12/05/2009 - 15:35

Hết lòng chăm sóc bệnh nhân

Chăm sóc bệnh nhân, thực hiện y lệnh của bác sĩ, hướng dẫn bệnh nhân ăn, uống thuốc, sinh hoạt, tâm tình với bệnh nhân... đó là những công việc hàng ngày của người điều dưỡng. Ngoài ra, người điều dưỡng còn làm hàng trăm việc không tên khác. Công việc nhiều, lương lại thấp nên đến với nghề điều dưỡng, những người phải có tâm, lòng yêu nghề mới trụ lại được.

 Điều dưỡng trưởng Nguyễn Ngọc Liên hướng dẫn cho các điều dưỡng trong BV Đa khoa Ô Môn theo dõi dấu hiệu sinh tồn. Ảnh: T.HẰNG

Dáng người nhỏ nhắn, nụ cười hiền làm cho người đối diện có cảm giác gần gũi khi trò chuyện. Đó là cảm nhận đầu tiên khi tôi tiếp xúc với điều dưỡng Lê Hoàng Vũ, một điều dưỡng trẻ luôn được đồng nghiệp quý mến vì sự tận tụy với công việc và nhiệt tâm với bệnh nhân.

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, Vũ xin về công tác tại Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi Cần Thơ. Cũng như những bạn trẻ mới ra trường khác, Vũ khát khao được cống hiến sức trẻ và những kiến thức được học ở nhà trường. Lê Hoàng Vũ cho biết: “Mơ ước của tôi và cha mẹ tôi là sau khi tôi tốt nghiệp ra trường sẽ được làm việc ở một bệnh viện lớn, hiện đại. Nhưng khi làm việc ở BV Lao và Bệnh phổi Cần Thơ, trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân, tôi mới cảm nhận được đây chính là nơi tôi muốn cống hiến tay nghề, sức trẻ”. Sau hơn một tháng công tác tại BV này, Vũ được một BV lớn, với cơ hội làm việc và thu nhập hấp dẫn hơn mời về công tác (khi mới tốt nghiệp, Vũ đã nộp hồ sơ ở BV này). Biết được việc này, lãnh đạo của BV Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ cho Vũ thời gian suy nghĩ để lựa chọn, nhưng Vũ không ra đi mà quyết định ở lại gắn bó với BV Lao và Bệnh phổi Cần Thơ. Với quyết định này, Vũ đã phải vất vả thuyết phục gia đình vì cha mẹ Vũ lo lắng khi con trai làm việc trong môi trường lao, bệnh phổi, bệnh nhân nhiễm HIV... nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Khi chúng tôi hỏi: Điều gì đã giữ chân Vũ ở lại BV. Vũ bộc bạch: “Bệnh nhân ở BV này hầu hết là những bệnh nhân nghèo, tôi muốn làm việc ở đây để chăm sóc bệnh nhân, làm vơi đi nỗi đau về thể xác và tinh thần của họ. Đây cũng là môi trường giúp tôi có điều kiện học hỏi, trau dồi nghiệp vụ”. Hiện tại, sau những giờ làm việc, Vũ tranh thủ thời gian học thêm ngoại ngữ. Vũ mong có điều kiện để học cao hơn, phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân.

Chị Võ Thị Hoàng, Điều dưỡng trưởng BV Lao và Bệnh phổi Cần Thơ cho biết: “Vũ rất nhanh nhạy trong việc học hỏi kinh nghiệm, chuyên môn từ những người đi trước. Điều đáng quý ở điều dưỡng trẻ này là sự tận tâm với bệnh nhân. Mặc dù được phân công ở khoa Tạp, nhưng khi khoa Cấp cứu đông bệnh nhân, cần lực lượng chi viện, Vũ luôn nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp”.

***

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thắm, một trong những điều dưỡng lâu năm nhất của BV Đa khoa TP Cần Thơ. Hơn 30 năm gắn bó với nghề điều dưỡng, hơn ai hết chị thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn của nghề này. Sinh ra trong một gia đình làm nông, có đến 12 người con. Gia đình nghèo, từ sáng sớm chị Thắm đã thức để nhổ rau, cùng mẹ chèo ghe đem rau cân cho vựa. Tất tả đi học, về đến nhà, ăn vội chén cơm là ra đồng phụ mẹ, cha việc ruộng, vườn. Cứ thế đến tối mịt, Thắm chỉ có thời gian học bài vào đêm khuya. Nhiều đêm mệt quá, vừa học vừa ngủ gục nhưng Thắm vẫn quyết tâm học và chỉ thi vào một ngành duy nhất là y tá viên điều dưỡng. Có lẽ những ước mơ từ thuở nhỏ, những gian lao, khổ nhọc để có thể trở thành một điều dưỡng đã hun đúc trong người Thắm, vì thế những năm bao cấp, đồng lương không đủ sống, chồng chị phải nghỉ việc đi chạy xe lôi, chị vừa làm ở bệnh viện vừa chạy làm thêm ca trưa, ca tối ở bên ngoài... nhưng chị vẫn quyết tâm bám trụ với nghề. Trong cuộc sống, không ít lần gia đình đối mặt với cảnh túng trước hụt sau, mẹ chồng bệnh tật, hai con còn nhỏ nhưng trong công việc chị luôn chu toàn trách nhiệm với bệnh nhân. Chị Thắm cười, nhẹ nhàng nói: “Bệnh nhân nằm viện khi có bác sĩ, điều dưỡng đến hỏi thăm họ rất mừng, tinh thần phấn chấn, từ đó việc tuân thủ điều trị cũng tốt hơn. Vì thế, nhiều lúc gặp những chuyện không vui, về nhà mình không tránh khỏi cằn nhằn chồng con nhưng tuyệt nhiên không bao giờ mình nặng lời với bệnh nhân”.

 Điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Thắm đang thăm hỏi một bệnh nhân bị viêm phổi. Ảnh: H.HOA

Ý thức rõ vai trò của điều dưỡng trong việc điều trị bệnh nhân, năm 1994, khi được phân công làm điều dưỡng trưởng, BV Đa khoa TP Cần Thơ, chị luôn chú trọng công tác đào tạo chuyên môn và đạo đức cho các điều dưỡng trẻ. Chị Thắm nói: “Trong việc đào tạo, tôi không giấu nghề. Nếu mình có thể giúp một em điều dưỡng giỏi chuyên môn, có tâm là mình đã giúp hàng trăm bệnh nhân”. Trong việc quản lý, chị thường xuyên xuống các phòng bệnh nắm bắt tâm tư, tình cảm của bệnh nhân. Bệnh nhân phản ánh điều dưỡng nào, chị góp ý riêng với điều dưỡng đó. Mộng Thy, điều dưỡng trẻ trong khoa nói: “Ở đây, chúng tôi xem chị Thắm như người mẹ, người chị. Chị tận tâm, nhiệt tình, gương mẫu, vui vẻ. Điều dưỡng nào bị bệnh nhân góp ý, chị nhẹ nhàng tâm sự và phân tích”.

Làm công tác quản lý điều dưỡng ở khoa Nội-Tổng hợp, khoa thường xuyên nằm trong tình trạng quá tải, mỗi buổi sáng, sau khi giao ban, chị đi xuống kiểm tra từng phòng bệnh, thăm những bệnh nhân nặng, nằm viện lâu, tìm hiểu xem bệnh nhân uống thuốc đúng không, có ăn uống được không, hướng dẫn người nhà cách chăm sóc... Chị Thắm nói: “Qua thăm hỏi bệnh nhân, tôi mới phát hiện nhiều bệnh nhân lâu hết bệnh do gia đình cho ăn, uống thuốc không đúng chỉ định. Chỉ cần mình hướng dẫn người nhà cho ăn uống đúng, là sức khỏe bệnh nhân cải thiện ngay”.

***

Không trực tiếp chăm sóc bệnh nhân như anh Vũ, cũng không nhiều kinh nghiệm như chị Thắm, cử nhân hộ sinh Nguyễn Ngọc Liên (44 tuổi) đang công tác ở BV Đa khoa Ô Môn, cống hiến cho ngành y, cho những bệnh nhân của mình bằng những đề tài nghiên cứu.

Năm 1986, sau khi tốt nghiệp lớp hộ sinh trung học, chị về làm việc tại khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Ô Môn. Vài năm sau đó, chị Liên được cơ quan cử đi học lớp cử nhân hộ sinh ở Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, 1996 chị Liên bắt đầu nghiên cứu khoa học. Đến nay, chị Liên đã có 5 tài nghiên cứu khoa học được áp dụng tại nơi chị công tác. Trong 5 đề tài nghiên cứu, chị Liên tâm đắc nhất đề tài “Thực nghiệm quản lý Hộ lý tập trung tại Bệnh viện quận Ô Môn”, đã giúp chị đoạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật Thành phố năm 2004-2005. Đề tài này giúp cho công tác quản lý hộ lý được tốt hơn với cách chia hộ lý theo từng khu vực, có thể choàng gánh được công việc cho nhau trong trường hợp có hộ lý khác nghỉ phép. Chị Liên tâm sự: “Khi làm đề tài, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì thường những người nghiên cứu là những bác sĩ, trình độ cao, khả năng viết, có phương pháp nghiên cứu. Còn mình là điều dưỡng, trình độ không cao nên làm toàn mò mẫm, nhưng tôi quyết tâm vì yêu cầu thực tế của công việc thôi thúc nghiên cứu”.

 Điều dưỡng Lê Hoàng Vũ đo huyết áp cho bệnh nhân. Ảnh: THẢO MỘC

Với cương vị là Trưởng phòng Điều dưỡng, ngoài công tác chuyên môn, công tác quản lý, chị còn tham gia các buổi tập huấn đào tạo cho các điều dưỡng khác, công tác chỉ đạo cho tuyến y tế cơ sở. Công việc chuyên môn chiếm hết thời gian, nhưng chị vẫn sắp xếp một cách hợp lý để làm công tác nghiên cứu. Mỗi khi bắt tay tiến hành một đề tài, chị chia ra ban ngày thu thập số liệu, khảo sát thực tế, tối đến chị bắt đầu viết. Theo gương chị Liên, vài năm gần đây các điều dưỡng ở BV cũng bắt tay nghiên cứu khoa học. Với tư cách là người đi trước, chị thường xuyên hướng dẫn đề tài, phương pháp nghiên cứu cho các điều dưỡng khác. Bà Nguyễn Thị Việt Hoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ô Môn, cho biết: “Trước đây, chỉ có những cán bộ nhân viên có trình độ Đại học mới làm đề tài nghiên cứu nhưng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ điều dưỡng nghiên cứu khoa học ở BV này chiếm 50-60%. Cử nhân Nguyễn Ngọc Liên là người đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học, có nhiều đề tài thiết thực giảm nhân lực và tiết kiệm chi phí cho đơn vị”.

***

Mỗi khi bệnh nhân khỏi bệnh, công lao thuộc về các bác sĩ. Xuất viện, bệnh nhân thường chỉ nhớ đến bác sĩ điều trị cho mình mà ít ai biết rằng, những hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc, ăn uống, tâm tình... của người điều dưỡng đã góp phần không nhỏ giúp cho bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh mà không một phương thuốc, máy móc nào thay thế được. Anh Vũ, chị Liên, chị Thắm đều tự hào với nghề điều dưỡng của mình, một công việc thầm lặng nhưng mang đầy ý nghĩa cho cuộc sống.

HOÀNG-HOA-THẢO

Chia sẻ bài viết