26/09/2015 - 13:58

Để giáo dục ĐBSCL cất cánh

Tại hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Quyết định 1033/ QĐ-TTg ngày 30/6/2011 về phát triển giáo dục, đào tạo (GD, ĐT) và dạy nghề (DN) vùng ĐBSCL (gọi tắt là QĐ 1033), do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì, tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 25-9, nhiều đại biểu hiến kế các giải pháp phát triển GD-ĐT và DN giai đoạn 2016-2020. Hướng đến mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của vùng.

Những con số "biết nói"

Sau 5 năm (2011-2015) triển khai thực hiện QĐ 1033, các tỉnh, thành trong vùng có sự chuyển biến rõ nét về mặt chất lượng, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng và cả nước. Năm học 2014-2015, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 99% (tăng 3,5% so với năm học 2011-2012); hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2011; đạt 190 sinh viên (SV)/vạn dân... Về đào tạo nguồn nhân lực cho vùng, từ năm 2012, Bộ GD&ĐT xây dựng chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Theo cơ chế này, từ năm 2012- 2014, các cơ sở đào tạo vùng ĐBSCL xét tuyển thêm 600 SV; các cơ sở khác tuyển bổ sung 1.310 chỉ tiêu ĐH và 1.520 chỉ tiêu thạc sĩ để đào tạo nhân lực cho vùng...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện QĐ1033.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, mạng lưới trường, lớp phổ thông giai đoạn 2011-2015 của vùng phát triển theo hướng hoàn thiện quy hoạch, phù hợp với điều kiện vùng sông nước, quy mô học sinh từng địa phương và hướng tới đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển GD toàn diện cho HS. Nhiều tỉnh triển khai tốt mô hình trường học mới, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy, HS đổi mới phương pháp học. Tiêu biểu là bậc mầm non, năm học 2014-2015, toàn vùng có 1.921 trường (tăng 14,5% so với năm học 2011-2012); đến tháng 6-2015, các tỉnh ĐBSCL có 90,2% đơn vị cấp xã và 65,2% đơn vị cấp huyện được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non (PCGD MN) cho trẻ em 5 tuổi, có 3/13 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Bến Tre, Bạc Liêu) được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn PCGD MN cho trẻ em 5 tuổi. Qua kỳ thi THPT quốc gia 2015, tỷ lệ thí sinh đạt kết quả trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ vùng ĐBSCL tương đương tỷ lệ trung bình cả nước (88,34%), cao hơn vùng Duyên hải miền Trung (85,18%), miền núi phía Bắc (88,39%) và Tây Nguyên (86,52%).

Đối với giáo dục ĐH, ĐBSCL có 49 trường ĐH, CĐ công lập, ngoài công lập. Trong 5 năm (2011-2015) thành lập mới 6 trường (4 trường ĐH và 2 trường CĐ), với quy mô 130.896 SV chính quy năm học 2014-2015, tăng 9% so với năm học 2011-2012. So với năm học 2011-2012, tổng số giảng viên cơ hữu các trường ĐH, CĐ vùng ĐBSCL tăng 1.876 giảng viên (từ 5.692 giảng viên lên 7.568 giảng viên, trong đó, các trường ĐH: 5.425 giảng viên, các trường CĐ: 2.143 giảng viên). Số lượng giảng viên có trình độ sau ĐH trở lên chiếm 52,7% tổng số giảng viên. Ông Võ Minh Chiến, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB), nói: "QĐ 1033 góp phần đẩy nhanh tốc độ nguồn nhân lực toàn vùng, giúp các địa phương nâng cao đội ngũ cán bộ có trình độ quản lý, chuyên môn, từng bước đưa ĐBSCL thoát khỏi "vùng trũng" về GD-ĐT".

Tận dụng nguồn lực để cùng phát triển

Không thể phủ nhận thành quả các địa phương đạt được sau 5 năm thực hiện QĐ 1033. Tuy nhiên, GD-ĐT và DN của vùng còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Công tác PCGD MN cho trẻ em 5 tuổi không đạt tỷ lệ 100% số tỉnh hoàn thành năm 2015 do thiếu nguồn lực và chưa được quan tâm đúng mức ở một số địa phương; phân luồng học sinh sau THCS, tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp gặp khó khăn; tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi cấp THPT của vùng đạt thấp nhất; tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo GD ĐH, CĐ chậm được khắc phục; tình trạng SV thất nghiệp vẫn còn… Điều đáng quan ngại là bậc học mầm non ở hầu hết địa phương đều gặp khó. Toàn vùng còn 1.905 phòng học tạm và 2.608 phòng học nhờ mượn. Hiện nay, tỉnh Cà Mau còn thiếu 345 phòng học mầm non (trong đó phòng học cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi thiếu 271 phòng). Đại diện tỉnh Cà Mau cho biết: "PCGD MN của tỉnh chưa đạt do thiếu phòng học và đội ngũ giáo viên. Để phục vụ dạy và học hiệu quả đối với bậc học mầm non, tỉnh cần bổ sung thêm 600 giáo viên và xây dựng thêm 345 phòng học". Tương tự, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Minh Giang cho biết: "Tỉnh cần khoảng 700 tỉ đồng để đầu tư xây dựng hàng trăm phòng học và cần bổ sung thêm 1.000 giáo viên (trong đó có 800 giáo viên mầm non). Tỉnh rất cần Trung ương hỗ trợ kinh phí...".

Theo các đại biểu tham dự hội nghị, nguyên nhân những bất cập, hạn chế trong công tác GD-ĐT và DN vùng ĐBSCL một phần do đặc điểm vùng sông nước nên dân cư phân bố không tập trung, ảnh hưởng việc huy động HS đến trường. Tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Mặt khác, việc phân cấp, phối hợp quản lý trong GD-ĐT ở một số địa phương chưa gắn kết, nhất là trong lĩnh vực đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực. Đáng lưu ý, nguồn lực tài chính chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng GD;… Phó trưởng BCĐ TNB Võ Minh Chiến cho rằng: Khi triển khai QĐ 1033 mới (giai đoạn 2016-2020), cần bổ sung thêm kinh phí đầu tư; tiếp tục đầu tư cho học viện, cơ sở đào tạo, phục vụ đào tạo nhân lực cho tôn giáo. Trung ương thống nhất chủ trương giao BCĐ TNB cùng với các trường ĐH trong vùng xây dựng đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng.

Giai đoạn 2016-2020 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển GD và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 của vùng. Mục tiêu GD-ĐT và DN vùng ĐBSCL hướng đến là tập trung nâng cao chất lượng GD toàn diện, quy hoạch cơ sở GD mầm non, phổ thông phù hợp với quy mô phát triển, điều kiện vùng sông nước; chuyển đổi trọng tâm phát triển đào tạo nguồn nhân lực vùng từ phát triển quy mô sang nâng cao chất lượng và hiệu quả, đào tạo theo nhu cầu thị trường và xã hội...Theo các đại biểu, để đạt mục tiêu trên, cần có sự đầu tư đột phá về nguồn kinh phí từ Trung ương cho ĐBSCL, nhất là ở bậc học mầm non. Bà Vũ Thị Mai, đại diện Bộ Tài chính, cho biết: "Nguồn ngân sách hiện nay giới hạn nên các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 chủ yếu đầu tư 2 lĩnh vực, trong đó có nông thôn mới. Vì thế, đầu tư cho GD mầm non nằm trong chương trình nông thôn mới. Tất nhiên, Bộ cũng sẽ nghiên cứu để ưu tiên đầu tư cho những vùng khó khăn như ĐBSCL.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, điểm yếu nhất trong GD-ĐT và DN vùng ĐBSCL vẫn là GD mầm non, thiếu trường lớp, giáo viên. Do đó, từng địa phương cần có văn bản kiến nghị cụ thể để có chính sách đặc thù cho bậc học này. Về vấn đề hỗ trợ tiền ăn cho HS mầm non, phụ cấp giáo viên, các đơn vị cần rà soát các văn bản, nếu hết hiệu lực, phải nhanh chóng đề nghị Chính phủ ban hành văn bản mới. Về GD ĐH, CĐ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là vấn đề lớn của vùng, thực tế, số lượng trường ĐH, CĐ, DN của vùng ít so với các vùng, miền khác trên cả nước; tỷ lệ giảng viên đạt chuẩn trong một trường lại thấp; một số trường tuyển sinh hết chỉ tiêu nhưng cũng có trường tuyển sinh không đủ chỉ tiêu... Nên tính toán có hướng sáp nhập các trường ĐH thành một mối, đúng hơn là tận dụng nguồn lực để cùng phát triển... Trên cơ sở thành quả QĐ 1033 và đóng góp của các đại biểu, các đơn vị liên quan cần tổng hợp và nhanh chóng làm các thủ tục để QĐ 1033 giai đoạn 2016-2020 có thể ban hành sớm, từ đó có thể triển khai thực hiện sớm, góp phần thúc đẩy phát triển GD-ĐT và DN vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: B.NGỌC

Chia sẻ bài viết