27/10/2009 - 20:37

Các dự án tồn đọng trước năm 2003 chưa quyết toán:

Cần xử lý kiên quyết những đơn vị cố tình không tuân thủ quy định

Theo quy định, các dự án, công trình thực hiện từ vốn ngân sách phải thực hiện quyết toán sau khi hoàn thành, hoặc tạm ngưng có lý do. Đây là khâu cuối cùng, nhưng cũng là một khâu quan trọng trong quá trình thực hiện công tác xây dựng cơ bản. Thế nhưng, hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn rất nhiều dự án chưa quyết toán theo quy định; trong đó có những dự án thực hiện từ trước năm 2003... khiến công tác quản lý ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn.

KHÔNG CHỊU QUYẾT TOÁN

Cầu Quang Trung đã đưa vào sử dụng nhiều năm nay, nhưng dự án vẫn chưa nộp hồ sơ quyết toán theo quy định.

Từ năm 2005 đến nay, hầu như năm nào HĐND thành phố cùng Ban Kinh tế và Ngân sách cũng thực hiện các cuộc giám sát về vấn đề quyết toán của các công trình, dự án (gọi chung là dự án) thực hiện từ vốn ngân sách. Qua giám sát, HĐND đã nhiều lần đề nghị Thường trực UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện việc quyết toán các dự án theo quy định, thế nhưng việc quyết toán của các dự án, nhất là các dự án tồn đọng từ trước năm 2003 đến nay vẫn chưa được thực hiện triệt để.

Thống kê của Sở Tài chính vào đầu năm 2009 cho thấy thành phố còn 140 dự án tồn đọng trước năm 2003 chưa quyết toán. Một số sở ngành có nhiều dự án tồn đọng chưa quyết toán là: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Chi cục Thủy sản,... Mặc dù UBND thành phố chỉ đạo quyết liệt, Sở Tài chính cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn, yêu cầu... nhưng tính đến thời điểm hiện tại, chỉ mới có 52/140 dự án được quyết toán; 16 dự án đang gởi hồ sơ để Sở Tài chính xem xét thực hiện thủ tục quyết toán. Còn đến 72 dự án các chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ quyết toán theo quy định, tập trung ở các đơn vị, như: Ban Quản lý dự án Đầu tư xây Dựng giao thông (5 dự án), Sở Lao động Thương binh và Xã hội (10 dự án), Sở Xây dựng (8 dự án),... Cá biệt, có những dự án đến nay Sở Tài chính vẫn chưa xác định được chủ đầu tư để “đòi” hồ sơ quyết toán. Theo ông Võ Thành Thống, Giám đốc Sở Tài chính, nguyên nhân chính của tình trạng chậm quyết toán là do các dự án thực hiện quá lâu, trong quá trình chia tách tỉnh Cần Thơ, nhân sự ở nhiều đơn vị có sự thay đổi nên công tác bàn giao, quản lý hồ sơ chưa chặt chẽ, dẫn đến việc hồ sơ không đầy đủ để có thể lập báo cáo quyết toán theo yêu cầu, thậm chí có trường hợp hồ sơ thất lạc. Bên cạnh đó, một số nhà thầu, đơn vị tư vấn đã chia tách, giải thể; một số tổ chức sở, ngành cũng chia tách, sáp nhập... nên việc quyết toán khó khăn. Ngoài ra, còn do một số chủ đầu tư thiếu chủ động và chưa nỗ lực tập trung quyết toán... Ông Võ Thành Thống cho biết: Tình trạng các dự án chậm quyết toán đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý ngân sách nhà nước trên địa bàn. Đồng thời, cơ quan chức năng không có cơ sở xác định việc sử dụng đúng mục đích nguồn vốn bố trí ban đầu cũng như quá trình chi xuất có đảm bảo các quy định trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Tại buổi giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố với Sở Tài chính mới đây, đa số thành viên đoàn giám sát đề nghị lãnh đạo thành phố cần khẩn trương và quyết liệt hơn trong việc áp dụng các biện pháp chế tài đối với những chủ đầu tư chậm thực hiện quyết toán dự án. Bà Trần Thị Kim Một, đại biểu HĐND thành phố, nói: “Việc phải quyết toán các dự án theo quy định đã được HĐND thành phố đưa vào nghị quyết và yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài chính và các ngành, đơn vị có liên quan thực hiện nhưng việc chấp hành nghị quyết chưa nghiêm, tiến độ thực hiện quyết toán quá chậm. Đề nghị UBND thành phố xem xét tìm cách nào để giải quyết dứt điểm tình trạng các dự án tồn đọng”.

CẦN BIỆN PHÁP “MẠNH”

Để tạo “lối mở” cho các dự án tồn đọng nhiều năm chưa quyết toán do thiếu hồ sơ, Sở Tài chính đã xin ý kiến và được Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quyết toán đối với các dự án tồn đọng do nguyên nhân này. Theo đó, chấp nhận quyết toán đối với những dự án thiếu hồ sơ nhưng chủ đầu tư có văn bản nêu rõ nguyên nhân và cam kết chịu trách nhiệm về hồ sơ bị thiếu; đồng thời đề xuất biện pháp giải quyết. Lãnh đạo Sở Tài chính cho biết: “Văn bản của Bộ Tài chính sẽ giúp các nhà đầu tư thuận lợi rất nhiều trong quá trình quyết toán. Thế nhưng, mặc dù Sở đã triển khai vấn đề này đến các chủ đầu tư, đồng thời đã 3 lần ban hành văn bản quy định thời hạn nộp hồ sơ quyết toán, nhưng đến nay, vẫn còn đến 72 chủ đầu tư có dự án chậm quyết toán không chấp hành”. Việc các chủ đầu tư cố tình kéo dài thời gian, làm cho không ít đại biểu đặt vấn đề: Có hay không có tiêu cực, lãng phí, thất thoát ngân sách trong các dự án chậm quyết toán này?

Để giải quyết tình trạng “chây ì” của các nhà đầu tư trong việc quyết toán dự án, ông Võ Thành Thống cho biết Sở Tài chính đã có công văn đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Kho bạc Nhà nước Cần Thơ tất toán (không thực hiện thanh toán tiếp) 52 dự án đã được thẩm tra phê duyệt, đồng thời tiếp tục hướng dẫn các đơn vị bổ sung hồ sơ, thủ tục để thẩm tra quyết toán 16 dự án đã nộp hồ sơ. Riêng đối với 72 dự án không lập hồ sơ quyết toán theo quy định, Sở Tài chính đề nghị UBND thành phố thu hồi kinh phí đã cấp phát để hoàn cho ngân sách. Ông Lê Văn Thơ, đại biểu HĐND thành phố, thành viên Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố, đề nghị: “Đối với các dự án thật sự khó khăn, thì chủ đầu tư hoặc đại diện sở, ngành, đơn vị phải báo cáo rõ ràng “lý lịch” của dự án, nêu nguyên nhân vì sao không quyết toán được, nếu thấy chính đáng, thì báo cáo đề xuất HĐND thành phố xem xét quyết định theo hướng hủy bỏ dự án đầu tư, “xóa nợ” để cho ngân sách thành phố được rõ ràng hơn. Ông Lê Văn Thơ đề nghị UBND thành phố cần có chế tài đối với các đơn vị này, cụ thể đối với các chủ đầu tư nào chưa quyết toán các dự án tồn đọng trước thì kiên quyết không giao thực hiện thêm dự án đầu tư xây dựng mới”.

Việc giải quyết quyết toán cho các dự án tồn đọng trước năm 2003 là việc phải làm, nhưng đây sẽ là bài học lớn cho các chủ đầu tư, cũng như các sở ngành có liên quan trong quá trình thẩm định, phê duyệt cũng như kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các dự án đầu tư. Để hạn chế tình trạng các dự án tồn đọng, khó quyết toán, nhiều ý kiến đề nghị các sở ngành có liên quan cần tăng cường quản lý, kiểm tra thủ tục ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đúng trình tự và đầy đủ thủ tục theo quy định, tránh tình trạng đến khi dự án hoàn thành, lập hồ sơ quyết toán thì thiếu, hoặc sai quy trình, thủ tục, khó quyết toán. Một đại biểu HĐND thành phố đề xuất: “Song song với việc chỉ đạo các ngành chức năng đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư lập hồ sơ, thực hiện thủ tục quyết toán, thành phố cần thực hiện ngay các biện pháp xử phạt, chế tài đối với những chủ đầu tư hoặc nhà thầu chưa thực hiện nghiêm túc việc quyết toán công trình, theo tinh thần công văn số 1142/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể: không giao dự án đầu tư mới cho chủ đầu tư có 3 dự án trở lên vi phạm quy định về thời gian lập báo cáo quyết toán và không cho phép nhà thầu tham gia đấu thầu dự án mới trên địa bàn khi chưa hoàn thành quyết toán dự án đã thực hiện hoàn thành theo quy định mà lỗi thuộc về các nhà thầu. Có kiên quyết như thế mới răn đe những chủ đầu tư và nhà thầu cố tình không tuân thủ các quy định của nhà nước”.

Bài, ảnh: THỤY KHUÊ

Chia sẻ bài viết