09/03/2017 - 20:42

Chi phí sản xuất tăng, nông dân thêm gánh nặng

Nông dân TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đang bước vào vụ sản xuất hè thu sớm 2017 với nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các yếu tố thời tiết, sâu bệnh diễn biến phức tạp. Gần đây, giá phân bón và nhiều chi phí sản xuất đầu vào lại tăng cao, nông dân thêm nặng gánh.

Giá phân bón tăng

 Mua bán phân bón tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Hiện giá nhiều loại phân bón trên thị trường như: Urê, DAP, NPK… tăng bình quân 20.000-100.000 đồng/bao 50kg so với thời điểm mới bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân 2016-2017. Cụ thể, tháng 11-2016, giá đạm Cà Mau (Urê Cà Mau) và nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc và Indonesia chỉ ở mức 270.000- 290.000 đồng/bao 50 kg nhưng nay đã tăng lên mức 370.000- 390.000 đồng/bao. Giá bán lẻ Urê Phú Mỹ (Việt Nam) từ mức 300.000 đồng/bao, nay lên mức 390.000-400.000 đồng/bao. Các loại phân bón DAP, NPK và kali tăng không cao bằng Urê, nhưng giá bán lẻ trên thị trường đang rất cao.

Tại nhiều đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, phân bón DAP (Pháp, loại hạt đen) có giá 670.000-680.000 đồng/bao, DAP (Philippines) 640.000-650.000 đồng/bao, DAP (Trung Quốc, loại xanh hồng hà) có giá 543.000-550.000 đồng/bao. Giá phân bón NPK 20-20-15 TE Đầu Trâu khoảng 625.000-635.000 đồng/bao, NPK 20-20-15 Đầu Trâu 600.000-610.000đồng/bao, NPK 20-20-15 Cò Pháp: 620.000-630.000 đồng/bao; NPK 16-16-8 Việt Nhật 490.000-500.000 đồng/bao. Giá các loại phân bón Kali (Canada, Israel, Nga, Úc) ở mức phổ biến từ 390.000- 420.000 đồng/bao; Super lân (Long Thành) 160.000-170.000 đồng/bao.

Thời gian qua, giá than đá và nhiều loại nguyên liệu, chi phí đầu vào phục vụ cho sản xuất phân bón tăng đã tác động trực tiếp đến giá thành sản xuất các loại phân bón trong nước. Trong khi đó, giá nhiều loại phân bón nhập khẩu cũng tăng mạnh, do giá thế giới tăng và nguồn cung có dấu hiệu giảm trên qui mô toàn cầu. Đặc biệt, Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đang giảm sản lượng sản xuất và xuất khẩu phân bón. Nhu cầu tiêu thụ phân bón tại ĐBSCL và nhiều địa phương trong nước đang tăng do bước vào vụ sản xuất hè thu 2017 cũng góp phần đẩy giá phân bón nhích lên. Theo ông Huỳnh Ngọc Anh, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Mỹ Ngọc, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, cho biết: "Hằng năm, nông dân thường tăng lượng bón phân cho nhiều cây trồng trong vụ hè thu, nhất là đối với cây lúa. Tuy nhiên, nguồn cung phân bón trong nước đang rất dồi dào, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu. Điều này làm hạn chế tối đa sự tăng giá của nhiều loại phân bón thời gian qua".

Giá phân bón hiện không tăng thêm, nhưng với mặt bằng giá hiện tại là khá cao, tạo thêm áp lực cho nông dân. Trong vụ hè thu, thời tiết nắng nóng gây bất lợi cho sự phát triển của cây trồng, nông dân phải tăng lượng phân bón cho nhiều loại cây và tốn thêm các chi phí tưới nước, chăm sóc, phòng trị sâu bệnh. Trong khi đó, giá xăng giảm nhẹ trở lại so với trước nhưng vẫn còn ở mức khá cao. Giá điện và nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật tiếp tục duy trì ở mức khá cao. Giá thuê mướn nhân công, giá lúa giống và một số loại giống cây trồng cũng nhích giá lên so với trước, do ảnh hưởng bởi mặt bằng giá chung và các điều kiện sản xuất bất lợi.

Nông dân lo hiệu quả sản xuất

Vụ đông xuân 2016-2017, sản xuất lúa gặp nhiều yếu tố thời tiết bất lợi và lúa bị đổ ngã trong giai đoạn thu hoạch đã khiến năng suất lúa của nhiều hộ dân bị giảm mạnh. Kết quả, dù lúa bán được giá cao hơn mọi năm, nhưng lợi nhuận giảm mạnh. Theo nhiều nông dân sản xuất lúa ở TP Cần Thơ, vụ đông xuân năm trước, nhờ lúa trúng mùa, nông dân lợi nhuận từ 2-3 triệu đồng/công lúa trở lên, còn năm nay chỉ đạt khoảng 1-1,7 triệu đồng/công, giảm gần 50%. Những bất lợi của vụ đông xuân đang kéo dài đến vụ hè thu 2017, nhất là tác động kép của các yếu tố thời tiết bất lợi và chi phí sản xuất đầu vào tăng cao. Trong khi đó, giá cả sản phẩm đầu ra trong thời gian tới vẫn còn là "ẩn số".

Ông Đặng Văn Đấu, ngụ phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, có 40 công lúa gieo sạ vụ hè thu 2017 được hơn 20 ngày, cho biết: "Vụ đông xuân vừa rồi, mỗi công lúa của tôi chỉ bón khoảng 30-35 kg phân bón các loại, nhưng vụ này dự kiến phải tăng lên khoảng 60 kg vì thời tiết nắng nóng, lúa không tốt và bón trừ hao lượng phân bị bốc hơi. Tôi còn phải bơm nước tưới cho ruộng lúa ít nhất khoảng 7-8 lần và phải tăng cường phòng trị các loại sâu bệnh nguy hiểm trên lúa như: rầy nâu, muỗi hành, bù lạch… Ước chi phí đầu tư cho sản xuất lúa vụ này tăng khoảng 300.000 đồng/công so với vụ trước, lên ở mức từ 2,4-2,5 triệu đồng/công. Chi phí tăng nhưng vụ hè thu năng suất lúa khó đạt cao nên nông dân rất kỳ vọng lúa bán được giá". Ông Trương Văn Triệu, ngụ xã Trường Long, huyện Phong Điền, cũng cho biết: "Nhiều chi phí sản xuất đầu vào tăng, thời tiết bất lợi và khả năng giữ nước hạn chế của nhiều ruộng lúa, sản xuất lúa trong vụ hè thu này rất nặng chi phí nhưng năng suất khó đạt cao. Không làm lúa thì nông dân không biết làm gì để có thu nhập. Nếu bỏ đất trống, cỏ sẽ mọc đầy, ảnh hưởng đến chi phí làm đất cho vụ sản xuất sau. Chuyển sang trồng các loại rau màu thì không có nhân công và sợ không đạt hiệu quả do thời tiết bất lợi và lo giá cả đầu ra không thuận lợi".

Trên thực tế, giá phân bón tăng cao đã và đang có tác động rõ nét làm tăng giá thành sản xuất lúa của nông dân tại ĐBSCL-vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa xuất khẩu chủ lực của cả nước. Do vậy, các cấp, các ngành chức năng cần kịp thời quan tâm có giải pháp bình ổn giá phân bón và hỗ trợ nông dân thực hiện tốt các biện pháp nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và chủ động chuyển đổi sản xuất cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết