12/12/2008 - 20:39

Chung sức chăm lo người nghèo

Vợ chồng chú Phạm Trọng Phùng (bìa phải) hỗ trợ gạo cho các cụ neo đơn.

Dù làm nhiều nghề khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung là hướng tới hoạt động từ thiện. Gia đình họ trở thành địa chỉ quen thuộc và là điểm tựa đáng tin cậy để chia sẻ với những hoàn cảnh không may...

Sáng ngày 1-12-2008, trước cổng nhà chú Phạm Trọng Phùng (khu vực Yên Trung, phường Lê Bình, quận Cái Răng) đã nhộn nhịp bởi tiếng cười nói của các cụ già (từ 70 tuổi đến trên 100 tuổi trên địa bàn phường Lê Bình) về đây để nhận gạo định kỳ hàng tháng. Gia đình chú Phùng hiện nhận phụng dưỡng đến cuối đời 30 cụ già neo đơn sống trong phường. Các cụ được gia đình chú Phùng hỗ trợ hàng tháng 10 kg gạo cùng một số nhu yếu phẩm. Nhà của chú Phùng cũng trở thành điểm tựa mỗi khi các cụ có nhu cầu tìm tới, gia đình chú sẵn sàng giúp đỡ. Đây là mô hình đầu tiên của Hội CTĐ phường Lê Bình phối hợp với gia đình chú Phùng tự nguyện nhận phụng dưỡng các cụ đến cuối đời. Theo hợp đồng được thực hiện từ ngày 1-11-2006, Hội CTĐ phường chịu trách nhiệm chọn đối tượng, lập danh sách các cụ từ 70 tuổi trở lên để gia đình chú Phùng giúp đỡ. Trong suốt thời gian phụng dưỡng, nếu có cụ qua đời, Hội CTĐ phường tiếp tục chọn đối tượng khác thay vào danh sách (đủ 30 cụ) để gia đình chú Phùng tiếp tục giúp đỡ...

Các cụ đều có cuộc sống khó khăn, không đất sản xuất, phải làm thuê, làm mướn hoặc bán vé số nuôi thân... Bà Nguyễn Thị Tư, năm nay 81 tuổi đang sống trong căn nhà nhỏ cất nhờ trên phần đất người quen tại khu vực Thạnh Mỹ, phường Lê Bình. Bà Tư bộc bạch: “Tôi có 3 đứa con đã có gia đình riêng, nhưng đứa nào cũng nghèo lo tần tảo nuôi gia đình nên tôi phải làm thuê tự nuôi bản thân. Có được số gạo này giúp tôi no lòng. Tôi rất vui và cảm ơn vợ chồng chú Phùng”. Chú Lê Văn Xen, 84 tuổi, ở khu vực Yên Thuận, trên tay còn cầm xấp vé số. Chú Xen nói: “Hàng ngày tôi bán vài chục tờ vé số tự nuôi bản thân, mỗi tháng có thêm 10 kg gạo, tôi nhẹ lo hơn”.

Chú Phùng cho biết: “Ý tưởng nhận phụng dưỡng các cụ già neo đơn không nơi nương tựa sống ngoài cộng đồng là của anh Trịnh Văn Tặng (cha chồng con gái chú ở Mỹ). Sau chuyến về Việt Nam, thấy còn nhiều người già neo đơn gặp khó khăn, anh Tặng nghĩ ra cách nhận phụng dưỡng đến cuối đời 30 cụ già neo đơn sống ngoài cộng đồng. Hằng tháng, anh Tặng gởi tiền về để vợ chồng tôi mua gạo trao trực tiếp cho các cụ”.

Trước đây, vợ chồng chú Phùng làm nghề sạt bình, cuộc sống chưa dư dả lắm nhưng chú cũng thường tham gia hoạt động từ thiện như: tặng gạo hoặc sạt bình miễn phí cho người nghèo. Từ năm 2002 đến nay, cô con gái lớn của chú Phùng gởi tiền về để chú mua gạo, thịt heo và nhu yếu phẩm tặng cho người nghèo vào dịp Tết Nguyên đán, hay đóng góp vào nguồn quỹ của địa phương, gồm: Quỹ tấm lòng vàng, quỹ đền ơn, đáp nghĩa, quỹ khuyến học... Bên cạnh đó, chú Phùng còn hiến gần 1.500 m2 đất của gia đình để địa phương làm đường giao thông.

Người dân ở hẻm 5, khu vực Yên Hòa, phường Lê Bình, quận Cái Răng, không thể quên tấm lòng của vợ chồng anh Lê Hoàng Vũ đã hỗ trợ 78 triệu đồng cho địa phương nâng cấp, láng nhựa hẻm 5. Con hẻm này trước đây rất lầy lội xuống cấp. Bà Ngô Mỹ Nga, Chủ tịch Hội CTĐ phường Lê Bình, cho biết: “Năm 2008, Hội CTĐ phường thực hiện được 3 công trình giao thông nông thôn, tổng trị giá gần 90 triệu đồng, tại khu vực Yên Hòa, Thạnh Mỹ và Yên Thuận. Trong đó, ngoài số tiền trợ cấp xây dựng hẻm 5, khu vực Yên Hòa, vợ chồng anh Vũ còn đóng góp 5 triệu đồng xây dựng hẻm 1, khu vực Yên Thuận; hỗ trợ 5 triệu đồng để Hội Nông dân khu vực Yên Bình nâng cấp đường Lý Thường Kiệt. Anh Vũ cũng sẵn lòng hỗ trợ từ 500.000 đến 1 triệu đồng mỗi khi chúng tôi đến vận động quyên góp cho các phong trào ở địa phương. Mới đây, anh Vũ hỗ trợ 5 triệu đồng cho Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng khám mắt miễn phí cho trẻ em nghèo trong quận...”. Ngoài ra, anh Vũ còn hỗ trợ 7,5 triệu đồng xây dựng nhà thông tin ấp Nhơn Thuận 1 và bắc mới cây cầu Xà No, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A (Hậu Giang). Có lần, con anh bị bệnh phải nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ dài ngày. Thấy bệnh nhi Khoa tai- mũi- họng đến khám bệnh, đo điện tim quá đông mà thiết bị của bệnh viện không đáp ứng kịp thời, sau khi con xuất viện, vợ chồng anh Vũ liền tặng cho bệnh viện một máy đo điện tim, trị giá 17 triệu đồng.

Anh Lê Hoàng Vũ cho biết: “Quê tôi ở Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) rất nghèo. Năm 1982, tôi lập gia đình cuộc sống rất khó khăn, vợ chồng tôi phải đến cất nhà tạm ở đậu gần chợ Cái Răng. Hiện nay, tuy chưa phải giàu có lắm, nhưng cảm thông với hoàn cảnh của người nghèo, những cảnh đời bất hạnh nên vợ chồng tôi tham gia làm từ thiện”.

Xuất thân từ gia đình đặc biệt khó khăn, cô Lê Thị Nhứt, ở khu vực Yên Trung, phường Lê Bình, thấu hiểu và thông cảm cuộc sống của người nghèo khó. Khi đã có cuộc sống khá hơn cô muốn làm một việc gì đó giúp người nghèo. Năm 2007, sau khi tham gia Hội CTĐ phường Lê Bình, cô Nhứt đã tặng gần 2,5 tấn gạo cho người già cô đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi.... Từ đầu năm 2008 đến nay, cô Nhứt đã hỗ trợ cho người nghèo 7 tấn gạo, trị giá khoảng 75 triệu đồng. Từ năm 2004 đến nay, căn nhà cô Nhứt luôn là chỗ dựa đáng tin cậy của người nghèo thường lui tới nhờ cô giúp đỡ. Có người ở tận xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền hoặc ở phường Hưng Thạnh, Hưng Phú cũng đến nhờ cô giúp đỡ. Hễ ai khó khăn là cô Nhứt sẵn sàng tặng cho họ từ 5kg đến 10 kg gạo. Cô Nhứt cho biết: “Hiện nay, khoản tiền các con cho hàng tháng, tôi trích một phần để giúp lại người nghèo. Tết Nguyên đán này, tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Hội CTĐ phường Lê Bình tặng 5 tấn gạo cho người nghèo cùng vui xuân đón Tết”.

Không chỉ cô Nhứt, chú Phùng, anh Vũ mà ở phường Lê Bình, quận Cái Răng còn rất nhiều và nhiều mạnh thường quân có một điểm chung là sẵn lòng chia sẻ, luôn quan tâm giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: KIM XUÂN

Chia sẻ bài viết