10/12/2007 - 11:19

Hai Đặng - nhà sáng chế chân đất

Nông dân rặt, chưa hề có bằng kỹ sư. Thế nhưng, trong tay anh đã có hàng loạt sáng chế kỹ thuật được bà con nông dân Nam bộ nhiệt liệt hưởng ứng bởi những thứ anh sáng chế ra đều xuất phát từ thực tế khó khăn của người nông dân trong lao động. Chưa hết, anh đang ấp ủ hàng hoạt sáng chế khác và sắp tung ra thị trường...

5 năm: 4 sáng chế kỹ thuật

 Hai Đặng giới thiệu với khách hàng về cây kéo cắt tỉa. Ảnh: C.D 

Cuối tháng 8-2007, tại Hội nghị đại biểu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc 2007 diễn ra ở Hà Nội, ngoài 303 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của 64 tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự, lần này Trung ương Hội Nông dân Việt Nam còn đặc biệt mời 12 nhà sáng chế nông dân tham dự và trao giải cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông”. Tỉnh Tiền Giang duy nhất có nông dân Lê Phước Lộc (tên thường gọi Hai Đặng) tham dự. Từ năm 2003 đến nay, Hai Đặng đã có 4 sáng chế và giải pháp kỹ thuật được công nhận, trong đó 2 sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, đó là: kéo cắt tỉa và vòi phun nước. Anh nông dân đa tài này đang gởi hồ sơ để đăng ký bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp một sáng chế mới là dụng cụ bao trái. Không dừng lại ở đó, Hai Đặng đang ấp ủ thêm 2 sáng chế, cải tiến kỹ thuật mới. Và lần này anh đã hoàn chỉnh xong phần mô hình, chỉ còn giai đoạn sản xuất thử nghiệm là có thể đưa ra thị trường.

Điều kích thích Hai Đặng “lao” vào nghiên cứu, mày mò để sáng chế ra những dụng cụ hữu ích phục vụ cho bà con nông dân cũng rất giản đơn: “Muốn bà con đỡ cực khổ hơn trong lao động, sản xuất”. Nói thì đơn giản, nhưng để cho ra đời một sản phẩm hoàn chỉnh quả là chuyện không dễ.

“Tôi từng khổ...

Hai Đặng năm nay 50 tuổi, quê gốc Cái Bè. Thuở nhỏ lên Sài Gòn học Trung học, đến năm 1975 anh về Cái Bè làm ruộng. Thuở đó, Hai Đặng mới 18 tuổi. Ngày cắm cúi với vườn tược, tối lại cùng thanh niên trong xóm tập dượt văn nghệ, tham gia công tác xã hội... với biệt tài hát vọng cổ mùi mẫn, bởi vậy cô thôn nữ Phạm Thị Hía mới làm quen và đến năm 1979 họ nên vợ nên chồng. Kể về chuyện đám cưới, Hai Đặng nhìn vợ rồi nói: “Hồi đó đâu có tiền bạc gì. Nghèo thí mồ. Hồi còn ở Sài Gòn tui cũng học võ vẽ nghề sửa máy. Xã có một chiếc xe ô tô loại lớn, nhưng kềnh càng không tiện dụng khi chạy vô đường nông thôn. Vậy là tui lãnh nguyên chiếc xe để sửa lại thành xe loại nhỏ. Ròng rã hơn một tháng trời tháo toàn bộ khung xe ra, chỉ còn máy xe và các bộ phận khác, tôi hạ thùng, chế thêm thùng kéo và xe chạy ngon lành ở các tuyến lộ nhỏ hẹp ở vùng sâu. Nhờ “vụ” đó mới có chút đỉnh tiền sắm cho bả đôi bông tai, cặp nhẫn cưới. Rồi vợ chồng dắt díu nhau về mần vườn”. Kinh tế khó khăn, vườn tược được cha mẹ chia lại vài công không đủ sống nên vợ chồng Hai Đặng xoay vần sang nghề suốt lúa mướn. Năm 1984, bước ngoặt đến trong cuộc đời Hai Đặng. Khi đó, máy suốt lúa còn rất hiếm, trong khi nhu cầu của nông dân về suốt lúa rất cao. Vậy là Hai Đặng mày mò nghiên cứu tự chế ra thùng suốt lúa có thể tháo ráp lưu động.

Để làm thành công cái thùng suốt lúa, Hai Đặng phải đem nhẫn cưới, đôi bông tai của vợ bán để mua vật tư. Không có vốn anh không nghĩ đến chuyện làm hàng loạt sản phẩm thùng suốt để bán mà sử dụng thùng suốt đầu tiên và cũng là duy nhất đó để kiếm sống. Cứ đến mùa thu hoạch lúa, vợ chồng Hai Đặng chở máy suốt đi khắp miệt Cái Bè rồi qua Đồng Tháp, An Giang suốt lúa mướn. “Hồi đó còn nghèo. Chỉ có cái xuồng cũ vá tùm lum, phải mướn ghe của người ta mới chở thùng suốt được, rồi vợ chồng túm theo nồi niêu soong chảo xuống ghe và cứ vậy đi rong ruổi hết mùa thu hoạch lúa mới về nhà” - chị Hía nhớ lại. Và thế là 17 năm ròng, vợ chồng Hai Đặng gắn với nghề suốt lúa mướn.

... nên muốn “chia lửa” với nông dân”

Năm 2003, Hai Đặng chế ra chiếc kéo cắt tỉa cành, lá, hái trái cây và đã giành giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần V. Tại Hội thi, Ban Tổ chức đã đánh giá khá cao kéo tỉa cành bởi: “Giải pháp kéo tỉa cành mang tính sáng tạo xuất phát từ yêu cầu sản xuất. Việc ứng dụng giải pháp này giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của nông dân và là giải pháp kỹ thuật mang tính cộng đồng cao”.

“Giải thưởng này là nguồn động viên đối với tui. Và cũng từ đó đã hướng cuộc đời tui gắn với chuyện tìm tòi làm thêm những dụng cụ mới phục vụ cho bà con nông dân” - Hai Đặng bày tỏ.

Miệt Tiền Giang được ví là “Vương quốc của trái cây” với vú sữa lò rèn, bưởi Long cổ cò, cam, xoài... Nhưng có những lúc nhà vườn trồng xoài hay cam, bưởi phải “khóc ròng” vì điệp khúc “được mùa rớt giá”, chưa kể sâu bệnh hoành hành nên thu nhập của người làm vườn chẳng là bao, có khi thu hoạch xong tính toán lại lỗ. Nhà Hai Đặng cũng có vài công vườn trồng cam, bưởi và xoài, những “nỗi khổ” ấy anh nếm trải và thấu hiểu. Công việc của nhà vườn mất công nhất là lúc tỉa cành, hái những trái hư, trái bị đèo nhưng xưa nay nhà vườn vẫn phải sử dụng thang gỗ hoặc thang sắt để leo lên tỉa cành. Mất công vì tỉa xong một chỗ lại phải lui cui leo xuống dời thang qua mé khác làm tiếp, chưa kể, vừa tốn sức, vừa mất công lại bị cành cây cào xước vào mặt, tay... Thời điểm đó, trên thị trường có bán loại kéo cắt tỉa lưỡi cong, dùng tay giật dây kéo, nhưng loại kéo này sử dụng bất tiện, khi người sử dụng giật bằng dây dễ gây hư hỏng, bầm dập trái kế bên, có khi kéo theo cả chùm cam...

Anh tâm sự: “Để có cây kéo cắt tỉa ngon lành như bây giờ tui đã nghĩ nát nước. Mình đâu nghĩ làm để bán. Chỉ đơn giản là thấy nhà mình trồng cam, bưởi nhưng khi tỉa cành, tỉa bỏ những trái đèo, vợ con làm cực quá trời. Mua kéo cắt giật bằng dây xài hổng bền, mau hư. Khi tỉa cành tốn công sức, tốn thời gian tôi cứ nghĩ sao có cái kéo cắt tỉa đa năng thì tiện biết mấy. Mình chỉ cần đứng dưới đất đưa kéo lên cắt cành hay tỉa trái, đỡ cái công bắc thang leo lên, leo xuống”.

Ý tưởng này đã thôi thúc Hai Đặng bắt tay vào nghiên cứu, tìm cách chế ra cây kéo cắt tỉa theo ý tưởng mà anh nghĩ ra. Không giấy tờ, bàn vẽ hay máy móc rình rang như kiểu kỹ sư chế tạo máy. Đồ nghề của anh chỉ là cây viết bi xin của thằng con trai, cây kéo, mớ bìa giấy cạc-tông lấy từ những thùng đựng mì gói và cây thước thợ may. Hết kẻ vẽ lại cắt xén cuối cùng đã hình thành mô hình chiếc chiếc kéo cắt tỉa ráp bằng bìa giấy cạc-tông. Hai Đặng tìm mua ít sắt và thép về bắt đầu gia công chiếc kéo cắt tỉa dài 1m và đem ra vườn cam bên nhà thử nghiệm. Cây kéo của Hai Đặng hoạt động ngon lành. Anh lặng người đi vì mừng. Ngay sau đó Hai Đặng làm tiếp cây thứ hai. Mấy anh em bạn nhà kế bên thấy Hai Đặng “chế” cái kéo bèn rủ nhau tới coi và mượn xài thử cho biết. Thấy tiện dụng quá họ đã đòi mua. “Nghe bà con hỏi mua tui mới ngớ người ra. Mình làm chỉ tính để cho nhà xài chứ ai mà bán. Nhưng người ta nói ông còn cái kéo mẫu bằng giấy, cứ mần tiếp cái khác mà xài. Họ kêu giá, tui đâu biết đường nào mà tính. Thôi cứ cộng tiền mua sắt, thép, công thuê thợ hàn, thợ sắt cắt cắt, hàn hàn mà cộng lại rồi tính giá” - Hai Đặng nhớ lại. Hai cái kéo đầu tiên Hai Đặng bán mỗi cái 50.000 đồng, coi như huề vốn mua sắt thép, thuê thợ hàn, ráp. Hai Đặng giải thích: “Ban đầu tui hổng nghĩ cái này hái trái đâu. Chỉ làm đặng tỉa cành, tỉa trái đèo, trái hư thúi thôi. Nhưng sau tui nghĩ đến cái lồng hái trái nên kêu bà xã may thêm cái túi vải có khung sắt bao chung quanh miệng túi rồi gắn vô và hái trái ngon lành. Tui còn chế thêm bộ phận kẹp trái để hái những trái mà mình muốn giữ cuống để thờ cúng. Cái kéo của tui thêm công năng mới là hái trái khi thu hoạch và năng suất cao hơn các loại kéo khác rất nhiều”.

Kéo cắt tỉa của Hai Đặng thao tác đơn giản, nâng cao chất lượng tỉa cành, hái trái cây, giá thành phù hợp với túi tiền của người nông dân và sử dụng rất bền, được nông dân, nhất là nhà vườn ưa chuộng. Từ năm 2003 đến nay, mỗi năm Hai Đặng tung ra thị trường trên 1.000 cây kéo cắt tỉa, cung ứng cho 70 đại lý ở các tỉnh ĐBSCL và một số tỉnh Miền Đông.

Ước mơ một công ty “Hai lúa” sản xuất nông cụ

Không chỉ có kéo cắt tỉa, giờ đây Hai Đặng có hàng loạt sáng chế mới phục vụ đắc lực cho nhà vườn như kéo cắt tỉa hái mãng cầu, dụng cụ hái vú sữa, hái bưởi... Những sáng chế hay cải tiến kỹ thuật của Hai Đặng đến từ những khó khăn của bà con nông dân trong quá trình lao động sản xuất. Như trường hợp dụng cụ sử dụng cho vườn thanh long. Trong lần đến Viện Cây ăn quả Miền Nam, trong lúc ngồi nói chuyện với mấy ông bạn già có vườn thanh long và nghe họ than thở về chuyện khi tỉa bớt cành, cắt tỉa rất khó khăn và phải tốn công gom lại rồi sử dụng dao bằm nát không hiệu quả, tốn nhiều thời gian. Hai Đặng để bụng chuyện này, về nhà suy nghĩ suốt một đêm, sáng hôm sau anh lấy bìa cạc tông vẽ, cắt luôn mô hình dụng cụ xử lý cành thanh long. Hay như sáng chế cần bao trái, anh làm ra vì khi chứng kiến chuyện bà xã cực nhọc lấy từng bọc ni-lông bao ổi. Vậy là anh lại hì hục chế ra chiếc cần bao trái. Dụng cụ này chỉ gồm 4 bộ phận: ống nhôm loại 12mm (dài 2 -3m), 4 kẹp giữ bao, hệ thống lò xo, hai thanh sắt nhỏ. Chỉ cần gắn bao vào 4 chiếc kẹp rồi đưa lên trái cần bao lại và bóp lên bộ phận điều khiển (giống tay bóp của bình tưới hoa kiểng) là tự động trái cây được bao lại. Dụng cụ này tiện dụng khi những trái ở trên cao, ở xa không leo tới được. Nhưng hôm tôi đến nhà, anh đang hì hục ráp thử chiếc cần cẩu sử dụng cho công việc bao trái. Anh nói dụng cụ cần bao trái chỉ đưa tới chiều cao 2-3m, trong khi có những cây xoài rất cao, khó bao được. Vì vậy anh mới nghĩ tiếp tới cần cẩu bao trái. Để vận hành cẩu này chỉ cần 1 người điều khiển cẩu và người ngồi ở thùng (có thể di chuyển lên cao, xuống thấp) để bao trái. Không mất công phải nhấc thang leo lên để cột và khi qua nhánh khác rất tốn công.

Sức sáng tạo của anh nông dân miệt vườn chưa dừng ở đấy, anh đang ấp ủ những sáng chế, cải tiến kỹ thuật mới. Trong đó anh đang dày công cho hai sản phẩm: máy dọn vệ sinh đường phố và dụng cụ phục vụ cho các trang trại trồng cây công nghiệp như cao su, điều... nhằm giúp nhà vườn, chủ trang trại giảm thiểu chi phí nhân công, tiết kiệm thời gian...

*

* *

Khi chia tay tôi, Hai Đặng nói: “Nếu gom đủ vốn, tui sẽ lập công ty chuyên sản xuất, cung cấp dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

Vâng, tại sao không ? Một công ty của anh “Hai lúa” chuyên phục vụ nông dân. Sẽ không ai hiểu nông dân muốn gì bằng chính những người từng trải qua cảnh “mồ hôi mà đổ xuống đồng”, một nắng hai sương cùng ruộng vườn. Bởi vậy một nông dân đã cho ra lò hàng loạt sáng chế, cải tiến kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, đó là điều đáng khích lệ và cần được sự hỗ trợ từ Nhà nước, các nhà khoa học để giúp họ phát huy sáng tạo. Đó cũng là một phần trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Ký * PHƯƠNG TỬ NGHI

Chia sẻ bài viết