16/01/2009 - 20:40

Thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Sửu

Còn lắm nỗi lo chất lượng

Những ngày cận Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009, thực phẩm được bày bán hết sức đa dạng phong phú nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhưng điều đáng lo ngại là kết quả của Đoàn kiểm tra liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP - gọi tắt là đoàn kiểm tra) mới đây cho thấy một số cơ sở tung ra những mặt hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Vi phạm tràn lan

Chỉ trong một buổi sáng, đoàn kiểm tra quận Ô Môn kiểm tra 5 cơ sở tại chợ Thới Long đã có 3 cơ sở vi phạm những lỗi nghiêm trọng. Tiệm bánh kẹo XĐ mặt bằng cơ sở khá sạch sẽ, khang trang, các mặt hàng Tết như bánh kẹo, mứt bày bán khá nhiều. Tuy nhiên, khi kiểm tra kỹ, đoàn kiểm tra phát hiện một số chai nước ngọt không để hạn dùng, có những chai có hạn dùng nhưng đã hết hạn từ lâu. Chủ tiệm phân trần: “Hàng Tết nhập về khá nhiều, với lại nước ngọt để trong thùng được dán băng keo nên chúng tôi không thể nào kiểm soát được hết”. Ở tiệm bánh kẹo T, đoàn kiểm tra phát hiện: Thau đựng chanh muối không được che đậy bám đầy bụi; thau đường ruồi bu quanh đặc nghẹt; mứt dâu, mứt me không rõ nguồn gốc; một số chai nước ngọt hết hạn dùng. Đoàn kiểm tra đã đề nghị chủ tiệm hủy số lượng nước ngọt hết hạn ngay tại chỗ.

Tại tiệm tạp hóa L, đoàn kiểm tra cũng phát hiện cửa hàng bán bánh ngọt hết hạn sử dụng đã hơn 15 ngày. Chủ cửa hàng nêu lý do: “Số bánh này mới nhập về hồi đêm hôm vì trời tối nên không thể kiểm tra hạn dùng”. Ngoài ra, có 2 chai nước ngọt hết hạn gần 1 tháng và 3 lốc nước bí đao hết hạn vài ngày.

Tại quán Cầy Tơ CB, đường Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, vệ sinh cơ sở dơ bẩn, những thau thịt cầy không được che đậy, nhiều ruồi, hai lao động trực tiếp đứng bếp nấu nướng nhưng đều không có giấy khám sức khỏe, tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Chủ quán sử dụng giấy phép đăng ký kinh doanh tên của người khác. Ông chủ quán giải thích: “Đây là giấy phép đăng ký kinh doanh của chủ quán cũ. Sau này tôi mới sang quán lại nên không nắm rõ các qui định”. Quán Cầy Tơ CB cũng chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Tuy không có giấy phép kinh doanh rượu nhưng quán vẫn bán các mặt hàng này. Đoàn kiểm tra phát hiện 123 lít rượu gạo và rượu thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu rượu gởi đi xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ.

Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP quận Ô Môn kiểm tra thực phẩm Tết bày bán trong chợ Thới Long. 

Nhiều người chủ quan cứ nghĩ rằng vô quán lớn, quán sang là đảm bảo VSATTP. Thực tế, đoàn kiểm tra phát hiện ngay tại Nhà hàng SQ, đường Trần Phú, phường Cái Khế và CT, đường Trần Văn Khéo, phường Cái Khế, khu vực chế biến có nhiều ruồi, côn trùng.

Tại các cơ sở sản xuất lạp xưởng NT, trên đường Lý Tự Trọng. Ngày 30-12-2008, đoàn kiểm tra đến kiểm tra cơ sở nhưng trên những bịch lạp xưởng thành phẩm lại ghi ngày sản xuất là 1-1-2009. Ngoài ra, trên bao bì không ghi rõ định lượng từng thành phần chế biến lạp xưởng...

Vi phạm vẫn chưa giảm?

Đợt kiểm tra VSATTP Tết Nguyên đán Kỷ Sửu từ ngày 23-12-2008 đến 5-1-2009 ở 8 quận, huyện, đã kiểm tra 291 lượt tại cơ sở sản xuất, nhà hàng ăn uống... Trong đó 61 cơ sở vi phạm đã bị xử phạt 49.400.000đ.

Ông Trần Hữu Bình, Chánh thanh tra Sở Y tế, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết: Tình trạng vi phạm VSATTP chủ yếu là các cơ sở sử dụng nguồn thực phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, nhãn hàng hóa không đúng qui định; cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, chưa tập huấn VSATTP và khám sức khỏe cho nhân viên (chủ yếu là tuyến huyện); thậm chí có cơ sở sản xuất bánh ngọt sử dụng chất phụ gia ngoài danh mục cho phép... Lý giải nguyên nhân vì sao tình hình vi phạm VSATTP còn khá phổ biến trong khi ngành y tế liên tục tổ chức các đợt thanh, kiểm tra. Ông Trần Hữu Bình cho biết thêm: “Ý thức chấp hành các quy định về VSATTP của chủ cơ sở còn kém. Thậm chí một số người sản xuất, chế biến, kinh doanh do chạy theo lợi nhuận đã sử dụng nguyên liệu quá hạn dùng, phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép... Quản lý nhà nước về VSATTP chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, lực lượng kiểm tra VSATTP hiện nay quá mỏng, thiếu phương tiện và kinh phí hoạt động. Riêng tuyến quận, huyện, xã, phường thiếu cán bộ có trình độ chuyên ngành, trong kiểm tra thường áp dụng hình thức giáo dục nhắc nhở, tuyên truyền là chính, ít sử dụng biện pháp xử lý bằng hình thức phạt tiền nên hiệu quả không cao. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận rằng gần đây có nhiều cơ sở có sự tiến bộ trong việc tuân thủ các quy định về VSATTP”.

Ngoài ra, mức xử phạt trong lĩnh vực VSATTP còn nhiều bất cập gây khó khăn cho cơ sở trong việc áp dụng. Hiện nay, ngành y tế TP Cần Thơ áp dụng Nghị định 45/2005/NĐ-CP ngày 06-04-2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Ví dụ qui định mức phạt từ 300.000 - 600.000 đồng tại điểm a, khoản 2, điều 15 về “sản xuất, kinh doanh thực phẩm... ở môi trường không đảm bảo vệ sinh”. Mức phạt này được nhiều cán bộ tham gia kiểm tra đánh giá là quá nhẹ, vì thực tế đây là hành vi có nguy cơ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm lớn. Ngoài ra tại Nghị định này, quy định mức phạt “sản xuất, kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng” từ 10 triệu đến 15 triệu đồng tại điểm g, khoản 5, điều 15 quá cao, khó áp dụng cho những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, lẻ. Ông Trần Hữu Bình cho biết: “Bất cập này chúng tôi cũng đã có phản hồi với Bộ Y tế, hy vọng rằng sớm có những sửa đổi để dễ vận dụng trong quá trình kiểm tra”.

Làm sao lựa chọn thực phẩm an toàn?

Trong dịp Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa dồi dào, nên người tiêu dùng không khỏi phân vân trong chọn lựa. Ông Trần Hữu Bình cho biết: Để chọn mua nguồn thực phẩm, nước giải khát tốt, an toàn, người mua cần lưu ý: với thịt, cá tươi, sờ tay có độ dính của thớ thịt, ấn ngón tay vô thịt (hoặc cá) có độ lõm và đàn hồi ngay, ngửi có mùi đặc trưng của từng loại thịt, không nhớt, không có mùi hôi, có đóng dấu kiểm soát của cơ quan Thú y (thịt gia cầm); với thực phẩm đồ hộp, bao gói, cần chọn loại có nhãn mác rõ ràng, xem kỹ thời hạn sử dụng, không mua sản phẩm bị méo mó, nắp bị phồng, hộp rỉ sét... Đối với hải sản, nên mua loại còn sống vì thực phẩm này dễ bị nhiễm trùng khi đã chết. Trong dịp Tết, người dân cũng ưa sử dụng các loại dưa chua (dưa hành, củ kiệu, dưa cải...), đây là thức ăn có tác dụng rất tốt cho sự tiêu hóa, nhưng tốt nhất nên dùng trong giai đoạn từ 5 - 10 ngày sau khi sản phẩm đã lên men chua.

Riêng đối với rượu, bia, nước giải khát, ông Bình nhấn mạnh người tiêu dùng nên lưu ý đặc biệt đối với loại sản phẩm này. Trong năm 2008, ở TP Cần Thơ có 2 người tử vong do uống rượu có độc chất. Một số người sản xuất rượu vì chạy theo lợi nhuận dùng cồn pha với rượu gạo và nước thành rượu thành phẩm. Vì thế, chỉ nên mua các loại có nhãn mác, thương hiệu, vì loại này thường được sản xuất theo qui trình đảm bảo tiêu chuẩn; không nên dùng loại rượu đế không rõ nguồn gốc, vì sản phẩm này có nhiều tạp chất có hại như Methanol, Formaldehyhe, Furfural, Ester... Cần lưu ý, không nên cho trẻ em uống nhiều nước ngọt có ga, không lợi cho sức khỏe (dễ bị sâu răng, béo phì, chán ăn). Ngoài ra, nhiều loại nước ngọt có sử dụng chất bảo quản, không tốt cho trẻ em, tốt nhất là dùng nước ép trái cây, sữa tươi, sữa đậu nành.

Bài, ảnh: HOÀNG HOA

Chia sẻ bài viết