16/12/2012 - 16:21

Hội thảo quốc tế bảo tồn và phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang-Việt Nam

gày 16-12, tại huyện đảo Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam tổ chức hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang- Việt Nam". Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế tham dự hội thảo. Dịp này, Đại diện Ủy ban sinh quyển và con người Việt Nam trao "Nhãn hiệu chứng nhận Khu dự trữ sinh quyển" cho Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển tỉnh Kiên Giang.

Tại hội thảo có 45 báo cáo trình bày tập trung phân tích thành 4 nhóm chuyên đề, bao gồm nhóm phân tích giá trị, bảo tồn và phát huy phục vụ phát triển bền vững khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang; bảo tồn và khai thác bền vững tài nguyên đảo Phú Quốc; bảo tồn và kết hợp phát huy, khai thác các giá trị khu dự trữ sinh quyển phục vụ phát triển kinh tế du lịch và kinh nghiệm quản lý, sinh kế bền vững và nâng cao nhận thức cộng đồng trong khu dự trữ sinh quyển.

Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang là một trong những khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Việt Nam với diện tích 1.188.104 ha, trong đó vùng lõi 36.935 ha, vùng đệm 172.578 ha và vùng chuyển tiếp 978.591 ha, là khu dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong 8 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam, được UNESCO công nhận vào tháng 10-2006.

Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang chứa đựng sự phong phú, đa dạng và đặc sắc về cảnh quan và hệ sinh thái, như rừng tràm trên đất ngập nước, rừng trên núi đá - núi đá vôi đến hệ sinh thái biển mà trong đó tiêu biểu là thảm cỏ biển gắn liền với loài động vật quý hiếm là bò biển... Đây là khu dự trữ sinh quyển thứ 5 của Việt Nam được UNESCO công nhận. Khu sinh quyển thật sự là "đại sứ hòa bình" khi hai tỉnh Kiên Giang và Kampot (Vương quốc Campuchia) đã ký những văn bản cùng hợp tác bảo tồn các dải cỏ biển và quần thể dugong, các rặng san hô và rừng ngập mặn một cách hiệu quả. Trong tương lai có thể tạo nên một khu sinh quyển liên quốc gia trong hợp tác.

Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang là nơi bảo vệ đa dạng cảnh quan thiên nhiên, trong đó có một số mẫu tiêu biểu. Mẫu cảnh quan tiêu biểu và độc đáo rừng tràm trên đất than bùn của hệ sinh thái úng phèn khu vực U Minh Thượng, vùng đất ngập nước quan trọng của vùng hạ lưu sông Mê Công. Mẫu cảnh quan thứ hai thuộc khu vực đảo Phú Quốc, là nơi có nhiều sông suối, đặc biệt là các bãi tắm chạy dài dọc bờ biển, như Giếng Ngự, Bãi Khem, Bãi Sao, Bãi Vòng, Bãi Thơm, Bãi Vũng Bầu, Bãi Cửa Cạn, Bãi Dài tạo nên một quần thể du lịch sinh thái hấp dẫn. Các mẫu còn lại thuộc hai huyện Kiên Lương - Kiên Hải với hơn 30% diện tích là đồi núi và hải đảo; mẫu cảnh quan rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm ngập nước theo mùa vùng Tứ giác Long Xuyên.

Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang đang được nhiều tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường quan tâm, ủng hộ do sự đa dạng phong phú về di sản văn hóa và có nhiều giá trị về đa dạng sinh học. Mục tiêu lớn nhất của hội thảo là làm sao tìm ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển kinh tế tại địa phương.

LÊ SEN

Chia sẻ bài viết