04/04/2010 - 09:30

BẠC LIÊU

Hệ thống cống phân ranh mặn ngọt triển khai xây dựng chậm chạp, lúa-tôm khát nước

* An Giang: Đầu tư làm thủy lợi chống hạn, ngăn mặn

Đầu năm 2010, người trồng lúa, nuôi tôm ở tỉnh Bạc Liêu rất vui mừng khi biết tin hệ thống cống phân ranh mặn ngọt đã được Chính phủ phê duyệt thực hiện, với tổng kinh phí dự toán hơn 664 tỉ đồng, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là chủ đầu tư. “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu’’ giai đoạn 2009-2012, sẽ được triển khai thực hiện tại tỉnh Bạc Liêu ngay từ đầu năm 2010. Từ nay, người trồng lúa, nuôi tôm trong tỉnh đã trút được nỗi lo về sự tranh chấp nước mặn, ngọt giữa con tôm, cây lúa có lúc diễn ra rất gay gắt giữa người trồng lúa, nuôi tôm trong tỉnh, căng thẳng đến mức tỉnh Bạc Liêu phải thành lập Ban Điều tiết nước (BĐTN) để vận hành, đóng mở hệ thống cống trên toàn tuyến Quốc lộ IA.

Dù đã hết sức cố gắng nhưng BĐTN phải bất lực trước tình trạng khắc nghiệt của thiên nhiên. Trong mùa nắng năm 2010, mưa dứt sớm từ tháng 11-2009, sớm hơn cùng kỳ nhiều năm trên 1 tháng và liên tiếp từ đó đến nay là nắng nóng gay gắt kéo dài, các con kênh trong vùng trồng lúa, nuôi tôm đều cạn nước, kéo theo hệ quả là sự xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng vùng trồng lúa, vùng ngọt ổn định của tam giác Tha-na-rộn - Ninh Quới huyện Hồng Dân, Phước Long và huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Một khó khăn nữa của vùng ngọt là nước từ kênh xáng Quản lộ Phụng Hiệp đổ về lại thấp hơn cùng kỳ nhiều năm đến 50cm, làm cho việc dẫn nước ngọt tích trữ vào kênh nội đồng phục vụ tưới cho lúa đông xuân cuối vụ năm 2010 hết sức khó khăn. Gần 30 ngàn ha lúa đông xuân của huyện Phước Long, Hồng Dân đang đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa.

* Theo ông Phạm Văn Lê - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, hiện nay các địa phương trong tỉnh An Giang hoàn thành các thủ tục hồ sơ thiết kế và đã triển khai thi công đồng loạt 124 công trình chống hạn bức xúc, với tổng kinh phí 64 tỉ đồng từ chương trình nạo vét kinh mương chống hạn, đảm bảo không thiếu nước sản xuất trước mắt cho 66.053 ha. Ngoài ra, ngân sách tỉnh cũng đầu tư 344 triệu đồng xây dựng các đập tạm không để mặn xâm nhập làm ảnh hưởng đến cây lúa và hoa màu vụ hè thu 2010. Dự báo mùa khô 2010 còn kéo dài đến cuối tháng 5-2010 và nguy cơ bị xâm ngập mặn tại xã Bình Thành (huyện Thọai Sơn) giáp ranh tỉnh Kiên Giang, do trên toàn tuyến kênh Long Xuyên - Rạch Giá chưa có các cống đập ngăn mặn. An Giang đã xuất ngân sách triển khai thi công 6 đập tạm ở đầu kênh về phía tỉnh Kiên Giang và thành lập 6 trạm quan trắc, song song với trang bị 6 máy đo nồng độ mặn để thông báo mỗi ngày về tình hình mực nước, nồng độ của nước để kịp thời đóng các đập tạm ngăn không cho nước biển tràn vào đồng ruộng. Đồng thời huyện Thọai sơn cũng có phương án sẵn sàng chuyển lấy nước ngọt sinh hoạt về phục vụ cho nhân dân khu vực khi bị ngập mặn, đảm bảo cho đời sống và sản xuất cho đồng bào và tiếp tục thực hiện thắng lợi vụ hè thu sắp tới.

CAO THĂNG - THU TRANG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết