10/12/2018 - 18:38

Cách làm hay! 

“Trong suốt 26 năm công tác trong ngành giáo dục, điều tâm đắc nhất của cô là gì?”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh hỏi. Cô giáo trả lời: “Thành công lớn nhất với tôi có được “chữ tâm” trong nghề giáo; làm được việc có ích cho học sinh, cho xã hội. Bởi đã có những học sinh cá biệt sau này trở thành người có ích...”.


Học sinh tặng hoa cho cô giáo nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Ảnh: NG.NGÂN

Từ những câu đối thoại với cô giáo có kinh nghiệm 26 năm công tác, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn đã kể lại câu chuyện có thực của một cô giáo dạy môn Sinh học. Khi cô đang dạy bài học liên quan đến loài ếch, cô nghe học sinh thì thầm "Miệng của cô giống của con ếch”. Cô nghe được và rất buồn nhưng thầm nghĩ học trò có những vấn đề riêng. Hôm sau, cô đến tận nhà. Cô đã kiên trì 20 phút chờ ngoài cửa, cậu học trò mới mở và mời cô uống nước chanh với...muối. Bằng sự nhẫn nại, cô đã thuyết phục được cậu học trò kể những khuất tất của gia đình và được biết ba mẹ em chuẩn bị ly hôn. Đó là lý do cậu học trò trở nên nghịch phá, buông xuôi cuộc sống, không chịu học. Với tất cả tấm lòng của người thầy, cô đã khuyên cậu học trò cố gắng vượt qua khó khăn, hoàn thành chương trình phổ thông... Bẵng đi 7 năm sau, chính cậu học trò cùng người vợ sắp cưới đến thăm cô giáo, nói cảm ơn cô, vì nếu không có cô khuyên bảo, cậu sẽ không thể học hết lớp 9 rồi vào học giáo dục thường xuyên, vào đời với nghề nghiệp ổn định...

Bằng những câu chuyện thực tế mà chính PGS.TS Huỳnh Văn Sơn từng gặp, từng trải nghiệm đã khiến nhân sinh quan của ông thay đổi; ông nghiệm ra một điều: Trong nghề dạy học, thu hoạch của giáo viên không chỉ là lương, thưởng, danh hiệu; mà lớn nhất là cái tâm với nghề. Giả sử cô giáo trên bỏ rơi cậu học trò, thì sau này cậu sẽ ra sao? Trong thực tế, công việc và trách nhiệm của người thầy không phải là đứng lớp đủ số tiết học, bởi không có bất kỳ sự định lượng nào về nghề giáo. Từ đó, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn gởi đi 5 thông điệp nghề nghiệp: đừng tự bẫy mình bằng những thành tích; đừng bao giờ dừng lại chuyện học tập; nên hài lòng; đạo đức nghề giáo phải đặt trong bối cảnh mới; đừng để bản thân mắc sai lầm.   

Từng câu, từng lời của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ trực tiếp đến hơn 100 thầy, cô trẻ đang công tác ở các trường trên địa bàn TP Cần Thơ, khiến cả hội trường của Lớp Bồi dưỡng đạo đức nghề giáo cho giáo viên (do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ tổ chức lần đầu tiên vào đầu tháng 12-2018) trầm lắng và xúc động. Không ít thầy cô gật đầu đồng tình; các thầy cô mạnh dạn chia sẻ suy nghĩ của mình khi chọn nghề, rồi cùng tham gia các trò chơi…   

Toàn ngành giáo dục TP Cần Thơ hiện có khoảng 15.000 cán bộ, giáo viên. Từ năm học 2006-2007 đến năm học 2013-2014, mỗi năm ngành giáo dục thành phố xét đạt từ khoảng 100 đến hơn 250 giáo sinh. Từ năm học 2014-2015, mỗi năm ngành xét đạt từ hơn 50 đến hơn 90 giáo sinh. Ngoài tiêu chuẩn về chuyên môn; sự tận tâm với nghề, với trò là điều mà ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Theo bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, lớp tập huấn lần này nhằm bồi dưỡng và củng cố lòng yêu nghề cho các giáo viên trẻ, giúp đội ngũ rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp thiết yếu. Ngành sẽ tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tập trung sâu đào tạo bồi dưỡng phát triển phẩm chất năng lực giáo viên, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và sự mong đợi của xã hội. 

Những ngày qua, dư luận đang quan tâm đặc biệt đến vụ việc một học sinh ở Trường THCS  Duy Ninh (tỉnh Quảng Bình)  phải chịu 231 cái tát từ sự chỉ đạo của cô giáo. Mới đây là việc đình chỉ một cô giáo ở Hà Nội bị phụ huynh tố cáo là cho học sinh tát bạn. Những sự vụ đau lòng trên đang báo động tình trạng thiếu trui rèn đạo đức của một bộ phận nhà giáo. Và việc tổ chức các lớp bồi dưỡng về đạo đức nghề giáo cho các thầy cô trẻ của ngành giáo dục TP Cần Thơ là một cách làm hay.

NG.NGÂN

Chia sẻ bài viết