06/05/2010 - 20:46

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng

Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ

Sau khi cầu Cần Thơ đi vào hoạt động, giao thông các tỉnh ĐBSCL thuận tiện, thông suốt, TP Cần Thơ trở thành điểm đến của nhiều du khách. Đời sống của người dân thành phố sắp tới sẽ khởi sắc hơn nhờ sự phát triển của các dịch vụ du lịch, nhưng đồng thời thành phố phải quan tâm hơn vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, ngăn ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm. Để đảm bảo ATVSTP trong tình hình mới, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm và Chi cục Thú y TP Cần Thơ đã đề ra các giải pháp đồng bộ, thiết thực.

Bà Trần Thị Kim Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Cần Thơ: Kiến thức ATVSTP của người kinh doanh, cũng là tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp

Từ đầu năm 2010, Chi cục ATVSTP đảm nhận công tác quản lý cấp phép cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, trước đây công tác này do Trung tâm Y tế dự phòng thực hiện. Chi cục đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu có 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Hiện nay, các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chế biến, hệ thống nhà hàng - khách sạn và cả cơ sở thức ăn đường phố đang phát triển tỷ lệ thuận với đà phát triển của thành phố - một đô thị trung tâm vùng ĐBSCL. Để làm tốt công tác quản lý ATVSTP trong tình hình mới, Chi cục xác định phải đơn giản hóa thủ tục cấp chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, để người làm ăn sớm hoàn tất hồ sơ đăng ký kinh doanh, đồng thời, vẫn coi trọng công tác tập huấn kiến thức ATVSTP kết hợp với giải pháp thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở để người sản xuất, kinh doanh thực sự quan tâm vấn đề ATVSTP, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, coi đó là tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp.

Thực tế, thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trong thành phố đã vi phạm các quy định về ATVSTP, bị Thanh tra Sở Y tế kiểm tra, xử phạt hành chánh, tập trung vào các cơ sở có thương hiệu được người tiêu dùng tín nhiệm, tức đã được cơ quan chức năng kiểm tra cấp chứng nhận đủ điều kiện về ATVSTP, gây tâm lý lo ngại cho người dân. Sau đó, có trường hợp bị đình chỉ kinh doanh vì đã vi phạm và bị xử phạt hành chánh nhiều lần. Sở dĩ có tình trạng này là do chủ sản xuất, kinh doanh có tâm lý hám lợi, sử dụng thực phẩm kém chất lượng, không đầu tư nâng cấp khi cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến thực phẩm xuống cấp, đặc biệt là sử dụng nguồn lao động không qua tập huấn kiến thức về ATVSTP. Ngoài ra còn có nguyên nhân khác là mức phạt hành chánh đối với lĩnh vực ATVSTP nhẹ hơn khoản lời kiếm được từ lỗi vi phạm, do đó chưa đủ sức răn đe. Và hiện nay, tình trạng phát sinh dịch bệnh do ô nhiễm môi trường; tình trạng thực phẩm chưa qua chế biến hoặc thực phẩm đóng gói không rõ nguồn gốc, kém chất lượng đang lưu hành tràn lan trên thị trường; tình trạng ngộ độc rượu, thực phẩm gây chết người tiếp tục diễn ra thì ATVSTP đã trở thành vấn đề “nóng” của toàn xã hội. Cơ quan chức năng không thể kềm chế bằng biện pháp kiểm tra, xử phạt hành chánh mà phải làm cho chủ sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng có thói quen tự bảo vệ sức khỏe, bằng cách nâng cao ý thức đảm bảo ATVSTP. Do vậy, Chi cục đã nỗ lực biên soạn tài liệu phục vụ cho các lớp tập huấn kiến thức ATVSTP theo hướng làm cho người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm sau khi tham dự lớp học thực sự nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng, coi đó là đạo đức nghề nghiệp, là tuân thủ quy định pháp luật, nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Dự kiến với nguồn nhân sự là 25 người đã qua đào tạo chuyên môn, Chi cục sẽ tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kiến thức ATVSTP đến tận cơ sở, tạo hiệu quả vết dầu loang trong mục tiêu nâng cao nhận thức trách nhiệm của doanh nghiệp và những người kinh doanh nhỏ lẻ về tầm quan trọng của việc đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng.

Ông Lưu Phước Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Cần Thơ:
Phát huy giải pháp quản lý dịch bệnh từ cơ sở

Cầu Cần Thơ đi vào hoạt động, là niềm vui của cả nước, tuy nhiên đối với công tác quản lý dịch bệnh thì ngành thú y thành phố lại đang gặp khó, do các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm từ các tỉnh không còn lưu thông qua phà Cần Thơ, vô hình trung trạm kiểm soát thú y tại đường Trần Phú, quận Ninh Kiều không còn thực hiện được nhiệm vụ phúc tra dịch bệnh đối với lượng lớn gia súc, gia cầm lưu thông qua thành phố. Việc xây dựng trạm mới tại khu vực cầu Cần Thơ là yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải có thời gian vì liên quan đến vấn đề mặt bằng, kinh phí. Trước mắt, công tác kiểm dịch được ngành Thú y thực hiện tập trung, thường xuyên tại 39 lò giết mổ và các chốt giao thông trọng điểm như: Bến tàu khách Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền. Tại mỗi cơ sở đều có cán bộ thú y lập sổ theo dõi, kịp thời xử lý các trường hợp vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm không có giấy kiểm dịch và làm rõ trường hợp nghi ngờ giấy chứng nhận kiểm dịch giả mạo...

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiện nay, ngành Thú y TP Cần Thơ đã tiên lượng dịch phát sinh mạnh nên thực hiện nghiêm ngặt giải pháp quản lý dịch bệnh từ cấp cơ sở, như: dùng hình thức phát tờ rơi hướng dẫn người chăn nuôi cách nhận biết bệnh heo tai xanh, cách phòng bệnh và chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho đàn heo. Từ đầu tháng 4-2010 đã phát động đợt tiêm vắc-xin phòng bệnh heo tai xanh, đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ thú y tại các xã, phường, thị trấn để tuyên truyền hướng dẫn người dân dễ dàng nhận biết, phát hiện ca bệnh đầu tiên (nếu có), kịp thời thông báo cho cơ quan thú y hoặc y tế tại cơ sở xử lý bao vây ổ dịch và quản lý chặt chẽ đàn heo mắc bệnh.

Thực tế việc đảm bảo ATVSTP cho người dân không chỉ có việc quản lý giết mổ đối với heo hơi mà còn các loại thực phẩm đang có nhu cầu tiêu dùng cao khác như: bò, dê, chó và gia cầm. Để đảm bảo 95% nguồn thịt đưa ra thị trường đều thông qua kiểm dịch, ngành Thú y sẽ tăng cường kết hợp với chính quyền cơ sở phát huy trách nhiệm kiểm tra, nhắc nhở các chủ lò giết mổ, các ban quản lý chợ thực hiện nghiêm quy định ATVSTP. Riêng lò giết mổ gia súc thuộc Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ là đơn vị có công suất giết mổ gia súc lớn nhất thành phố đã thực hiện quy trình giết mổ treo (trong quá trình giết mổ, không để heo nằm dưới sàn lò mổ mà treo trên móc). Trên địa bàn quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy, đã áp dụng quy định chuyên chở thịt heo, gà, vịt làm sẵn từ các lò giết mổ đến các chợ, nhà hàng, quán ăn, bắt buộc phải đóng gói kín, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Những người vận chuyển thịt tươi bằng phương tiện xe hai bánh thì không để vào bao tải hay giỏ đệm treo móc quanh xe, mà phải trang bị thùng inox hoặc bằng nhôm (đảm bảo không gỉ sét) và có nắp đậy để chứa thịt. Tại các chợ đều có cán bộ thú y thường xuyên phối hợp với Ban quản lý chợ để kiểm tra. Những trường hợp vận chuyển thịt gia súc, gia cầm làm sẵn và trứng gia cầm không có giấy kiểm dịch, không đảm bảo vệ sinh đều không được đưa vào chợ buôn bán. Đối với các chợ mà cơ sở vật chất bị xuống cấp, nền chợ kém vệ sinh thì ban quản lý tại khu chợ đó sẽ có trách nhiệm kiểm tra, nhắc nhở và buộc bà con tiểu thương phải cam kết thực hiện các quy định đảm bảo ATVSTP như: xây dựng lô sạp cao ráo (cách mặt đất từ 0,8 m- 1 mét), phải có móc treo thịt, không sử dụng chất bảo quản (hàn the) để tẩm ướp thịt, các trường hợp vi phạm, lực lượng cán bộ thú y kiểm tra, phát hiện sẽ tịch thu, tiêu hủy và buộc ngừng kinh doanh.

Tóm lại, để công tác kiểm dịch được thuận lợi và hiệu quả, cần có sự quan tâm phối hợp của các ngành chức năng, của lực lượng cộng tác viên là cán bộ đoàn thể cơ sở, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc chọn mua thực phẩm đảm bảo vệ sinh, để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình cũng là một yếu tố quan trọng.

ĐÌNH KHÔI (Lược ghi)

Tuyên truyền sâu rộng về ATVSTP và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm

(CT)- Ngày 5-5, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TP Cần Thơ đã tiếp Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)” Trung ương. Theo báo cáo, TP Cần Thơ đã tổ chức triển khai kế hoạch “Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP” và có 151 đoàn kiểm tra từ tuyến thành phố đến các xã, phường, thị trấn đồng loạt ra quân thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm... Kết quả sơ bộ từ đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố cho thấy, 21/21 cơ sở được kiểm tra vi phạm an toàn vệ sinh, công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn thực phẩm, sử dụng phụ gia không đúng qui định; gia vị hết hạn dùng... đặc biệt, đoàn kiểm tra đã tịch thu và giao Chi cục Thú y tập trung tiêu hủy 172 con gà và chim, 74 kg thịt heo, bê và chim không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng...

Qua kiểm tra thực tế 5 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại quận Bình Thủy và Ninh Kiều, ông Võ Thành Đông, Trưởng cơ quan đại diện Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành, thì hiện nay lực lượng làm công tác ATVSTP của thành phố Cần Thơ hiện còn quá mỏng, chưa đủ sức đảm đương nhiệm vụ, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng công tác đảm bảo ATVSTP, phân công thành viên ban chỉ đạo thường xuyên đi kiểm tra các quận, huyện và xã, phường, không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cho các cơ sở không đủ điều kiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và tăng cường xã hội hóa trong công tác tuyên truyền, đảm bảo ATVSTP nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng để bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.

HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết