19/01/2009 - 20:35

Cần nhanh chóng thành lập Trung tâm cấp cứu 115

Cấp cứu bệnh nhân bị gãy xương chân ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Thông thường vào các dịp lễ, hội, Tết Nguyên đán, tai nạn giao thông (TNGT), tai nạn sinh hoạt xảy ra nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều người dân ở TP Cần Thơ không hề biết đến cấp cứu 115 nên thường tự chuyển nạn nhân đến bệnh viện bằng tất cả các phương tiện như xe taxi, xe honda... làm cho vết thương thêm trầm trọng...

* Từ thiếu thông tin

Theo thống kê tại Khoa Cấp cứu tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ (nơi chịu trách nhiệm cấp cứu 115) trung bình mỗi ngày chỉ tiếp nhận từ 2-3 ca cấp cứu ngoại viện do người dân gọi đến. Bác sĩ Nguyễn Minh Vũ, Trưởng khoa Cấp cứu tổng hợp, BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết: “Hiện nay, còn rất nhiều người dân không biết đến cấp cứu 115. Đây là số điện thoại miễn phí để khi có TNGT, tai nạn sinh hoạt... xảy ra, người nhà hoặc bệnh nhân điện thoại để yêu cầu được cấp cứu tại chỗ. Nhận được điện thoại, tổ cấp cứu lập tức lên đường, đến ngay nơi xảy ra tai nạn. Do không nắm được thông tin nên nhiều trường hợp bị điện giật, ngưng tim, ngưng thở nhưng người nhà tự chuyển đến bệnh viện. Khi vào đến bệnh viện, phần lớn bệnh nhân tử vong, nếu chúng tôi có cứu sống được thì bệnh nhân phải sống đời sống thực vật”.

Còn ở BVĐK TP Cần Thơ, theo số liệu của Phòng Kế hoạch - tổng hợp của bệnh viện này, trong vòng 9 tháng chỉ có 46 ca cấp cứu ngoại viện do người dân gọi đến. Bác sĩ Phan Thị Phụng, Phó khoa Cấp cứu, BVĐK TP Cần Thơ cho biết: “Người bị tai nạn, cần cấp cứu tại chỗ thì đông nhưng số bệnh nhân được điện thoại đến yêu cầu cấp cứu ngoại viện thì rất ít. Hiện nay, chúng tôi thường xuyên gặp cảnh bệnh nhân bị tai nạn lao động, TNGT nhưng họ được người đi đường, người thân chở bằng xe honda, ôtô vào bệnh viện”.

Do thiếu hiểu biết nên sự nhiệt tình của những người cấp cứu không chuyên làm cho thương tích của bệnh nhân thêm trầm trọng. Nếu bệnh nhân bị chấn thương cột sống, chưa liệt mà vận chuyển bệnh không đúng cách thì sẽ gây ra liệt và tàn phế vĩnh viễn. Nhiều trường hợp TNGT gãy chân, tay không được cố định trước khi vận chuyển bệnh, để lủng lẳng sẽ gây đau đớn cho bệnh nhân, dẫn đến sốc chấn thương rất nguy hiểm. Vì thế khi gặp tai nạn, nếu biết cách thì hãy sơ cứu cho bệnh nhân, còn không nên gọi ngay cấp cứu 115. Ngoài ra, việc người nhà tự chuyển bệnh nhân bị TNGT, tai nạn lao động... đến bệnh viện dẫn đến tình trạng đi không đúng tuyến, không đúng chuyên môn của bệnh viện, chuyển bệnh nhân đi lòng vòng, ảnh hưởng đến thời gian cấp cứu điều trị. Một số bệnh nhân biết đến cấp cứu ngoại viện nhưng chưa nắm rõ nên nhà ở tận Long Tuyền thay vì gọi cho Bệnh viện quận Bình Thủy thì lại gọi cho BVĐK TP Cần Thơ gây nên trễ nãi cho công tác cấp cứu, ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân-bác sĩ Phan Thị Phụng, Phó khoa Cấp cứu, BVĐK TP Cần Thơ cho biết thêm.

Bác sĩ Đoàn Anh Luân, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, cấp cứu 115 vẫn giao cho BVĐK Trung ương Cần Thơ quản lý. Ngoài ra, còn có Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ và các bệnh viện chuyên khoa khác trên địa bàn TP Cần Thơ cũng tham gia cấp cứu ngoại viện khi người dân trên địa bàn quận Ninh Kiều có yêu cầu. Ở các quận, huyện còn lại, việc cấp cứu ngoại viện do bệnh viện quận, huyện tiến hành vì mỗi bệnh viện đều có từ 1-2 xe cứu thương và 2 tổ cấp cứu ngoại viện. Ở các khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện, khi có yêu cầu cấp cứu, người dân nên điện thoại đến bệnh viện gần nhất. Cấp cứu ngoại viện hoàn toàn miễn phí”.

* Đến nhu cầu thành lập Trung tâm Cấp cứu 115

Hiện nay, ở các bệnh viện từ tuyến quận, huyện đến các bệnh viện của thành phố và cả BVĐK Trung ương Cần Thơ đều có tổ cấp cứu ngoại viện. Nhưng hiện nay tổ này lồng ghép trong Khoa Cấp cứu, chứ chưa có đội cấp cứu chuyên nghiệp riêng. Ngoài việc cấp cứu ngoại viện, các thành viên trong tổ cấp cứu tham gia chỉ đạo tuyến tăng cường cho các bệnh viện quận, huyện, các trạm y tế xã (khi có yêu cầu về chuyên môn) và trực cấp cứu tại khoa. Vì thế, khi có điện thoại của người dân yêu cầu cấp cứu ngoại viện, lãnh đạo trực bệnh viện (hoặc lãnh đạo Khoa Cấp cứu) sẽ điều bác sĩ, điều dưỡng đang trực tại Khoa Cấp cứu đi cấp cứu ngoại viện và điều bác sĩ ở các tua trực tiếp theo (hoặc bác sĩ ở các khoa khác) trực thay, vì thế nhân sự cũng bị động. Ngoài ra, xe cứu thương phần lớn đã cũ, những trang thiết bị đi kèm cũng rất thiếu thốn.

Bác sĩ Phan Thị Thu Ngân, Trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp - BVĐK TP Cần Thơ, cho biết: “Bệnh viện có 3 xe để phục vụ cho cấp cứu ngoại viện, chuyển bệnh đi các bệnh viện tuyến trên ở trong thành phố và ngoài thành phố, lãnh đạo và cán bộ-công nhân viên bệnh viện đi công tác, phục vụ trực trong các lễ hội của thành phố... nên nhiều lúc xe bị động. Trong 3 xe chỉ có 1 xe mới, còn hai xe còn lại được trang bị từ khi còn là Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều. Trên xe được trang bị các phương tiện cấp cứu thông thường như tủ thuốc cấp cứu, nội khí quản, bóp bóng...”. Hầu hết các xe cấp cứu của các bệnh viện quận, huyện chuyển bệnh đến BVĐK Trung ương Cần Thơ chỉ trang bị bình ôxy, băng ca, bóp bóng, nội khí quản, hộp thuốc sơ cứu... còn các loại thiết bị tối thiểu cho cấp cứu, chuyển viện như máy trợ thở, máy khử rung, monitor... gần như không có -Bác sĩ Nguyễn Minh Vũ, Trưởng khoa Cấp cứu tổng hợp, BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết.

Trong năm 2008, Sở Y tế TP Cần Thơ dự kiến chuyển việc cấp cứu 115 từ BVĐK Trung ương Cần Thơ về BVĐK TP Cần Thơ quản lý nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện. Theo bác sĩ Đoàn Anh Luân, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP Cần Thơ: “Năm 2008, dự kiến đưa việc cấp cứu 115 về BVĐKTP Cần Thơ nhưng do nhân sự, trang bị chưa ổn nên chưa thực hiện. Trong năm 2009, tiếp tục tính toán cách thức để chuyển cấp cứu 115 về BVĐKTP Cần Thơ quản lý”.

Tuy nhiên, bác sĩ Đoàn Anh Luân cho biết: Nếu cấp cứu 115 từ BVĐK Trung ương Cần Thơ chuyển về BVĐKTP Cần Thơ thì vẫn là tổ cấp cứu ngoại viện trực thuộc Khoa Cấp cứu của BVĐKTP Cần Thơ chứ hiện nay chưa hình thành Trung tâm Cấp cứu 115. Trong khi, theo nhiều bác sĩ công tác tại các Khoa Cấp cứu thì: Tai nạn chấn thương ở TP Cần Thơ ngày càng nhiều, nạn nhân nếu may mắn được cấp cứu tại hiện trường thì lại gặp những người không chuyên nghiệp, phương tiện vận chuyển cấp cứu thiếu. Vì thế, đối với một thành phố phát triển, dân cư đông đúc như Cần Thơ rất cần hình thành một Trung tâm Cấp cứu 115. Ngoài ra, việc thành lập Trung tâm Cấp cứu 115 cũng góp phần hạn chế tình trạng cuộc gọi giả trong tình hình 80% các cuộc gọi cấp cứu 115 là cuộc gọi giả như hiện nay. Bác sĩ Phan Thị Thu Ngân, Trưởng phòng Kế hoạch-tổng hợp- BVĐK TP Cần Thơ, cho biết: “Bệnh viện đã làm xong đề án thành lập Trung tâm Cấp cứu 115 tại BVĐKTP Cần Thơ đang trình Sở Y tế xem xét. Trong đề án, Trung tâm này sẽ có 7 bác sĩ và 14 điều dưỡng (7 tổ cấp cứu), 3 xe cứu thương, 2 ca nô... Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 7 tỉ đồng”.

Thiết nghĩ, trước nhu cầu thực tế ở địa phương, việc thành lập Trung tâm Cấp cứu 115 cần được các ngành chức năng xem xét, quyết định cho phù hợp để có thể cấp cứu kịp thời, hữu hiệu bệnh nhân TNGT và các tai nạn sinh hoạt khác đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết