10/09/2009 - 21:03

Giúp người nghèo ổn định cuộc sống

Thông qua Chi cục Hợp tác xã (HTX) TP Cần Thơ, Hội Nông dân và Hội Liên hiệp phụ nữ trong thành phố, từ năm 1992 đến nay, Tổ chức Heifer International Việt Nam (Tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ) đã triển khai các dự án chăn nuôi bò, nuôi heo và hỗ trợ vốn mua bán nhỏ (gọi chung là Dự án Heifer)... tại các xã, phường trong TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Qua đó, đã giúp nhiều hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống...

Hoạt động chính của Tổ chức Heifer tại Việt Nam (Dự án Heifer) là lĩnh vực xây dựng các cộng đồng vững mạnh, tự túc để xóa đói giảm nghèo và quan tâm đến môi trường thông qua việc cấp phát gia súc, hỗ trợ vốn vay giúp người nghèo làm ăn phát triển kinh tế gia đình... Thời gian qua, Dự án Heifer đã giúp rất nhiều hộ nghèo về vốn và kỹ thuật chăn nuôi, chuyển giao con giống giúp người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Theo báo cáo của Ban Quản lý (BQL) Dự án Heifer vùng ĐBSCL, hiện BQL đang quản lý 20 dự án, trong đó 12 dự án đã chuyển giao cho địa phương, 7 dự án đang thực hiện năm thứ 2 và 1 dự án mới triển khai tháng 7-2009, với tổng kinh phí 4,4 tỉ đồng, có 300 hộ được hưởng lợi. Tính từ năm 2005 đến nay, BQL Dự án Heifer tại TP Cần Thơ đã quản lý 18 dự án, trong đó có 16 dự án đang triển khai thực hiện, với 2.153 hộ nghèo tham gia và đã có 795 hộ được nhận chuyển giao 44 con bò thịt, 98 con bê và 225 con bò sữa để nuôi tại nông hộ. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ vốn cho 80 hộ tham gia vay vốn 1 triệu đồng/hộ để chăn nuôi, mua bán nhỏ... Qua đó, đã có hàng trăm hộ thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

 Bà Nguyễn Thị Biên, ngụ khu vực Tân Bình, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, phát triển kinh tế gia đình nhờ mô hình nuôi bò.

Không ruộng đất sản xuất, vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, ngụ ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, lại có 6 người con, nên cuộc sống rất khó khăn, quanh năm chỉ đi làm thuê, làm mướn kiếm sống... Qua 5 năm tham gia chăn nuôi heo của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nhơn Ái phát động, thuộc Dự án Heifer tài trợ, từ 1 con heo giống, vợ chồng bà Yến nuôi thêm gà, vịt và cá trê vàng lai, cá tra để lấy ngắn nuôi dài. Nhờ tính cần cù, chịu khó học hỏi và tích lũy dần, đến nay, bà Yến đã mua được 10 công đất vườn trồng cây đặc sản: nhãn tiêu, bưởi da xanh và chôm chôm (mới ra trái chiếng). Hiện nay, thu nhập bình quân của gia đình khoảng 150 triệu đồng/năm. Bà Yến cho biết: “Trước đây, vợ chồng tôi đi cưa cây mướn khắp nơi, những lúc rảnh rỗi ai thuê gì cũng làm. Lúc đầu tham gia Dự án Heifer, tôi được hỗ trợ 1 con heo giống để nái, 4 tháng sau heo đẻ 10 con. Từ đó, tôi bán 5 heo con lấy tiền mua thức ăn cho những con heo còn lại, tôi nuôi tiếp và nhân giống cho đến nay. Hiện trong chuồng tôi còn 3 con heo nái và 21 con heo con, hàng trăm con vịt xiêm và gà tây... Hằng năm, tôi cho xuất chuồng bình quân 50-60 heo con, 300 con vịt xiêm và gà tây”. Hôm chúng tôi đến, bà Yến vừa xuất chuồng 40 heo con, tuy giá heo không cao (hơn 1 triệu đồng/con) nhưng vợ chồng bà rất phấn khởi. Nhờ nguồn thu này mà gia đình bà vượt qua khó khăn, không còn cảnh làm thuê, làm mướn và chạy gạo từng bữa. Hiện nay, 4 đứa con bà đã có gia đình, 1 cô đang học nghề uốn tóc ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang), cô gái út đang học lớp 10.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Chủ nhiệm HTX Thanh niên Nhơn Thọ 1A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, cho biết: “Tháng 7- 2007, HTX đã được Dự án Heifer chuyển giao 26 con heo giống cho 13 thành viên trong Dự án chăn nuôi heo chất lượng cao. Đầu năm 2009, dự án tiếp tục chuyển giao 20 con heo giống (đợt 2) cho 10 thành viên. Ngoài việc tiếp nhận các nguồn hỗ trợ của Dự án Heifer, ngày 10 hằng tháng, chúng tôi tổ chức họp lệ để triển khai một số văn bản qui phạm pháp luật, trao đổi về kiến thức chăn nuôi... Sau họp lệ, mỗi thành viên đóng góp từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng để giúp các thành viên có khó khăn mua thức ăn cho heo hoặc mua thuốc thú y... Đa số, các thành viên tham gia Dự án chăn nuôi heo chất lượng cao của HTX này đều nghèo, không ruộng đất sản xuất hoặc có hộ có ruộng nhưng không vốn... Tính đến nay, từ 2 con giống ban đầu, có hộ phát triển được đàn heo 50-70 con heo giống và heo con, góp phần tăng thu nhập cho gia đình bình quân khoảng 50 triệu đồng/năm”.

* * *

Năm 2003, ông Võ Thanh Cần, ngụ khu vực Bình Yên A, phường Long Hòa, quận Bình Thủy được Dự án Heifer chuyển giao 2 con bò giống. Cùng thời gian này, ông Cần tham gia HTX bò sữa Long Hòa, nhờ học hỏi từ bạn bè trong HTX, rút kinh nghiệm qua các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do Dự án Hefer tổ chức... Hiện nay, sau khi chia bò giống cho các con, ông Cần còn nuôi được 28 con giống, trong đó có 11 con đang cho sữa. Trong quá trình nuôi, ông Cần tận dụng phân bò để bón cây và bán cho người dân xung quanh chăm sóc vườn cây ăn trái. Ông Cần còn xây dựng được hầm ủ biogas để cải thiện vệ sinh môi trường xung quanh. Đặc biệt, từ hầm biogas này, ông Cần dùng làm chất đốt phục vụ bếp ăn hằng ngày cho gia đình, tiết kiệm được khoản tiền lớn để mua nhiên liệu.

Đến năm 2008, Dự án Heifer tiếp tục chuyển giao 42 con bò giống cho 34 hộ nghèo ở 3 khu vực: Tân Bình, Tân Hưng và Tân Thạnh thuộc phường Trường Lạc, quận Ô Môn, đến nay đã có thêm được 5 con bê. Theo qui định của BQL Dự án Heifer, mỗi hộ được hỗ trợ 2 con bê, nuôi trong 36 tháng sẽ chuyển giao cho các hộ nghèo khác. Bên cạnh việc chuyển giao con giống, BQL dự án còn hỗ trợ 1,2 triệu đồng/hộ để sản xuất hoa màu hoặc mua bán nhỏ phát triển kinh tế gia đình. Ông Phạm Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Trường Lạc, cho biết: “Sau khi hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, BQL Dự án Heifer còn hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ làm vốn mua bán nhỏ tại gia đình. Hiện nay, dự án đang triển khai mô hình nuôi trùn quế (mỗi hộ được hỗ trợ 350.000 đồng để xây hố nuôi trùn quế, 5kg trùn giống và 10kg thức ăn dinh dưỡng. Sau 36 tháng, 25 hộ được hỗ trợ con giống sẽ hoàn lại vốn)”.

Cũng từ dự án này, nhiều hộ nghèo nuôi bò sữa và bò thịt đã có kinh tế gia đình phát triển, ổn định cuộc sống... Vợ chồng bà Nguyễn Thị Biên, ngụ khu vực Tân Bình, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, đã gần 70 tuổi, không còn sức lao động, lại đang nuôi người con bị tâm thần, gia đình rất khó khăn. Năm 2008, gia đình bà được Dự án Heifer chuyển giao 2 con bò giống, gặp tôi, bà Biên phấn khởi nói: “Nuôi bò nhẹ công chăm sóc, ít bệnh, không tốn chi phí nhiều, hằng ngày vợ chồng tôi dành ít thời gian cắt cỏ, vệ sinh chuồng trại và quan tâm đến việc tiêm ngừa bệnh dịch lở mồm long móng... Từ ngày được chuyển giao bò giống đến nay khoảng 9 tháng mà tôi đã có được 1 con bê; 1 con bò sắp sinh trong vài ngày tới. Hướng tới, tôi tham gia nuôi trùn quế để phát triển kinh tế gia đình”.

Theo bà Nguyễn Xuân Quyên, cán bộ phụ trách Dự án Heifer tại TP Cần Thơ, thời gian qua, các địa phương đã hợp tác rất nhiệt tình giúp cho BQL Dự án Heifer trong việc chuyển giao con giống, vốn và hướng dẫn kỹ thuật đến từng nông hộ nuôi đạt hiệu quả. Nhờ đó, giúp bà con có điều kiện sửa chữa nhà, mua sắm trang thiết bị trong gia đình, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho mỗi thành viên... Sắp tới, BQL dự án sẽ huy động thêm các nguồn vốn bên ngoài, tăng cường tập huấn kỹ thuật cho các nhóm tương trợ và thành viên nhóm, chuyển giao con giống thêm nhiều hộ mới, đẩy mạnh hoạt động quỹ tiết kiệm xoay vòng trong các thành viên. Rõ ràng, dự án chuyển giao con giống đã giúp được nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đây là một kết quả thiết thực, mang lại niềm vui cho nhiều gia đình nghèo ở địa phương.

Bài, ảnh: XUÂN ĐÀO

Chia sẻ bài viết