Du lịch nông nghiệp là một trong những định hướng phát triển được du lịch Cần Thơ chú trọng dựa trên tài nguyên bản địa. Nhiều năm qua, tại Cần Thơ đã có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp phát triển, tập trung nhiều ở Phong Ðiền, Thốt Nốt, Bình Thủy. Ngành chức năng và các địa phương hiện đang chung tay để tìm cách tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp với bản sắc riêng.
Du khách tham quan tại bè cá Bảy Bon.
Định hình sản phẩm du lịch nông nghiệp địa phương
Một trong những sản phẩm du lịch nông nghiệp thành công của Cần Thơ và gây ấn tượng với du khách gần xa là du lịch cồn Sơn (Bình Thủy). Nơi đây có một hợp tác xã (HTX) du lịch nông nghiệp với số lượng thành viên gồm mấy mươi hộ dân. Phát triển du lịch từ năm 2015, cồn Sơn đã hình thành mô hình du lịch nông nghiệp độc bản với đa dạng sản phẩm, dịch vụ mang đậm đặc trưng bản địa sông nước. Khi nói đến cồn Sơn, du khách sẽ biết ngay đến các sản phẩm du lịch cá lóc bay, cá ăn cơm bằng muỗng, massage cá… Ông Lý Văn Bon, Phó Giám đốc HTX Du lịch Nông nghiệp cồn Sơn, chủ bè cá Bảy Bon, cho biết: “Chúng tôi làm du lịch bằng vốn văn hóa, nếp sinh hoạt và lao động sản xuất... mà từng hộ đang có. Tôi có bè cá thì mở cửa đón du khách tham quan trải nghiệm tìm hiểu về các loại cá trên sông Hậu, nhà chị Năm có vườn thì du khách thăm vườn hái trái, nhà chị Bảy có tay nghề làm bánh dân gian thì du khách đến thưởng thức và học làm bánh… Mỗi nhà sẽ có một vài sản phẩm và cùng hợp tác với nhau làm du lịch. Nông dân chúng tôi làm du lịch dựa trên tài nguyên sẵn có rồi sáng tạo, xây dựng thành sản phẩm. Như tôi có nuôi cá thì huấn luyện để biểu diễn cho khách xem. Thành thử sản phẩm ở cồn Sơn đa dạng và luôn được làm mới”.
Thực tế, khi làm du lịch nông nghiệp, các điểm vườn cũng luôn tìm những điểm mới, khác biệt để xây dựng sản phẩm. Ông Huỳnh Công Thống, chủ vườn nho thân gỗ ở Thốt Nốt, nói: “Tại vườn của tôi, ngoài tham quan vườn nho thân gỗ, khách còn thưởng thức các sản phẩm khác từ nho thân gỗ. Khi làm du lịch thì mỗi nhà nên có sản phẩm đặc trưng riêng, rồi từ đó kết hợp tạo thành chuỗi sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn du khách”. Liên kết trong phát triển du lịch nông nghiệp luôn cần thiết để tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng. Cụ thể, tại Phong Ðiền mô hình liên kết du lịch nông nghiệp đang phát triển hiệu quả. Ông Phạm Văn Hoàng, chủ vườn 9 Hồng, Phong Ðiền, cho biết: “Bên cạnh những trái cây trong vườn nhà, chúng tôi cũng liên kết với các vườn lân cận để đảm bảo du khách khi tham quan vườn lúc nào cũng có trái để hái. Như mùa này thì chúng tôi liên kết vườn dâu, vườn sầu riêng, vườn chôm chôm… Các vườn cũng kết hợp để du khách sử dụng dịch vụ ăn uống, trải nghiệm trò chơi bên tôi. Khách sẽ có nhiều trải nghiệm đa dạng hơn”. Theo chia sẻ của một chủ vườn dâu tại Phong Ðiền, vào những năm trước khi chưa làm du lịch, mỗi vụ dâu vườn anh thu về vài chục triệu đồng nhưng khi liên kết khách tham quan với vườn 9 Hồng, Mekong Silt Ecolodge… thì thu nhập cả trăm triệu đồng. Vì ngoài việc bán dâu thì anh có thể thu thêm phí tham quan, cũng giảm nỗi lo dâu mất giá.
Du lịch nông nghiệp mang đến nhiều lợi ích cho người nông dân khi có thể sử dụng “cây nhà lá vườn” làm du lịch mà không phải bỏ quá nhiều vốn để đầu tư, ngược lại còn thu về lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Một số mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, thiếu khác biệt, thiếu gắn kết. Còn những điểm du lịch chưa có sự hợp tác, chưa quan tâm chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Hoạt động quảng bá, kết nối, tư vấn vẫn chưa được định hướng. Thiếu các cơ chế chính sách hỗ trợ. Ông Phạm Văn Hoàng, chủ vườn 9 Hồng, nói: “Cái khó mà chúng tôi đang gặp phải là chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo quy định mới muốn làm du lịch thì đất vườn phải chuyển đổi và cần số tiền lớn. Với nông dân như chúng tôi thì rất khó”. Ðồng quan điểm, ông Lý Văn Bon, chủ bè cá Bảy Bon cũng thông tin gặp khó vì vấn đề sử dụng diện tích mặt nước làm du lịch. Ông Lê Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, cho rằng: “Vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong du lịch là điểm khó chung không chỉ của Phong Ðiền mà còn của các địa phương khác. Do đó, cần phải có những cơ chế chính sách để tháo gỡ phù hợp”.
Gỡ khó
Thời gian qua, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động du lịch nông nghiệp hiện nay. Trong đó nêu rõ các vấn đề liên quan đến xây dựng các công trình phục vụ du lịch trên đất nông nghiệp và việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là các công trình kiên cố như cơ sở lưu trú, nhà vệ sinh, khu dịch vụ. Nhiều công trình phục vụ du lịch đã phải phá dỡ do xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng dẫn tới lãng phí... Về vấn đề này, Dự án Luật Ðất đai (sửa đổi) có đề cập, tạo hành lang pháp lý cho mô hình kinh doanh nông nghiệp, nông thôn phát triển đúng hướng, đúng quy định và đảm bảo phát triển du lịch bền vững, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Vườn dâu tại Phong Điền.
Có một thực tế chung du lịch nông nghiệp nước ta đang phát triển thiếu chiến lược. Do đó, cần sớm đưa quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn trong tổng thể quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia. Ðồng thời phải có những cơ chế, chính sách để du lịch nông nghiệp phát triển, đặc biệt là chính sách đất đai, thu hút đầu tư vào du lịch. Dựa trên những đặc trưng cơ bản của địa phương mà có những chính sách đặc thù phù hợp riêng. Theo đó, hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đang tham mưu HÐND thành phố xây dựng nghị quyết về cơ chế chính sách cho du lịch nông nghiệp và du lịch đường sông. Ðây được xem là tiền đề quan trọng tạo điều kiện cho du lịch nông nghiệp địa phương phát triển.
Hiện Cần Thơ đang triển khai đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó ngoài loại hình du lịch nông nghiệp truyền thống, Cần Thơ đang phát triển thêm loại hình du lịch nông nghiệp đô thị và du lịch nông nghiệp công nghệ cao nhằm kéo dài chuyến đi của du khách. Ðề án cũng xác định phát triển du lịch nông nghiệp tập trung ở Phong Ðiền, Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt và định hướng mở rộng dần đến các vùng ven như Thới Lai, Cờ Ðỏ, Vĩnh Thạnh vào năm 2030. Trong đó, hai mô hình du lịch nông nghiệp được chọn triển khai là du lịch nông nghiệp dành cho khách tham quan và mô hình du lịch nông nghiệp dành cho khách tham quan - lưu trú thí điểm tại Cần Thơ Farm và Bảo Gia Trang Viên.
UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND về triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn thành phố, trong đó xác định “đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn với phát triển du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP và các giá trị tài nguyên văn hóa bản địa, thế mạnh của từng địa phương. Ðồng thời triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng mạng lưới điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới”. Cụ thể, Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch... Ðể đạt được mục tiêu, Cần Thơ sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt gắn với bản sắc đặc trưng của thành phố, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn chất lượng cao. Ðồng thời xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Bài, ảnh: ÁI LAM