29/03/2009 - 20:31

Dự án chống quá tải và xuống cấp cho các bệnh viện

Được và chưa được

Thời gian qua, nhiều bệnh viện (BV) trong TP Cần Thơ bị người dân phản ánh về tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp và chật chội. Trong khi chờ quy hoạch xây mới hệ thống BV xứng tầm với đô thị loại I trực thuộc Trung ương, năm 2009, thành phố đã dành nhiều tỉ đồng để tu sửa, nâng cấp BV, đáp ứng nhu cầu điều trị người bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc đáng bàn...

Nơi thì yên tâm

Theo đề nghị của Sở Y tế TP Cần Thơ, ngày 2-6-2008, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã có Tờ trình số 251/TTr.SKHĐT - XDCB, gởi UBND thành phố đề xuất lãnh đạo thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư nhằm giải quyết tình trạng xuống cấp và quá tải bệnh nhân ở 4 BV, gồm: BV Lao và Bệnh phổi, BV Nhi đồng, BV Y học cổ truyền và BV Tâm thần. Cụ thể: BV Lao và Bệnh phổi được cải tạo: khoa Xét nghiệm, khoa Hồi sức cấp cứu, buồng bệnh khoa Lao, buồng bệnh khoa Tạp, khối hành chính, khoa Dược, nhà Dinh dưỡng, nhà Đại thể và hội trường của BV. BV Nhi đồng, được sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Ngoại, khoa Sơ sinh, khoa Hồi sức cấp cứu, khu hành chính thành khu điều trị, xây mới nhà tiền chế thành khu hành chính, xây mới khu vệ sinh công cộng dành cho bệnh nhân. BV Y học Cổ truyền được sửa chữa, nâng cấp 6 hạng mục, gồm: khoa Điều trị nội A, khoa Điều trị nội B-Ngoại, khoa Điều trị nội C, khu khám bệnh, nhà làm việc, hội trường và xây mới phòng nấu thuốc, phòng hấp tiệt trùng. BV Tâm thần được xây dựng nhà tiền chế rộng 320m2 làm khu điều trị, việc xây dựng được thực hiện lùi về phía sau trên mặt bằng của BV Y học cổ truyền ở liền ranh. Ngày 26-6-2008, UBND thành phố có Công văn số 3479/UBND-QH, gởi Giám đốc Sở Y tế và Sở Kế hoạch- Đầu tư chấp thuận phương án sửa chữa, nâng cấp BV Lao và Bệnh phổi, BV Nhi đồng, BV Y học cổ truyền. Tổng kinh phí đầu tư gần 8 tỉ đồng. Trong đó, BV Y học cổ truyền được đầu tư 960 triệu đồng, BV Lao và Bệnh phổi được đầu tư 950 triệu đồng và BV Nhi đồng được đầu tư gần 6 tỉ đồng, thực hiện trong năm 2009.

HIện BV Tâm thần chỉ còn khoảng trống gần khu vệ sinh để đặt thêm giường dành cho bệnh nhân tâm thần kích động, điều trị nội trú. 

Đến nay, BV Y học cổ truyền đã đưa vào sử dụng tất cả các hạng mục được đầu tư, các phòng bệnh được thay mái tôn, đóng la-phông sạch sẽ; BV đã xây dựng phòng hấp kim tiệt trùng và phòng nấu thuốc liền ranh với sân phơi thuốc Nam và kho thuốc giúp cho khoa Dược hoạt động được thuận lợi, nhanh chóng. Bác sĩ Tôn Chi Nhân, Giám đốc BV Y học cổ truyền, cho biết: “Việc nâng cấp cơ sở vật chất lần này, đã giúp BV ổn định hoạt động chuyên môn, y bác sĩ yên tâm công tác, phát huy năng lực. Giữa tháng 3-2009, Ban giám đốc BV đã có buổi họp, thống nhất dành 200 triệu đồng tiền tiết kiệm phí để nâng cấp phòng hành chính và xây thêm 2 phòng dành cho bác sĩ trực chuyên môn và trực lãnh đạo của khu dịch vụ, nhằm thu hút bệnh nhân, phát huy tốt hơn nữa mục tiêu xã hội hóa y tế”.

BV Lao và Bệnh phổi cũng đã hoàn thành 50% hạng mục công trình. Bác sĩ Trần Mạnh Hồng, Phó Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi phấn khởi nói: “Các công trình xây dựng được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, không ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn. Mùa mưa năm nay, bệnh viện đã thoát khỏi cảnh nước ngập, mưa dột”.

BV Nhi đồng đã hoàn tất phần thủ tục đấu thầu, dự kiến các công trình sửa chữa, xây mới BV sẽ khởi công vào tháng 5-2009, thời gian xây dựng khoảng 210 ngày. Như vậy, trong năm nay, BV Nhi đồng sẽ giải quyết được tình trạng quá tải bệnh nhi.

Nơi thì lo lắng

Việc BV Tâm thần đề nghị thành phố cho phép xây dựng khu nhà tiền chế trên phần đất của BV Y học cổ truyền đã không được thành phố chấp nhận, do BV này nằm trong diện quy hoạch, di dời. Bác sĩ Nguyễn Tiến An, Giám đốc BV Tâm thần, bộc bạch: “Thành phố giải quyết cho BV được cải tạo, nâng cấp khu hành chính, nhưng vấn đề cần giải quyết cho BV là được có thêm mặt bằng. Nhiều năm qua, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã có chủ ý xây tặng BV Tâm thần một phòng hành chính, nhưng không thể thực hiện, do BV chỉ còn khoảng sân nhỏ dành để xe”.

Mặt bằng của BV Tâm thần (ở đường 3 Tháng 2, quận Ninh Kiều), rộng chưa tới 500m2, cơ sở vật chất là nhà cấp 4, được xây theo hình chữ L như nhà dân. BV được Sở Y tế phân bổ chỉ tiêu phục vụ 20 giường bệnh, nhưng nhiều năm qua, luôn có trên 30 bệnh nhân điều trị nội trú, BV phải tận dụng khoảng đất trống gần khu vệ sinh, che chắn tạm để kê thêm 6 giường dành cho bệnh nhân tâm thần kích động. Các phòng chức năng của BV chỉ rộng khoảng 15m2, được BV sắp xếp để thực hiện nhiều chức năng, như: phòng của bộ phận điều dưỡng chung với khoa Điều trị, phòng cấp cứu chung với bộ phận đo điện não đồ, bộ phận hành chính, tài vụ và bàn thu viện phí của BV đều bố trí san sát nhau trong một căn phòng. Việc giảng dạy sinh viên thực tập, hội họp và nơi làm việc của ban giám đốc,... được gom vào hội trường. Hội trường rộng chỉ khoảng 50m2 nên không thể ngăn vách, để không bị ảnh hưởng, các bộ phận phải xử lý bằng cách quay ghế đâu lưng nhau mà cùng hoạt động.

Việc gia tăng bệnh nhân, nhưng cơ sở vật chất chật hẹp, xuống cấp đã làm BV Tâm thần rơi vào tình trạng quá tải, song song đó là tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, BV có 5 bác sĩ kể cả ban giám đốc, người nhỏ tuổi nhất cũng trên 40 tuổi. Bác sĩ Nguyễn Tiến An cho biết: “So với quy mô bệnh nhân, BV cần thêm 5 bác sĩ nhưng từ năm 2002 đến nay, sinh viên y khoa tốt nghiệp ra trường không người nào chịu về đây công tác”. Bác sĩ Lê Hoàng Vũ, bác sĩ điều trị của bệnh viện cho biết: “Bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú thời gian nằm viện dài hơn những bệnh khác. Ngoài việc dùng thuốc, bệnh nhân rất cần phương pháp phục hồi chức năng tâm lý xã hội bằng lao động vật lý trị liệu, hoạt động liệu pháp âm nhạc, thể thao. Nhưng BV không đủ chỗ kê giường cho bệnh nhân, làm sao tổ chức được hoạt động này!”.

Việc BV Tâm thần không được thành phố chấp thuận kế hoạch xây dựng nhà tiền chế, vì Tờ trình số 251/TTr.SKHĐT - XDCB của Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đề cập đến việc mượn mặt bằng của BV Y học cổ truyền, mà không thuyết minh về tình trạng cơ sở vật chất hiện thời của BV. Vì vậy, thành phố chưa thấy hết về nhu cầu phòng ốc để BV Tâm thần được nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân nội trú. Đồng thời, thành phố lo ngại nếu BV Y học cổ truyền cho BV Tâm thần mượn mặt bằng thì sau này việc xây dựng bệnh viện mới sẽ gặp khó khăn. Về việc này, tiến sĩ Tôn Chi Nhân, Giám đốc BV Y học cổ truyền, cho biết: “BV Y học cổ truyền rộng đến 2,8 ha, nếu cho BV Tâm thần mượn 320m2 xây khu nhà tiền chế, vẫn không bị ảnh hưởng nhiều khi được qui hoạch xây mới”. Về kinh phí xây dựng khu nhà tiền chế, bác sĩ Nguyễn Tiến An, nói: “BV Tâm thần hiện còn quản lý căn nhà phố ở đường Nguyễn Văn Cừ, là cơ sở vật chất cũ của BV. Căn nhà này, BV sử dụng làm nhà tập thể, nhưng hiện nay không còn cần nữa. Trong khuôn khổ thực hiện Nghị định 43, nếu Sở Y tế có chủ trương xin thành phố cho phép hóa giá căn nhà này để có kinh phí đầu tư cho BV Tâm thần mở rộng cơ sở vật chất, BV sẽ giải quyết được tình trạng quá tải và có thể triển khai ngay việc thực hiện tự chủ tài chính theo tinh thần Nghị định 43”.

Công bằng mà nói, kế hoạch quy hoạch di dời BV Tâm thần hiện vẫn còn nằm trên giấy. Trong khi, mùa mưa tới BV Tâm thần khó tránh được cảnh nền bị ngập, phòng bệnh bị dột nếu như thành phố không kịp thời đầu tư. Đồng thời, các BV Lao và Bệnh phổi, BV Nhi đồng và BV Y học cổ truyền dù đã được nâng cấp, chống quá tải, nhưng nếu dự án xây mới các bệnh viện này không được kịp thời triển khai thì trong thời gian không xa, các BV này cũng rơi vào điệp khúc xuống cấp, cản ngại trong mục tiêu nâng cao chất lượng điều trị ở các bệnh viện công của thành phố.

Bài, ảnh: ĐÌNH KHÔI

Chia sẻ bài viết