03/04/2009 - 20:42

Chớ coi thường “bà hỏa”!

Cùng với tốc độ đô thị hóa, các khu dân cư mọc lên như nấm, các doanh nghiệp mới thành lập ngày càng nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hộ dân, doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến công tác an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Điều này làm tăng nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, thiệt hại tài sản, tiền bạc của người dân... Chỉ tính từ đầu năm 2009 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 10 vụ cháy, làm thiệt hại hơn 1,3 tỉ đồng.

* Tiền tỉ... sao lại chủ quan

Để mở một doanh nghiệp, số tiền vốn bỏ vào có đến hàng trăm, hàng tỉ đồng. Nhưng nhiều doanh nghiệp lại thiếu ý thức quan tâm đến công tác PCCC, cũng đồng nghĩa dửng dưng với số vốn mình đầu tư kinh doanh.

Trong công tác phòng cháy, Đội chữa cháy cơ sở rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Nếu đội chữa cháy cơ sở hoạt động hiệu quả, có thể giảm nguy cơ cháy nổ rất nhiều lần cho doanh nghiệp. Vụ cháy ở Công ty TNHH Phương Duy là một điển hình. Đội chữa cháy cơ sở của công ty này chỉ hoạt động ở mức độ trung bình, công ty chưa xây dựng phương án PCCC. Khi cháy xảy ra, do cháy cồn, lửa phực lên rất nhanh, trong khi đội chữa cháy không được thực hành thường xuyên nên lúng túng, không kịp trở tay.

Chúng tôi có mặt tại Công ty TNHH sản xuất, in bao bì Mekong vào buổi sáng nhưng bên trong xưởng sản xuất, sức nóng vẫn hắt ra dữ dội từ những chiếc máy dập, máy cắt... hoạt động liên tục. Để giảm nhiệt độ cho những chiếc máy dập, máy cắt... những chiếc quạt hoạt động hết công suất được kê sát những chiếc máy này. Điều đáng nói là những chiếc quạt được câu nối điện một cách tạm thời bằng những sợi dây điện mỏng mảnh, có đoạn còn chắp nối, quấn bằng băng keo. Có những chiếc quạt mất cả khung bảo vệ, cánh quạt để sát một đống rác toàn những chất dễ cháy. Khi cơ quan chức năng hỏi đến hồ sơ về phòng cháy chữa cháy thì người quản lý công ty cho biết: Đây là nhà xưởng tạm nên công tác đầu tư cho PCCC còn hạn chế. Hiện tại công ty đang xây dựng trụ sở tại một nơi khác, trong quá trình xây dựng, công ty sẽ quan tâm đến vấn đề này. Qua kiểm tra thực tế, cán bộ kiểm tra Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Cần Thơ đề nghị công ty phải khắc phục hệ thống điện trong nhà xưởng. Các thiết bị điện cần bố trí, sắp xếp theo đúng yêu cầu kỹ thuật... và cán bộ kiểm tra lưu ý, công ty đi vào hoạt động đã 4 năm, mặc dù là nhà xưởng tạm nhưng vẫn phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về PCCC.

Tại Công ty cổ phần Bia- nước giải khát Cần Thơ, công tác PCCC được quan tâm hơn. Mặc dù các quyết định thành lập đội chữa cháy chưa đúng quy định, nhưng đội chữa cháy có kiểm tra định kỳ hàng tháng về công tác PCCC. Cơ quan cũng chưa ban hành nội quy, tiêu lệnh về công tác PCCC, đội PCCC chưa được huấn luyện nghiệp vụ về công tác PCCC. Đơn vị kiểm tra ghi nhận ở khu vực sản xuất, tình trạng đường dây điện xuống cấp nhưng chưa được công ty thay mới. Tại khu vực để sử dụng máy hàn, máy cắt và một số nơi trong khu vực sản xuất, điện được câu nối không đúng yêu cầu kỹ thuật, còn nối trực tiếp vào thiết bị sử dụng, không có chuôi cắm rất nguy hiểm. Theo một số công nhân ở đây thì trong lúc hàn, cắt, tia lửa điện bắn ra cũng đã gây cháy giẻ lau để xung quanh, nhưng được dập tắt kịp thời. Phòng cảnh sát PCCC đã kiến nghị công ty phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện tại cơ sở, mọi hư hỏng hoặc thay đổi phải tuân thủ đúng tiêu chuẩn ngành điện.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Cần Thơ kiểm tra thao tác sử dụng bình chữa cháy của nhân viên Công ty TNHH sản xuất, in bao bì Mekong.
Ảnh: S.H

Nhà thông tin khu vực 4, phường Thới Bình đã án ngữ một phần con hẻm gây khó khăn trong công tác PCCC.
Ảnh: M.H

Đại úy Kiều Cao Thiêm, Phó đội Trưởng Đội Hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC thuộc Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Cần Thơ, cho biết: Để đảm bảo an toàn PCCC, các doanh nghiệp cần tiến hành ngay việc lập phương án PCCC, củng cố, xây dựng mới các đội PCCC cơ sở. Lãnh đạo các doanh nghiệp có quan tâm, đầu tư cho công tác PCCC như vậy mới hạn chế được sự cố cháy, nổ xảy ra. Hiện nay, tại các khu công nghiệp vẫn thiếu nhiều trụ nước và bến lấy nước chữa cháy, điều này rất nguy hiểm một khi sự cố cháy, nổ xảy ra...

* Thiếu nước chữa cháy

Khu dân cư khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều với những dãy nhà san sát liền kề nhau, hệ thống dây điện được giăng mắc, câu nối khá chằng chịt. Theo quan sát của chúng tôi, toàn khu dân cư không có một trụ nước chữa cháy nào. Chú Hai Thiêm, ở khu dân cư này cho biết: “Chúng tôi chưa được tuyên truyền về công tác PCCC, trong khu dân cư cũng không ai trang bị phương tiện PCCC. Tui rất sợ khi có hỏa hoạn xảy ra, không biết ứng phó như thế nào?”. Một người dân ở khu vực 5 cho biết: “Chúng tôi cũng đang lo lắng về công tác PCCC ở khu dân cư. Trụ nước chữa cháy cũng như phương tiện chữa cháy chưa có, nước sinh hoạt hàng ngày chảy khá yếu, có khi không có nước, khoảng 9-10 giờ đêm mới có nước để sử dụng. Nếu xảy ra cháy không biết kiếm nước đâu ra để chữa cháy”.

Khu dân cư tự phát ở đường Cái Sơn- Hàng Bàng, phường An Bình cũng nằm trong tình trạng “báo động đỏ”. Tại những khoảng đất trống của khu dân cư tổ 9, phường An Bình, lau sậy mọc um tùm. Hiện nay, đang vào mùa khô, trời nắng gắt, lau sậy bị khô héo, chỉ cần một tàn thuốc cũng có thể gây cháy. Trong khu dân cư lại không có trụ nước chữa cháy, không có ao, hồ chứa nước dự trữ. Chú Hai Cương, người dân ở đây cho biết: “Đây là khu dân cư tự phát, không trang bị phương tiện PCCC, người dân phải biết cách tự đề phòng. Cách đây 1 tháng, đám sậy gần nhà tôi bị cháy, may là được dập tắt kịp...”.

Vụ cháy xảy ra tại nhà bà Nguyễn Thị Nâu (ở dãy B, khu dân cư Phú An (586) thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ), lúc 14 giờ 15 phút ngày 2-3-2009, làm thiệt hại tài sản 10 triệu đồng là một cảnh báo đối với các khu dân cư đã và đang xây dựng. Đại úy Kiều Cao Thiêm, Phó đội Trưởng Đội Hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC, cho biết: “Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 586 đã không thông qua thẩm duyệt thiết kế phương án PCCC. Việc thiết kế nhà kiểu tường ngăn cách giữa hai nhà còn khoảng trống giáp mái, gây khó khăn cho lực lượng chữa cháy khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Bên cạnh đó, công ty không lắp đặt trụ nước chữa cháy trong khu dân cư, không xây dựng bể nước ngầm. Vụ cháy xảy ra ngày 2-3-2009 vừa qua rất may là căn nhà bị cháy nằm gần trạm cấp nước của công ty, nếu nằm ở các dãy khác, chúng tôi không biết lấy nước đâu để chữa cháy”.

* Không chừa đường cho xe cứu hỏa!

Thực trạng về công tác PCCC ở các khu dân cư trong hẻm trên địa bàn TP Cần Thơ thời gian qua cho thấy các hẻm nhỏ xe chữa cháy vào không được đã đành, nhưng một số hẻm lớn xe chữa cháy cũng không vào được, như một số hẻm ở đường Mậu Thân, đường 3 Tháng 2... Phía trước mỗi hẻm có ngay một barie chắn ngang không cho xe 4 bánh vào vì sợ hư đường. Khi có sự cố cháy nổ xảy ra, xe chữa cháy không vào được, lực lượng chữa cháy phải mất nhiều thời gian mới tiếp cận được đám cháy. Vụ cháy nhà ở hẻm 17, đường Trần Hoàng Na, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, là một điển hình. Khi nhận tin báo cháy, xe chữa cháy lập tức có mặt ngay đầu hẻm, nhưng một barie đã án ngữ ở đó, làm xe chữa cháy không vào được, buộc lực lượng dân phòng phải bẻ gãy barie để xe chữa cháy vào chữa cháy. Vụ cháy gần đây xảy ra vào rạng sáng 23-3-2009, ở hẻm 85 đường Phạm Ngũ Lão. Tuy con hẻm khá rộng, nhưng phía trước hẻm lại bị Nhà thông tin khu vực 4, phường Thới Bình án ngữ, làm xe chữa cháy vào không được. Lực lượng cứu hỏa phải mất nhiều thời gian triển khai đội hình tiếp nước để dập tắt đám cháy.

Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ còn rất nhiều hẻm nhỏ, các hẻm này lại khá dài, các hộ dân thì không được trang bị thiết bị PCCC, không có bể lấy nước chữa cháy. Do đó, mỗi khi xảy ra hỏa hoạn thì lực lượng chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn trong việc lấy nước chữa cháy và triển khai đội hình chữa cháy.Vụ cháy xảy ra vào ngày 29-1-2009, tại hẻm 68/43 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Cái Khế, lực lượng chữa cháy rất khó khăn để triển khai đội hình chữa cháy, bởi nơi xảy ra cháy phải vào hẻm quá sâu, trong hẻm lại không có bể nước ngầm, lực lượng chữa cháy phải lấy nước từ trụ nước chữa cháy ở đường Cách Mạng Tháng Tám, và triển khai đường ống chữa cháy dài khoảng 300-400m, nên sau hơn 1 giờ đồng hồ mới có thể dập tắt đám cháy.

Nói về nguyên nhân gây cháy, Thượng tá Trần Đức Đình, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Các vụ cháy xảy ra tại khu dân cư đa số là do chập điện. Người dân sử dụng điện không biết kiểm tra, cứ thấy ở đâu tiện là câu móc điện ở đó, làm quá tải đường dây điện, gây chập điện dẫn đến cháy. Bên cạnh đó, đáng lo ngại nhất hiện nay là đa số các khu dân cư mới đều không có phương án chữa cháy, không có bể nước ngầm dự phòng, không có phương tiện chữa cháy...”. Theo quy định, việc xây dựng phương án chữa cháy tại khu dân cư là do UBND phường phụ trách, nhưng theo đơn vị chức năng thì hiện nay chưa phường nào làm. Nếu việc xây dựng phương án chữa cháy tại khu dân cư khó khăn thì UBND phường cũng nên liên hệ với Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Cần Thơ để được hướng dẫn chứ đừng bỏ qua, sẽ rất nguy hiểm khi có sự cố xảy ra, đặc biệt là ở những khu dân cư tự phát. Lẽ thường khi chưa xảy ra cháy nổ thì công tác phòng ngừa chưa được các đơn vị, cá nhân quan tâm đúng mức. Đến khi gặp sự cố hỏa hoạn thì hậu quả thật khó lường. Vì vậy, để công tác phòng chống cháy nổ đạt hiệu quả, cần có sự đồng tâm hiệp lực của cộng đồng: Nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy bằng các biện pháp đồng bộ, làm thế nào để mọi người không thể coi thường “bà hỏa”!

SƠN HÀ- MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết