16/03/2008 - 22:12

Đội bảo vệ sức khỏe nam giới

Ngày 20-1-2008, tại Trường Đại học (ĐH) Cần Thơ, đội thực hiện dự án “Truyền thông lồng ghép giúp thay đổi hành vi nhằm dự phòng HIV/AIDS cho nam sinh viên trong các trường đại học” chính thức thành lập. Đây là dự án được triển khai tại 4 TP lớn : Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, dưới sự tài trợ của PEPFAR/USAID (Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp phòng chống AIDS của Tổng thống Mỹ/ Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ) và PSI (Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế).

Phụ trách dự án tại TP Cần Thơ là 12 nhân viên truyền thông, 1 giám sát và 50 cộng tác viên thường xuyên, phần lớn là sinh viên (SV). Đội chia thành 2 Câu lạc bộ (CLB) với tên là “Sức trẻ” và “Táo xanh”. Mục tiêu của dự án là giúp nam thanh niên, đặc biệt là nam SV, phát triển những hành vi và có thái độ tích cực hơn trong các mối quan hệ, cũng như biết tự chăm sóc sức khỏe của mình. Các CLB còn giới thiệu địa chỉ các phòng khám miễn phí, chỉ cách phát hiện và phòng ngừa các bệnh lây qua đường tình dục, cách quan hệ tình dục (QHTD) đúng đắn, tư vấn làm thế nào để giảm rượu bia, những tác hại của những hành vi không làm chủ được mình... “Vui có chừng, dừng đúng lúc” là tiêu chí hoạt động của đội. Điểm tư vấn mỗi ngày của đội ở phòng họp Văn phòng Đoàn Trường ĐH Cần Thơ, sáng từ 9-11 giờ, chiều từ 15-17 giờ, lúc nào cũng nhộn nhịp. Từ 18 giờ 30 - 20 giờ 30 hàng đêm, là thời điểm đội đi thực tế trong địa bàn TP Cần Thơ.

Nhóm tư vấn đang giải đáp thắc mắc cho một khách hàng là nam SV Trường ĐH Cần Thơ. 

Trước khi đi, cả đội thảo luận, lên kế hoạch và phân từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm 3 người phụ trách một tuyến đường, đi vào quán cà phê và các khu vui chơi có đông thanh niên tuổi từ 18 - 25 để tư vấn và phát bao cao su (BCS) miễn phí. Các bạn chủ động đến làm quen, giới thiệu về mình và bắt đầu câu chuyện. Các bạn gởi những thông điệp xanh tới phái mạnh, nhỏ to tâm sự những chuyện khó nói, giải thích lại những quan niệm sai lầm của một số người như không cần sử dụng biện pháp phòng ngừa vì chỉ QHTD với những cô gái khỏe mạnh và xinh đẹp; hoặc một số thanh niên cho rằng có thể nhìn bằng mắt thường là biết ai bị nhiễm; hèn nhát, yếu mới sử dụng BCS... Tư vấn viên còn chỉ cách làm sao “nói không” với chuyện vượt rào, làm gì nếu lỡ chuyện đó xảy ra... Câu nói vui của đội: “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học, muốn QHTD hay không cũng phải hiểu biết” được rất nhiều nam SV nhắc đến.

Tư vấn viên Nguyễn Văn Thanh Tiến, SV năm thứ 3 ngành cơ khí chế tạo máy, khoa Công nghệ, kể lại kỷ niệm sau gần 2 tháng tác chiến: “Có người rất hào hứng, nhờ các tư vấn viên giải đáp hết thắc mắc này đến thắc mắc khác, nhưng cũng có đối tượng vừa hỏi đã khoát tay, từ chối thẳng thừng, có người tìm cách chọc ghẹo hoặc hỏi những câu ngoài tầm kiểm soát, nhờ nhanh trí và được tập huấn kỹ từ trước, chúng em đều hóa giải được những tình huống cười ra nước mắt”.

Phạm Hoài Hận, năm thứ 2 ngành Luật Thương mại, cũng có những “tai nạn” nhớ đời khi mang công cụ là mô hình cơ quan sinh dục nam và BCS lân la trò chuyện với các bạn nam về cách quan hệ tình dục an toàn để tránh lây bệnh. Có bạn cũng lịch sự lắm, hợp tác vui vẻ, còn chỉ thêm kinh nghiệm, nhưng cũng có người lạnh lùng ném những tờ bướm xuống đất, đuổi đi. “Nếu không tỉnh táo, bản lĩnh và thật sự yêu công việc thì khó lòng trụ vững. Gặp sự cố thì tự động viên mình, quá lắm thì tâm sự với đồng nghiệp rồi cho qua. Nhưng phần lớn đa số khách hàng được tư vấn xong đều cảm ơn. Nhờ có những niềm vui như thế mà tinh thần các bạn phấn chấn làm tiếp, quên hết những trục trặc trong nghề” - Hận nói. Gặp những “ca” khó, các bạn khéo léo “chuyển tuyến” bằng cách giới thiệu khách hàng lại những trung tâm tư vấn... Sau mỗi buổi đi thực tế, cả nhóm ngồi lại chia sẻ, rút kinh nghiệm rồi về viết báo cáo. Dù vất vả nhưng bạn nào cũng vui vì thấy được ý nghĩa công việc mình làm.

Để được vào đội tư vấn, điều kiện tuyển chọn rất cao, ngoài ngoại hình, khả năng ăn nói, ứng viên còn phải có kinh nghiệm làm công tác xã hội, say mê thật sự công việc. Huỳnh Ngọc Thi, quê ở An Giang, SV năm thứ 4, khoa Công nghệ, cho biết: “Em làm vì tính chất công việc mang lại nhiều thông tin có ích cho cộng đồng. Em biết nhiều bạn SV QHTD rất sớm, phải gánh lấy hậu quả đáng tiếc khi còn đang đi học. Chúng em muốn nhắn nhủ với các bạn hãy thể hiện tình yêu bằng nhiều cách, không nhất thiết phải QHTD, hãy nói không khi bạn chưa sẵn sàng”. Ngọc Thi nói thêm, mỗi khi có dịp về quê, Thi còn rủ nhóm đem BCS và những tờ bướm phát và tư vấn luôn cho thanh niên nông thôn.

Mặc dù chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng qua các lượt tiếp xúc, các bạn trong đội tư vấn khẳng định, rất nhiều nam thanh niên ở TP Cần Thơ đã QHTD trước hôn nhân, chiếm tới 70% đối tượng được tư vấn. Nhóm còn phát hiện rất nhiều đối tượng nam giới không sử dụng bao khi quan hệ với bạn tình, gái bao bên ngoài, nếu có cũng sử dụng không đúng cách, có người không có cả những kiến thức sơ đẳng về HIV/AIDS... Bây giờ, nhiều “đấng mày râu” ở Cần Thơ không còn lạ gì đội tuyên truyền hàng đêm giong ruổi trên các nẻo đường, quán xá. Họ sẵn sàng mở lòng để tư vấn, giúp đỡ bất kỳ lúc nào khi khách hàng gặp “trục trặc”. Đối với họ, được mọi người tin tưởng tìm đến đã là một thành công.

Theo chị Trần Đặng Phi Dung, cán bộ dự án, từ trước đến nay, nói về vấn đề chăm sóc sức khỏe, đối tượng thường được quan tâm là phụ nữ và trẻ em. Riêng dự án này tập trung vào nam thanh niên vì đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao, là cầu nối lan truyền đại dịch HIV/AIDS lớn nhất cho cộng đồng. Đến tháng 9-2008 dự án này sẽ kết thúc giai đoạn 1 với chỉ tiêu 8.000 SV sẽ được tiếp nhận đầy đủ thông tin về cách phòng chống HIV/AIDS.

Anh Lê Thanh Sơn, Phó bí thư Đoàn Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Dự án trên là một hoạt động mang lại nhiều lợi ích về mặt xã hội nên chúng tôi tạo điều kiện để nhóm làm việc như hỗ trợ địa điểm, hướng dẫn cách sinh hoạt, khuyến khích các nam SV tham gia tư vấn... để hiểu biết thêm về vấn đề nhạy cảm này. Các bạn trẻ cần phải được hướng dẫn một cách đúng đắn về giới tính để biết cách phòng tránh, phòng ngừa, tự bảo vệ mình”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết