09/11/2018 - 10:04

Cần tầm nhìn mới cho gạo Việt

Sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu và duy trì ở trong tốp 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Song, câu chuyện về sự phát triển bền vững của ngành gạo Việt Nam vẫn là thách thức lớn đặt ra cho nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân.

Cần tầm nhìn mới cho gạo Việt

Cần tầm nhìn mới cho gạo Việt

Năm 1989, Việt Nam tham gia thị trường xuất khẩu gạo thế giới đã đánh dấu cột mốc quan trọng trên bản đồ gạo quốc tế. Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục được mở rộng và sản lượng xuất khẩu cũng tăng theo nhu cầu nhập khẩu gạo tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam có nhiều triển vọng và cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo. Song, thực tế hạt gạo Việt Nam vẫn chưa thể tạo ra những bứt phá mạnh mẽ trên thị trường, việc chạy theo số lượng, thiếu quan tâm đầu tư chất lượng, xây dựng thương hiệu cho hạt gạo đã làm cho gạo Việt vốn lép vế trước Thái Lan, giờ cũng đang đau đầu cạnh tranh trước Campuhia, Myanmar- hai quốc gia chỉ mới tham gia thị trường xuất khẩu vài năm gần đây. 

Cần tầm nhìn mới cho gạo Việt

Theo thống kê của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), giai đoạn 1989-2017, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam: khu vực châu Á chiếm 66,68%; Trung Đông 2,85%; châu Mỹ 7,4%; châu Âu 2,16%; châu Úc 2,04% tổng sản lượng gạo xuất khẩu. Trong khi Campuchia dù mới tham gia xuất khẩu, số lượng không nhiều như Việt Nam nhưng khoảng 60-70% gạo của họ đi vào thị trường châu Âu và chủ yếu là xuất khẩu gạo đặc sản, gạo thơm. Điều này cũng có nghĩa là gạo Việt Nam xuất khẩu thời gian qua vẫn dựa vào số lượng. 

Số liệu từ VFA, tính đến 30-9-2018, hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp là 5,705 triệu tấn. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất, kế đến là Indonesia, Philippines, Malaysia… Trong 10 tháng năm 2018, giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 2,6 tỉ USD, tăng 16,1% về giá trị và 3,4% về sản lượng so cùng kỳ năm 2017.

Cần tầm nhìn mới cho gạo Việt

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cho biết, xuất khẩu gạo năm 2017 cả nước đạt 5,79 triệu tấn, trị giá khoảng 2,62 tỉ USD; giá FOB bình quân xuất khẩu ở mức 451,9 USD/tấn, tăng tương đương mức tăng 3 USD/tấn so với giá xuất khẩu năm 2016. Năm 2018 này, dự báo lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt trên 6 triệu tấn, với kim ngạch khoảng 3,3 tỉ USD. Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động thương mại gạo đang diễn ra theo một xu hướng mới, các hợp đồng Chính phủ dần ít đi và thay vào đó là các hợp động thương mại, xu hướng đấu thầu quốc tế được các nước nhập khẩu gạo ưu tiên lựa chọn. Xuất khẩu gạo cần chuyển từ khối lượng sang chất lượng.

Cần tầm nhìn mới cho gạo Việt

Cần tầm nhìn mới cho gạo Việt

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết thị trường thế giới có nhiều biến động khó đoán, trong khi việc tiêu thụ lúa gạo của Việt Nam còn phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường. Các nước nhập khẩu gạo gia tăng các rào cản để hạn chế nhập khẩu gạo và tăng năng lực sản xuất gạo trong nước. Trong khi sản xuất lúa gạo của nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thiên tai và nhiều loại dịch hại diễn biến phức tạp. Tại ĐBSCL- nơi chiếm hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, quy mô canh tác của nông hộ trồng lúa có từ 3ha trở lên không nhiều, thu nhập của người nông dân còn quá thấp và chậm cải thiện nên họ chưa an tâm gắn bó với cây lúa. Chính sách về hạn điền và các hạn chế chuyển nhượng đất trồng lúa đã gây khó khăn cho tích tụ đất đai, mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi phương thức sản xuất, thu hút đầu tư và nâng cao năng suất lao động trong ngành lúa gạo.

Gỡ khó cho ngành lúa gạo để đạt mục tiêu phát triển bền vững trong tình hình mới, Bộ NN&PTNT đã thông qua Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, có 50% lượng gạo xuất khẩu sẽ có thương hiệu Việt, trong đó 30% là gạo đặc sản, gạo thơm. Đề án có tổng kinh phí đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng để triển khai tái cấu trúc ngành gạo Việt Nam; trong đó dự án hoàn chỉnh đồng ruộng, củng cố giao thông và thủy lợi nội đồng, hệ thống phục vụ sản xuất ở các vùng chuyên canh lúa ở ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng và duyên hải Nam Trung bộ khoảng 5.000 tỉ đồng, thời gian thực hiện 2017-2020. Mục tiêu của đề án nhằm cải thiện thu nhập tăng thêm hằng năm cho nông dân trồng lúa và tạo vùng sản xuất rộng lớn, chất lượng được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào- đầu ra để xây dựng thương hiệu gạo Việt. Tháng 7-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo, giảm phụ thuộc vào một số thị trường chính để đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Cần tầm nhìn mới cho gạo Việt

Theo Cục trồng trọt, năm 2018, tình hình nguồn cung lúa gạo trong nước tăng, dù diện tích sản xuất lúa có giảm. Tổng diện tích lúa năm 2018 ước đạt 7,624 triệu ha, giảm khoảng 80 nghìn ha so với năm 2017 do chuyển đổi sang các cây trồng vật nuôi khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Năng suất lúa trung bình cả năm 2018 ước đạt 55,7 tạ/ha, sản lượng lúa năm 2018 của cả nước ước đạt 43,85 triệu tấn, tăng khoảng 1,09 triệu tấn so với năm 2017. Còn theo số liệu công bố của Bộ Công thương, thời gian gần đây, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đã chuyển dịch, tăng dần gạo trắng chất lượng cao và trung bình, gạo thơm, giảm dần gạo trắng chất lượng thấp. Đơn cử 8 tháng năm 2018, gạo trắng chất lượng thấp chỉ còn chiếm tỷ trọng 2,01% tổng lượng gạo xuất khẩu; gạo trắng chất lượng cao và trung bình chiếm tổng cộng 42,46% và gạo thơm chiếm tới 33,24% tổng lượng gạo xuất khẩu. Bước đi này sẽ thúc đẩy thay đổi căn cơ về chuyển từ số lượng sang chất lượng của gạo Việt.

Cần tầm nhìn mới cho gạo Việt

Thay đổi chiến lược tiếp cận thị trường và đạt mục tiêu phát triển bền vững là vấn đề cấp bạch đối với ngành gạo trong tình hình mới. Ngày 1-10-2018, Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo, được chuyên gia và doanh nghiệp nhận định là sẽ tạo môi trường rất thông thoáng, “cởi trói” cho nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Điều kiện để được kinh doanh xuất khẩu gạo gồm: có ít nhất 1 kho chuyên dùng chứa lúa gạo chuyên dùng, có ít nhất 1 cơ sở xay xát phù hợp tiêu chuẩn (thuộc sở hữu của thương nhân, hoặc thương nhân có hợp đồng thuê lại với thời hạn là 5 năm); có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Đặc biệt, với thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh trên, mà có thể tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp, không cần phải thông qua các đơn vị, doanh nghiệp trung gian.

Cần tầm nhìn mới cho gạo Việt

Theo ông Nam, hầu hết doanh nghiệp thường thực thi các hợp đồng theo hợp đồng Chính phủ, nên nếu hợp đồng Chính phủ có hiệu quả cao, doanh nghiệp tồn tại tốt, nếu giá thấp, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí một số doanh nghiệp từ chối không thực thi hợp đồng của Chính Phủ. Ngoài ra, việc thực hiện cơ chế đấu thầu hợp đồng Chính phủ như trước đây, nhiều doanh nghiệp không giỏi kinh doanh xuất nhập khẩu thường trông chờ nhiều vào hợp đồng Chính phủ hơn là tự mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây là điều rất bất lợi. Do vậy, Nghị định 107/2018/NĐ-CP sẽ khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia mở rộng thị trường và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mới tham gia vào ngành gạo.

Trước đây, theo Nghị định 109, các doanh nghiệp xuất khẩu phải đăng ký qua VFA, lợi thế là hiệp hội nắm rõ từng hợp đồng, tình hình diễn biến, sản phẩm hàng hóa bán ra, giá bán… nhưng lại làm khó cho các doanh nghiệp về thủ tục đăng ký, mà đôi khi doanh nghiệp khó thắng thầu vì vướng giá sàn quy định của VFA. Một bất cập khác là có hiện tượng doanh nghiệp làm giả giá để đăng ký bằng được với hiệp hội về lượng gạo xuất khẩu. Cơ chế mới theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP, mở thoáng ra rất nhiều, tạo rất nhiều cơ hội nhưng thách thức cũng rất nhiều và bản thân của hiệp hội và các cơ quan chức năng cũng phải thay đổi về công tác quản lý, điều hành và làm thể nào đó để chúng ta có sự phối hợp tốt với nhau.

Với độ mở của Nghị định 107, các chuyên gia khuyến cáo các doanh nghiệp phải cố gắng liên kết lại, cộng đồng trách nhiệm với nhau, khi đấu thầu, chào giá bán phải phối hợp đưa ra giá có lợi nhất cho cả nông dân và doanh nghiệp. Giữ chữ tín trong kinh doanh, tạo cơ hội ngành gạo ta phát triển. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng, việc áp dụng công nghệ cả trong sản xuất và thương mại gạo cũng là một xu hướng mà chúng ta không thể nằm ngoài được, nhất là áp dụng các công nghệ mới từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sử dụng các sàn giao dịch để thúc đẩy thương mại gạo… Một số cơ chế chính sách khác cũng như Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo, Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam sẽ góp phần tăng cường liên kết, gắn kết sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, xây dựng và khẳng định uy tín thương hiệu gạo Việt Nam.

Cần tầm nhìn mới cho gạo Việt

Cần tầm nhìn mới cho gạo Việt

Thực hiện: Thu Hà - Khánh Trung- Quách Hùng

Chia sẻ bài viết