25/04/2008 - 23:29

ĐBSCL làm gì để ngăn chặn dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm bùng phát ?

Đã hơn một tháng rưỡi kể từ khi dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm (TCCNH) tái phát và lây lan nhanh ở nhiều địa phương, cả nước đã có 20 tỉnh, thành phát dịch với gần 2.500 người mắc bệnh, trong đó có 377 người dương tính với vi khuẩn tả. Vấn đề đặt ra hiện nay là các tỉnh ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ có nguy cơ bị dịch TCCNH tấn công hay không? Làm gì để ngăn chặn? Sau đây là ý kiến của một số thành viên Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)” năm 2008 của Bộ Y tế về vấn đề này.

* Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh:
ĐBSCL LÀ VÙNG LƯU HÀNH DỊCH BỆNH ĐƯỜNG TIÊU HÓA

TCCNH đã được khống chế và có chiều hướng giảm. TP Hồ Chí Minh đã ra khỏi vùng dịch, riêng Hà Nội, Hà Tây và Hải Phòng là 3 tỉnh, thành trước đây có số ca mắc tiêu chảy cấp nhiều cũng đang giảm. Đối với ĐBSCL, đang trong mùa nắng nóng, đồng bào thiếu nước sạch để dùng, phải dùng nước kinh, rạch, sông. Trong khi đó, ước tính ở ĐBSCL còn 60-70% người dân thải thẳng phân ra sông làm ô nhiễm nguồn nước. Vi trùng tả lại sống trong nước, nhất là trong nước mặn, lợ và trong các loại rong tảo... Bà con sử dụng nước bị ô nhiễm để rửa chén bát, rau, củ, quả, tắm gội... nên vi khuẩn tả có điều kiện thuận lợi tiếp xúc với người. Vì vậy, nếu không cẩn thận phòng ngừa thì khả năng dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm xảy ra rất cao.

 Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của Bộ Y tế kiểm tra thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại một quán ăn ở đường Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Muốn phòng bệnh tả, cách tốt nhất là ăn thức ăn nấu chín, uống nước chín. Nước chín phải được để trong chai, ca có nắp đậy. Khi ăn trái cây phải được rửa sạch và gọt bỏ vỏ. Đặc biệt bàn tay phải thật sạch, sau khi làm việc, đi vệ sinh và trước khi bàn tay đụng đến thực phẩm thì chúng ta phải rửa tay thật sạch bằng xà phòng, nếu không có xà phòng, có thể dùng tro bếp để rửa tay.

Vùng ĐBSCL là vùng các dịch bệnh đường tiêu hóa như kiết lỵ, tiêu chảy... lưu hành. Chỉ tính riêng số bệnh nhân tiêu chảy, ở ĐBSCL đã chiếm phân nửa số ca bệnh trong cả nước. Chúng ta nằm trên vùng tiềm ẩn các dịch bệnh nên đòi hỏi từng người dân tự vệ sinh, chăm sóc sức khỏe cho mình. Nếu trong cộng đồng mình sinh sống có người đi tiêu té ra nước, đi tiêu nhiều lần và khát nước liên tục... đó có thể là dấu hiệu của bệnh tả, phải đến y tế báo cáo ngay để được điều trị kịp thời. Tả là bệnh cấp tính, diễn biến rất nhanh, trong vòng từ 24-48 giờ, nếu không được bù nước kịp thời có thể bệnh nhân sẽ tử vong.

TP Cần Thơ đã chủ động phòng chống dịch rất tốt. Trong thời gian tới, để công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp đạt hiệu quả hơn, tôi đề nghị TP Cần Thơ cần tiếp tục tuyên truyền cho mọi người dân thế nào là bệnh tả, bệnh tả lây qua con đường nào, những dấu hiệu nhận biết bệnh tả... một cách cụ thể và gần gũi. Ngoài ăn chín, uống sôi thì môi trường sạch và nước sạch giữ vai trò rất quan trọng. Trong điều kiện bình thường, nước ở đô thị (do nhà máy nước cung cấp) liều lượng clo dư từ 0,3-0,5 mg/l là được nhưng trong mùa có tiêu chảy nhiều thì liều lượng clo dư phải đạt 0,5mg/l. Đối với bà con sử dụng nước ao, hồ, sông để sinh hoạt, khi lấy nước lên, bà con lóng cho trong. Sau đó gạn bỏ cặn và cho clo vào với liều lượng 1mg/l. Sau khi khuấy nước lên, bà con sử dụng nước này để tắm, gội, rửa rau, củ, quả... Đối với ngành y tế, đề nghị các đồng chí lên phương án chi tiết dự phòng khi chưa có dịch tả và chuẩn bị khi có một vụ dịch tả xảy ra.

* Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế:
NGƯỜI TIÊU DÙNG NÊN TẨY CHAY NHỮNG QUÁN ĂN KHÔNG ĐẢM BẢO VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

TP Cần Thơ đã hình thành Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả, chứng tỏ Cần Thơ đã chủ động trong công tác này. Các văn bản chỉ đạo cũng được TP Cần Thơ làm rất kịp thời, công tác tuyên truyền, tập huấn cho tuyến dưới cũng được thành phố làm rất nhanh. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch là của cả hệ thống chính trị. Do vậy, TP Cần Thơ cần có một kế hoạch riêng, phân công công việc cho từng ban, ngành cụ thể, chi tiết. Ngoài ra, cần kiểm tra xem công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp, đảm bảo VSATTP ở cơ sở thực hiện như thế nào? Họ đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng khi có dịch bệnh xảy ra hay chưa? Sở Y tế in ấn 500.000 tờ rơi để phát cho các hộ dân nhưng các đồng chí cũng cần phải kiểm tra, đôn đốc ở tuyến dưới xem họ có phát cho dân không? Đặc biệt là các xã, phường ở vùng sâu, vùng xa. Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, truyền đi các thông điệp về VSATTP, phòng chống dịch bệnh đường tiêu hóa một cách thường xuyên và liên tục. Đồng thời giám sát chặt chẽ cộng đồng, phối hợp tốt giữa hệ dự phòng và điều trị để phát hiện sớm, bao vây và xử lý ổ dịch trong thời gian nhanh nhất.

Qua kiểm tra một số quán ăn trên địa bàn TP Cần Thơ, chúng tôi lo ngại vì có cơ sở đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP nhưng nhận thức của chủ cơ sở chưa đạt yêu cầu. Cơ sở vẫn mất vệ sinh, trong kho chứa thực phẩm có loại sản phẩm quá hạn sử dụng, một số nhân viên ở trong các quán ăn còn để móng tay dài, dùng tay (không đeo găng) để bốc thực phẩm... Chính vì thế trong thời gian tới, TP Cần Thơ cần quan tâm hơn nữa đến các chợ, các quán ăn, thức ăn đường phố... tư vấn cho họ cách cải thiện điều kiện vệ sinh. Qua đó, cơ sở cũng hoàn thiện các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP để họ kinh doanh hợp pháp và giảm nguy cơ dịch bệnh đường tiêu hóa cho cộng đồng. Hiện nay, ở Cần Thơ, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP còn thấp.

Trong thời buổi hiện nay, người tiêu dùng cần tỉnh táo, chủ động không đến những quán ăn không đảm bảo vệ sinh, mạnh dạn tẩy chay các cơ sở này để buộc họ phải cải thiện điều kiện VSATTP.

* Bà Bùi Thị Lệ Phi, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ:
XỬ LÝ NGHIÊM NHỮNG CƠ SỞ VI PHẠM NHIỀU LẦN ĐỂ RĂN ĐE

Qua đợt kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP” năm 2008 của Bộ Y tế, chúng tôi tích lũy thêm một số kinh nghiệm chuyên môn và kinh nghiệm kiểm tra thực tế. Trong thời gian tới, khi kiểm tra các cơ sở, đoàn kiểm tra liên ngành của TP không chỉ kiểm tra khu vực ăn uống, nhà bếp mà còn kiểm tra nhà kho, môi trường xung quanh cơ sở... với cơ sở mà đoàn kiểm tra liên ngành trung ương phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ chỉ đạo lập biên bản vi phạm, chỉ ra các vi phạm và hướng dẫn biện pháp để họ chấn chỉnh, khắc phục trong một thời gian nhất định. Hết thời gian, nếu quay lại kiểm tra mà chủ cơ sở không chấn chỉnh, chúng tôi xử lý kiên quyết: đóng cửa một thời gian hoặc vĩnh viễn tùy theo mức độ vi phạm và mức độ sửa chữa đến đâu. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra VSATTP, nhất là những nhóm thực phẩm có nguy cơ cao. Những cơ sở nào vi phạm nhiều lần, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh để răn đe các cơ sở khác.

Ngoài ra, Sở Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chấn chỉnh cơ sở sản xuất kinh doanh để họ có hướng sửa chữa, khắc phục hạn chế để đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận VSATTP, nâng tỷ lệ cấp giấy chứng nhận cao hơn. Ngoài ra chúng tôi tập huấn lại cho cán bộ qui trình xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh... tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Thời gian qua, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP ở các tuyến quận, huyện và xã, phường còn ít. Qua thanh, kiểm tra, việc xử phạt các cơ sở vi phạm chỉ thực hiện ở tuyến thành phố, còn tuyến quận, huyện và xã, phường đa số chỉ nhắc nhở, giáo dục, ít xử phạt nên thiếu tính răn đe, cơ sở dễ tái phạm. Để chấn chỉnh công tác này, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP sẽ triển khai giám sát ở 8 quận, huyện và 8 xã, phường từ ngày 22-4 đến 13-5-2008.

HUỆ HOA (lược ghi)

Chia sẻ bài viết