúc mâu thuẫn với nhau. Nhưng lần nào căng thẳng chú lại nhớ hồi mới yêu nhau. Lúc đó chú hứa bảo bọc thím, vợ chồng sẽ sống vì con nên chuyện gì cũng phải bỏ qua!”. Triết lý “giữ lời hứa” cộng điệu bộ diễn đạt của chú làm tôi cười nghiêng ngã. Cười nhưng trong lòng lại thấy khâm phục. Thì ra hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản là việc “giữ lời hứa”.

Thấm thoát mà 3 con của chú thím đã trưởng thành. Hai con gái đầu của chú Công hiện nay đều là giáo viên: Chị Huỳnh Thị Kim Chi dạy ở Trường THPT Vĩnh Thạnh; chị Nguyễn Thị Kim Huệ thì công tác tại Trường THPT Thốt Nốt. Con trai út Nguyễn Xuân Trí đang học Cao đẳng Cần Thơ, ngành công nghệ thông tin. Nhắc đến con trai, thím Mạnh cho biết thêm: “Năm lớp 11 thằng út nhà thím mê game nên học hành sa sút lắm. Thím và chú động viên, khuyên bảo đêm ngày nên sang năm lớp 12 nó rất tiến bộ. Cuối năm giáo viên chủ nhiệm còn phê bốn chữ “vượt lên chính mình” trong học bạ nữa. Tuổi trẻ thường mắc sai lầm và chính cha mẹ là động lực giúp con vượt qua!”. Theo lời ông Nguyễn Trí Đức, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Thạnh Mỹ, gia đình của chú Công là một trong những gia đình hiếu học tiêu biểu của xã.

Các con đã lớn, với thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm ở quê như chú thím là “rất ổn”, nhưng chú Công vẫn sớm chiều lụi hụi cùng tông đơ, kéo, lược... Chú tâm sự: “Chú phải làm để nhắc mấy đứa con chú rằng nghề nào cũng đổ mồ hôi, nước mắt mới có miếng ăn. Hớt một cái đầu là mua được một lít gạo”. Xưa nay, chú Công vẫn tính tiền công bằng “1 lít gạo”. Đôi tay chú vẫn đều đặn đưa từng đường tông đơ mỗi ngày để “lo cho thằng út ăn học đàng hoàng”.

Bài, ảnh: PHẠM VĂN TRUNG

Chia sẻ bài viết