28/10/2009 - 20:28

Giải quyết ùn tắc giao thông
Biện pháp nào khả thi ?

Chỉ cần hai xe tải lưu thông ngược chiều nhau là cầu Nhị Kiều có thể bị ùn tắc. Ảnh chụp lúc 7 giờ 23 phút, ngày 23-10-2009 tại cầu Nhị Kiều. Ảnh S.H

Số lượng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn TP Cần Thơ ngày càng gia tăng, do người dân chưa quen với việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Trong khi đường sá không được mở rộng, một số cầu đường lại đang trong quá trình nâng cấp, xây dựng, không đảm bảo an toàn giao thông (ATGT)... đã tạo ra nhiều “điểm nóng” ùn tắc giao thông trong thành phố...

* CẦU, ĐƯỜNG QUÁ TẢI...

Vào các giờ cao điểm, xe cộ trên tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám chen chúc nhau di chuyển từng chút một. Những chiếc ô tô cứ bấm còi inh ỏi hy vọng dòng xe gắn máy, xe đạp điện của người tham gia giao thông chạy nép bớt vào lề. Trước các cổng Trường Lý Tự Trọng, Bùi Hữu Nghĩa, học sinh đi qua lại đông, càng làm cho con đường đã nhỏ càng thêm chật hẹp. Anh Cường, người dân ở phường An Thới, quận Bình Thủy, cho biết: “Sáng nào tôi cũng phải dậy thật sớm vì phải đi làm ở tận Cái Chanh, vậy mà đôi khi đến nơi làm việc trễ. Đường Cách Mạng Tháng Tám quá tải, xe cộ chen chúc nhau. Đi đến đường Nguyễn Văn Cừ gặp kẹt xe tại khu vực Trung tâm Đại học Tại chức, rồi tiếp đó kẹt xe ở cầu Rạch Ngỗng, giờ lại phải chịu thêm cảnh kẹt xe ở cầu Đầu Sấu. Đến được nơi làm việc là cả người tôi đầy mồ hôi và ám mùi khói xe”.

Cầu Nhị Kiều nhỏ, hẹp nhưng luôn phải “gánh” một lượng xe qua lại rất lớn. Mỗi khi có hai ô tô đi ngược chiều qua cầu là lượng xe phía sau bị ùn lại. Ngay dưới chân cầu một bên là Trường Tiểu học Thới Bình, một bên là chợ An Nghiệp nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Mỗi khi tan trường, phụ huynh đứng đón con tràn cả ra lòng đường, (dù nhà trường có mở cổng cho phụ huynh vào sân trường, nhưng nhiều phụ huynh cứ đứng ngoài đường đợi con), còn phía bên kia cầu thì người dân đi chợ qua lại rất đông, lại có tình trạng xe chạy ngược chiều trên cầu, làm cho xe đổ từ trên cầu xuống phải chạy chậm, việc dồn ứ xe trên cầu, tạo nên nhiều tình huống nguy hiểm. Anh Lộc làm việc gần cầu Nhị Kiều, than thở: “Đây là tuyến quốc lộ, cầu Nhị Kiều thì quá nhỏ, trong khi xe qua lại quá đông, mà tập trung nhiều là xe tải từ các tỉnh khác đổ về, nên cứ giờ cao điểm hay bị ùn tắc. Mặc dù ùn tắc không lâu, nhưng cũng làm nhiều người ngán ngại qua cầu này. Tôi lúc nào cũng phải canh, tránh giờ cao điểm để qua cầu, vậy mà cũng có hôm bị kẹt xe gần 10 phút...”.

Theo ngành giao thông, một trong những nguyên nhân xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ trên các tuyến đường nội ô thành phố là người dân sử dụng xe cá nhân quá nhiều, tăng nhanh từng ngày, trong khi đường sá thì không được mở rộng, còn phương tiện công cộng thì chưa phát triển, chưa thu hút mọi người. Đường Cách Mạng Tháng Tám, đường Nguyễn Văn Cừ lúc nào cũng nằm trong tình trạng quá tải, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông luôn trong tinh thần sẵn sàng ứng phó khi có ùn tắc xảy ra. Do đặc điểm như vậy, nên mỗi khi có lễ hội, vào đợt thi cử hoặc những sự kiện lớn thì lực lượng giao thông luôn có mặt trên các tuyến này để điều tiết giao thông... Còn tại khu vực cầu Rạch Ngỗng, theo đồng chí Phạm Thanh Phong, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ: “Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã làm đường phân cách chia cầu tạm ra làm hai để giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông. Người dân cũng đã dần có ý thức tuân thủ các quy định điều tiết nên khu vực này đã giảm bớt tình trạng ùn tắc. Tuy nhiên, do yêu cầu tiến độ thi công cầu Rạch Ngỗng phải hoàn thành cùng lúc với đường Mậu Thân- Sân bay Trà Nóc nên thời gian tới, có khả năng sẽ phải tháo dỡ luôn cầu tạm, cắt đứt giao thông tuyến này”.

* NÂNG CẤP CẦU, LẠI TẠO RA “ĐIỂM NÓNG”

Cả tuần lễ nay, tại khu vực cầu Đầu Sấu thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Bà con ở đây rất bất bình: “Chưa đến 6 giờ sáng là dòng xe cộ đông nghẹt vì kẹt xe, cảnh sát giao thông đến thì mới giải tỏa được và khi cảnh sát giao thông vừa rút đi thì lại tiếp tục kẹt xe”. Chúng tôi ghi nhận vào sáng 19-10-2009, chưa đến 6 giờ, tình trạng ùn tắc giao thông đã tái diễn, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông phải đến điều tiết, cho xe tải trọng lớn lần lượt qua cầu. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ điều tiết, sắp xếp thì tình trạng ùn tắc mới được giải quyết xong. Ông Phạm Thanh Phong, cho biết thêm: “Nhà thầu thi công mở hàng rào che chắn, lấn chiếm đường tạm, không đảm bảo luồng xe. Đã vậy đơn vị thi công còn bỏ mặc, không cho người thực hiện điều tiết giao thông ở hai đầu cầu đã làm cho tình trạng ùn tắc giao thông trở nên nghiêm trọng. Đến lúc đó mới cầu cứu đến lực lượng giao thông”. Sau liên tiếp nhiều ngày cầu Đầu Sấu bị ùn tắc giao thông mà đơn vị thi công không có biện pháp nào khắc phục, ngày 19-10-2009, Sở Giao thông Vận tải đã mời nhà thầu đến làm việc. Tại buổi làm việc, Thiếu tá Trần Thanh Vân, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an TP Cần Thơ, đặt vấn đề: “Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, đơn vị thi công phải đảm bảo trật tự ATGT tại khu vực thi công. Phía nhà thầu phải có biện pháp đảm bảo luồng cho xe lưu thông, phải có biển báo theo quy định, chính vì nhà thầu không thực hiện đúng trách nhiệm, nên mới xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông gây bức xúc cho người dân như thời gian qua”. Ông Đặng Khương Duy, tư vấn giám sát Dự án nâng cấp các cầu trên quốc lộ 1, đoạn Cần Thơ- Cà Mau (được ủy quyền của Ban quản lý dự án PMU2, đơn vị chủ đầu tư), cho biết: “Việc thiếu trách nhiệm của nhà thầu là có, chúng tôi cũng đã nhiều lần gởi văn bản nhắc nhở, yêu cầu nhà thầu nghiêm túc thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT, nhưng phía nhà thầu không thực hiện. Qua tình trạng ùn tắc giao thông nhiều ngày qua, chúng tôi tổ chức kiểm tra lại hàng rào chắn công trình, nếu phần nào dời vào được, chúng tôi sẽ di dời, còn các phần khác do đơn vị thi công đã đào hố rất nguy hiểm. Chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu khi làm móng cầu phải kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng địa phương để được hỗ trợ và phải thi công nhanh hạng mục này”. Tuy nhiên, theo phía nhà thầu thì công trình cầu Đầu Sấu và Cái Răng còn phải thi công ít nhất là 1,5 năm nữa mới hoàn thành.

Trước tình hình này, ông Đinh Văn Thảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, đề nghị nhà thầu phải lắp đặt đèn tín hiệu giao thông hai bên đầu cầu Đầu Sấu và cầu Cái Răng, chậm nhất là ngày 29-10-2009 phải hoàn thành. Trong thời gian chưa có đèn thì nhà thầu phải bố trí đủ người cảnh giới giao thông, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Đại diện phía nhà thầu, ông Zhang Qiang, thừa nhận trong quá trình thi công đã nới rộng hàng rào che chắn, nhưng sơ suất không báo cho chính quyền địa phương. Ông Zhang Qiang đồng ý sẽ cho lắp đặt hệ thống đèn giao thông, tuy nhiên hiện nay chỉ ùn tắc giao thông tại cầu Đầu Sấu nên chỉ lắp đèn tín hiệu tại đây, còn cầu Cái Răng thì phải xin ý kiến. Thiếu tá Trần Thanh Vân, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an TP Cần Thơ đề nghị đơn vị thi công phải xem xét lắp đặt sớm đèn tín hiệu giao thông tại cầu Cái Răng. Vì nếu đã lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại cầu Đầu Sấu mà không lắp đặt tại cầu Cái Răng thì lượng xe dừng lại do đèn đỏ có thể phải đậu trên cầu Cái Răng, do khoảng cách giữa hai cầu quá ngắn, việc này rất nguy hiểm có thể dẫn đến sập cầu Cái Răng.

Theo các cơ quan chức năng, xác định đoạn cầu Đầu Sấu, cầu Cái Răng là “điểm nóng” về giao thông, nên các ngành đã nhiều lần nhắc nhở nhà thầu thi công phải đảm bảo trật tự ATGT; tuy nhiên, phía nhà thầu đã phớt lờ những lời cảnh báo của cơ quan chức năng, nên mới xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông liên tục.

***

Tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại một số cầu và trên một số tuyến đường đã gây bức xúc cho người dân. Đành rằng để mở rộng các tuyến đường thì còn nhiều việc phải làm, cần phải có thời gian, tiền của, nhưng để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trên một số tuyến cầu, đường như hiện nay, thì cơ quan chức năng cần xem xét kỹ nguyên nhân dẫn đến ùn tắc để có biện pháp xử lý, điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, ngành giao thông cần có biện pháp phát triển mạng lưới cũng như chất lượng xe công cộng, cụ thể là xe buýt, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng loại phương tiện này. Đây cũng là một giải pháp mà các thành phố lớn đang ráo riết thực hiện, đừng để đến khi việc ùn tắc giao thông xảy ra thường niên mới tìm biện pháp thì đã quá trễ. Đồng thời, các ngành chức năng cần sớm có những giải pháp đồng bộ để hạn chế và giải quyết nạn ùn tắc giao thông cục bộ tại các “điểm nóng”, chứ không chỉ giải quyết theo tình huống, theo phản ánh từng vụ việc của người dân rồi lại đâu vào đấy, vừa không hiệu quả, lại có thể gây hậu quả nặng nề hơn.

SƠN HÀ

Chia sẻ bài viết