26/09/2016 - 20:45

Đầu tư lớn, đồng bộ, hiện đại để công nghiệp phát triển xứng tầm

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW (ngày 17-2-2005) của Bộ Chính trị "Về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", TP Cần Thơ đã từng bước thể hiện vai trò trung tâm động lực vùng trên một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực công nghiệp. Mạng lưới các khu, cụm công nghiệp hình thành và từng bước được lấp đầy đã tác động mạnh mẽ đến thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp của thành phố.

* Điểm sáng phát triển

Quyết định 366/QĐ-TTg (ngày 20-3-2009) của Thủ tướng Chính phủ "Về việc ban hành Kế hoạch triển khai tiếp Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17-2-2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ giai đoạn 2009-2015" khẳng định tiếp tục đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố. Cụ thể là: "Phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh, có chất lượng và hiệu quả, tiếp tục nâng dần vị thế công nghiệp thành phố trong công nghiệp của vùng ĐBSCL và cả nước, tạo tiền đề xây dựng và từng bước phát triển một số ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao". Hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 45 và Quyết định 366, các doanh nghiệp (DN) công nghiệp của thành phố có những bước phát triển và tăng tốc để phù hợp với xu thế đổi mới. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) của thành phố đến năm 2015 đã tăng gấp 4 lần so với năm 2005. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp trong giai đoạn 2005-2015 đạt trung bình 15,5% năm. Trên địa bàn thành phố hiện có 8 KCN được quy hoạch, trong đó 5 KCN đang triển khai. Đến nay, các KCN có 223 dự án còn hiệu lực, bao gồm: 211 dự án đang hoạt động, 4 dự án đang xây dựng và 8 dự án chưa triển khai. Các dự án thuê 326,85 ha đất công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.116 triệu USD, vốn đầu tư đã thực hiện 907,9 triệu USD, chiếm 42,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Cảng Cái Cui đang được đầu tư, mở rộng, cung ứng các dịch vụ logistics để phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa cho TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Ảnh: CTV

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, hiện nay, quy mô sản xuất công nghiệp của thành phố giữ vị trí thứ 2 của vùng ĐBSCL, sau Long An và chiếm 17,4% giá trị sản xuất toàn vùng. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến của TP Cần Thơ đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa của vùng, giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông, thủy sản.

Hiện xuất khẩu gạo và thủy sản chiếm hơn 70% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Trong đó, ngành chế biến và xay xát gạo với trên 100 DN tham gia vừa đảm bảo nhu cầu lương thực địa phương và tham gia xuất khẩu. Ông Đỗ Hoàng Thanh, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, cho biết: Trong chiến lược phát triển của mình, Lương thực Sông Hậu vừa tập trung cho thị trường nội địa vừa tham gia xuất khẩu. Ở lĩnh vực xuất khẩu, DN đã phát triển thị trường ở hơn 40 quốc gia trên thế giới. Công ty chủ động đầu tư vùng nguyên liệu chế biến nên sản phẩm được kiểm soát tốt từ đầu vào đến đầu ra, kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để đáp ứng đơn hàng của các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu. Công ty cũng từng bước cải tiến thiết bị công nghệ theo hướng hiện đại để phục vụ chế biến, bảo quản sản phẩm, cải tiến bao bì nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng.

* Nhiều lợi thế chưa được phát huy

Bên cạnh những thành tựu đạt được, lĩnh vực công nghiệp của thành phố vẫn còn không ít những khó khăn, hạn chế. Sự phát triển các khu, cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn, trở ngại, tiến độ kéo dài do thiếu vốn đầu tư, vướng khâu giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư… dẫn đến bỏ lỡ nhiều cơ hội do không có sẵn đất sạch để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Vốn đầu tư cho một số ngành công nghiệp còn hạn chế, chưa có dự án đầu tư sản xuất công nghiệp quy mô lớn, công nghệ hiện đại mang tính chất dẫn dắt, định hướng cho các ngành có liên quan, đặc biệt là ngành công nghiệp phụ trợ vẫn ở vạch xuất phát.

DN tham quan khu vực trưng bày máy nông nghiệp tại Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại TP Cần Thơ. Ảnh: M.H

Theo đánh giá của các sở, ngành thành phố, phát triển công nghiệp của thành phố còn chậm, do xuất phát điểm thấp so với cả nước. Phần lớn DN công nghiệp thành phố có quy mô nhỏ, năng lực tài chính có hạn, chậm đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ; quy mô thị trường trong nước còn nhỏ. Ông Phạm Hoàng Thắng, Giám đốc DNTN Nhựa Hoàng Thắng, chia sẻ: Nhựa Hoàng Thắng hoạt động trong lĩnh vực cơ khí với các sản phẩm công nghiệp đã đăng ký sở hữu trí tuệ như xe phun xịt dung dịch, thiết bị sạ hàng, máy gặt đập liên hợp. Mặc dù nghiên cứu và đưa ra thị trường các sản phẩm trí tuệ nhưng DN chưa mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại như máy tiện CNC, chưa mở rộng quy mô nhà xưởng vì không có đất, không đủ vốn. Một trong những thành tựu đáng kể của Nhựa Hoàng Thắng là chế tạo thành công máy gặt đập liên hợp và đạt nhiều giải thưởng về công nghệ, nhưng sản phẩm không phát triển được do thiếu vốn đầu tư công nghệ để sản xuất hàng loạt nhằm giảm giá thành mà chỉ làm theo hợp đồng khi khách hàng đặt trước.

Để phát triển công nghiệp, TP Cần Thơ cần ưu tiên phát triển các ngành, các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng tri thức, khoa học - công nghệ cao song khả năng thu hút các DN này vẫn còn hạn chế. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP Cần Thơ, trăn trở: Những ngành công nghiệp công nghệ cao gần như chỉ mới manh nha phát triển dù thành phố rất mong muốn thu hút đầu tư, mời gọi DN khoa học công nghệ. Công nghiệp của thành phố vẫn là những ngành chế biến, gia công cần nhiều mặt bằng, nhiều lao động, sử dụng nhiều năng lượng... Chẳng hạn như đầu năm 2016, TP Cần Thơ thu hút được dự án Nhà máy giày của Công ty Teakang (Hàn Quốc) nhưng trên thực tế đây vẫn là ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, góp phần giải quyết việc làm, lấp đầy cho KCN Hưng Phú chứ chưa phải là ngành có hàm lượng công nghệ cao như kỳ vọng của thành phố...

* Kỳ vọng tương lai

Để đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 45 đến năm 2020, thành phố cần phát huy hết những tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh hiện có trong các ngành công nghiệp chế biến nông, thủy hải sản, cơ khí hỗ trợ, cơ khí phục vụ nông nghiệp, hóa chất, phân bón... Bên cạnh thu hút đầu tư doanh nghiệp FDI, thành phố cũng cần có nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực cho các DN đang hoạt động trên địa bàn. Theo ông Phạm Hoàng Thắng, Giám đốc DNTN Nhựa Hoàng Thắng, trong quá trình phát triển, DN ngành cơ khí rất cần các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để đổi mới công nghệ, cải tiến và hoàn thiện sản phẩm trí tuệ, hoàn thiện dây chuyền sản xuất để giảm chi phí, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm. DN cũng kỳ vọng vào việc đổi mới cơ chế chính sách tiếp cận vốn thông thoáng, lãi suất phù hợp đối với các khoản vay trong trung và dài hạn để DN mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ.

Trong các quyết định đầu tư, nhà đầu tư luôn cân nhắc đến các yếu tố về nguồn nguyên liệu, năng lượng, nguồn nước, nguồn lao động, công nghệ hiện đại và thị trường tiêu thụ. Trong đó, công nghệ, thị trường và nguồn nguyên liệu được xem là những yếu tố then chốt mang tính chất quyết định. Theo ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP Cần Thơ, để phát triển ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần phải có DN lớn mang tính chất dẫn dắt, kết nối các ngành nghề có liên quan cùng phát triển, Thành phố cần chú trọng ươm tạo, phát triển DN khoa học công nghệ bằng các nguồn lực sẵn có. Đồng thời, phải có chính sách thu hút các DN FDI về công nghệ vào đầu tư thành phố để tạo ra sự thay đổi về công nghệ thay vì chỉ thu hút DN có công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường, không giải quyết được vấn đề khoa học công nghệ.

Cần Thơ đang dần khẳng định vị trí trung tâm động lực phát triển của vùng ĐBSCL. Muốn lĩnh vực công nghiệp có bước tiến vượt bậc, thu hút được các nhà đầu tư lớn, cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội phải được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, chia sẻ: Để tạo đà phát triển công nghiệp, hệ thống cảng trên địa bàn thành phố đóng vai trò quan trọng khi tham gia tiếp nhận và xuất khẩu hàng hóa cho cả vùng. Vấn đề là luồng cho tàu biển vào sông Hậu phải đảm bảo thông suốt, dịch vụ logistics phải được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Để thu hút được các nhà đầu tư sẵn sàng đến Cần Thơ, thời gian lưu thông từ TP Hồ Chí Minh về Cần Thơ phải được rút ngắn xuống còn 2 tiếng thay vì 3 tiếng rưỡi như hiện nay thông qua việc đầu tư tuyến đường cao tốc kết nối đến TP Cần Thơ. Thành phố đang đầu tư xây dựng sân golf, hệ thống trường học, bệnh viện quốc tế; các trung tâm thương mại, các khu đô thị, nhà ở hiện đại đã và đang hình thành. Những cơ sở hạ tầng này góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường sống hiện đại, đáp ứng nhu cầu ở, vui chơi, giải trí của các DN, chuyên gia nước ngoài khi đến với Cần Thơ. Đây được xem là điểm nhấn quan trọng để nhà đầu tư yên tâm chọn Cần Thơ là nơi gắn bó và đầu tư lâu dài.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết