28/10/2017 - 14:26

Đào tạo nhân lực cho ĐBSCL: Vẫn chờ động thái bứt phá 

Là vựa lúa, nông, thủy sản lớn nhất cả nước nhưng ĐBSCL vẫn chưa thoát khỏi “vùng trũng” giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Giải pháp để phát triển nguồn nhân lực cho đồng bằng lại một lần nữa được đặt ra tại Hội thảo quốc tế “Đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng tiến trình phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL tầm nhìn 2030”, do Trường Đại học (ĐH) Nam Cần Thơ, ĐH Cửu Long phối hợp với Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Malaysia, tổ chức ngày 27-10.

Nghịch lý

PGS.TS Đặng Văn Phan, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Cửu Long, cho biết: “ĐBSCL là vùng có nhiều tiềm năng và đóng góp trong phát triển kinh tế cả nước. Nhưng lại là nơi nghèo, lạc hậu và trình độ học vấn thấp nhất; cơ sở hạ tầng, giao thông, sự thụ hưởng an sinh xã hội kém nhất. Một trong những nguyên nhân là do hạn chế về đào tạo nguồn nhân lực”. Theo PGS.TS Đặng Văn Phan, các con số “biết nói” thể hiện mức độ vênh giữa tiềm năng và nhân lực phục vụ cho vùng. Cụ thể, tỷ lệ học sinh nhập học thấp nhất nước: bậc tiểu học 98,31% (cả nước 99%); THCS 82,6% (cả nước 88,2%); THPT 46,9% (cả nước 59,4%). Vùng có 90 sinh viên ĐH, cao đẳng/vạn dân (cả nước hơn 200 sinh viên/vạn dân); tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi cao nhất cả nước…

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ trong giờ học thực hành. Ảnh: B.KIÊN

Đồng tình quan điểm trên, ông Hoàng Vũ, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực. Tỉnh khuyến khích xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực tất cả lĩnh vực. Nhờ vậy, chất lượng GD&ĐT nâng lên, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT nâng cao; chất lượng lao động từng bước được nâng lên, giai đoạn 2006-2015, mỗi năm đào tạo nghề 23.780 người, nâng tỷ lệ qua đào tạo từ 15% lên 51% (tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 45,31%)... Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh vẫn chưa thực sự phát triển bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, thu nhập bình quân đầu người chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Việc thực hiện các chính sách thu hút nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa thu hút được chuyên gia giỏi có trình độ chuyên môn cao về tỉnh.  GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, ví von: ĐBSCL và Hà Lan có diện tích, dân số gần giống nhau. Nhưng lượng nông sản, thu nhập của người dân của Hà Lan phát triển rất xa so với vùng ĐBSCL. Gốc vấn đề là do GD&ĐT, chất lượng nguồn nhân lực của ĐBSCL từ nông dân đến nhà lãnh đạo vẫn còn thấp, đòi hỏi phải có giải pháp.

Tăng cường đầu tư, liên kết

Phải thừa nhận rằng, thời gian qua, cả hệ thống chính trị nước ta quan tâm tìm giải pháp đưa ĐBSCL thoát khỏi “vùng trũng” GD&ĐT của cả nước, thể hiện qua việc ban hành Nghị quyết 21 và Kết luận số 28 của Bộ Chính trị liên quan giải pháp phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2011-2020; Quyết định 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ... Tuy nhiên, nhận định chung của các đại biểu tại hội thảo, vấn đề GD&ĐT của ĐBSCL vẫn chưa được giải quyết triệt để; đặc biệt ĐBSCL vẫn hụt hẫng nguồn nhân lực chất lượng cao. “Hội thảo này để các đại biểu chung tay hiến kế đào tạo nhân lực ĐBSCL. Bởi, sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, nông dân ĐBSCL vẫn là lực lượng nghèo nhất, mặc dù nhà nước đầu tư lâu dài cho GD&ĐT, người dân đã đầu tư cho con cái học tốt…”- GS.TS Võ Tòng Xuân nói.

Theo Tiến sĩ Bart Van Ahee (Hà Lan), những năm gần đây, ĐBSCL phát triển khá nhanh, nông nghiệp vẫn là gốc rễ phát triển kinh tế đất nước, trong đó cây lúa thích ứng tốt. Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp chất lượng cao, đòi hỏi Việt Nam và ĐBSCL phải đầu tư mạnh, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề theo định hướng phát triển 2030. PGS.TS Đặng Văn Phan cho rằng: Đã đến lúc Đảng, Nhà nước phải đầu tư đột phá cho vùng. ĐBSCL cần xây dựng và hiện thực hóa chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngắn và dài hạn; tăng cường đầu tư ngân sách, vốn, cơ sở vật chất theo hướng giáo dục là quốc sách hàng đầu. Các cấp lãnh đạo cần quy hoạch các trung tâm đào tạo trọng  điểm (ĐH Cần Thơ, ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Đồng Tháp…). Trên cơ sở đó có những đầu tư xứng tầm, liên tục theo định hướng, tiêu chuẩn bằng hoặc hơn các trung tâm đào tạo trong khu vực Đông Nam Á và châu lục.

Các đại biểu nhấn mạnh: Toàn vùng có hơn 40 trường ĐH, cao đẳng; quy mô hàng ngàn sinh viên ở nhiều lĩnh vực đào tạo. Để đẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực cũng như tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục ĐH, bên cạnh đầu tư nguồn lực, cần đẩy mạnh liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa các trường. Theo PGS.TS Phan Phước Hiền, Trường ĐH Nam Cần Thơ, vùng có nhiều trường ĐH nhưng chất lượng chưa tương xứng. Trường có quy mô nhiều nhưng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất còn thiếu. Các trường đa dạng hóa ngành nghề, hình thức đào tạo nhưng vẫn còn trùng lắp... Việc liên kết đào tạo giữa các cơ sở đào tạo không chỉ khắc phục hạn chế trên mà còn khai thác thế mạnh từng trường, chia sẻ nguồn lực, cùng nhau phát triển. Ngoài ra, các trường cần đẩy mạnh phát triển hợp tác quốc tế- nền tảng để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, thể hiện qua Chương trình Mekong 1.000.

PGS.TS Đặng Văn Phan cho rằng: “Cần khuyến khích liên kết đào tạo, trao đổi giảng viên, học thuật, chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ đào tạo tiên tiến với các trường có uy tín trong và ngoài nước nhằm rút ngắn khoảng cách và chất lượng đào tạo. Đồng thời tăng cường mô hình GD&ĐT giữa 3 nhà (nhà trường- doanh nghiệp- nhà giáo) theo đơn đặt hàng từ đơn vị sử dụng lao động. Các trường đa dạng hóa ngành nghề, hình thức đào tạo cần tính đến yêu cầu thực tiễn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại địa phương và hội nhập quốc tế”. 

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết