14/10/2009 - 08:53

Dự án Trung tâm TDTT TP Cần Thơ (cũ) nay là quận Ninh Kiều

Buông lỏng quản lý, để dân bao chiếm đất

Thanh tra TP Cần Thơ vừa công bố kết luận thanh tra toàn diện dự án Trung tâm TDTT TP Cần Thơ (cũ), nay là Trung tâm TDTT quận Ninh Kiều. Dự án này được triển khai từ những năm 1996 - 1997, đến năm 2000 Thủ tướng Chính phủ có quyết định thu hồi và giao đất cho UBND TP Cần Thơ (cũ) để thực hiện dự án, với tổng diện tích 46.174m2, nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”. Thậm chí, do quản lý lỏng lẻo, dự án kéo dài không thực hiện, công tác bồi hoàn và giải phóng mặt bằng gặp nhiều bất cập... dẫn đến một phần đất của dự án bị một số tổ chức, cá nhân lấn chiếm và được cấp giấy CNQSDĐ...

* Công trình xuyên thế kỷ

Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm TDTT TP Cần Thơ (cũ) nay là Trung tâm TDTT quận Ninh Kiều được Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) ký quyết định số 2398/QĐ.UBT phê duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình vào ngày 22-10-1994. Đến ngày 26-10-1996, Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) ký Quyết định số 2221/QĐ.UBT phê duyệt dự án khả thi công trình, với tổng mức đầu tư trên 29,6 tỉ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, thời gian hoàn thành từ 1996 đến 2000. Ngày 6-10-1998, Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) ký quyết định số 2663/1998/QĐ.CT.KT phê duyệt dự án đầu tư Trung tâm TDTT TP Cần Thơ (cũ), kinh phí xây dựng gần 7 tỉ đồng, thời gian thực hiện đến năm 1999. Đến ngày 13-11-2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1119/QĐ-TTg về việc thu hồi và giao đất cho UBND TP Cần Thơ (cũ) để đầu tư xây dựng Trung tâm TDTT tại phường Xuân Khánh, với diện tích 46.171m2.

Theo kết luận của Thanh tra TP Cần Thơ, qua kiểm kê, đo đạc hiện trạng đất, nhà, vật kiến trúc, hoa màu bị ảnh hưởng bởi dự án, Ban quản lý dự án đã áp giá đền bù và được UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) phê duyệt ngày 26-12-1997, với tổng kinh phí 3.240.334.822 đồng, gồm: bồi hoàn giải tỏa đất 2.474.380.000 đồng; bồi hoàn giải tỏa phần kiến trúc, hoa màu 498.918.822 đồng; bồi hoàn bổ sung 4 đợt 267.036.000 đồng. Việc thực hiện đền bù giải tỏa không có phương án mà dựa vào danh sách bồi hoàn giải tỏa được UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) phê duyệt. Tính đến nay, đã có 10 hộ dân đã nhận xong tiền bồi hoàn (tổng cộng 2.201.699.900 đồng), với tổng diện tích 4.743m2 (diện tích theo giấy xác nhận của cơ quan địa chính). Có 19 hộ đã phê duyệt nhưng chưa nhận tiền với tổng diện tích 22.627,5m2 (diện tích theo đo đạc của Trung tâm Đo đạc bản đồ). Có 5 hộ chưa trình phê duyệt, với tổng diện tích 6.352,5m2. Đến ngày 14-5-1998, Ban quản lý dự án đã lập hồ sơ, trình UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) phê duyệt kinh phí bồi hoàn, hỗ trợ di dời cho 29/34 hồ sơ, nhưng đến tháng 4-2003, Ban quản lý dự án mới lập thủ tục trình UBND TP Cần Thơ (cũ) ban hành Quyết định thu hồi đất của 3 tổ chức, trong đó 2 tổ chức đã có quyết định thu hồi đất là Trường Chính trị tỉnh Cần Thơ và đất công do UBND phường Xuân Khánh quản lý. Riêng đất của các hộ dân vẫn chưa giải phóng mặt bằng được. Toàn bộ có 34 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó 27 hộ bị giải tỏa trắng (2 hộ ở trên đất của UBND phường Xuân Khánh quản lý). Trong quá trình thực hiện dự án, công tác bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án chưa thực hiện được.

 Một góc phần đất dự án Trung tâm TDTT.

Từ khi có quyết định phê duyệt dự án, quyết định thu hồi và giao đất cho UBND TP Cần Thơ (cũ) để thực hiện dự án cho đến nay, hầu như dự án chưa thực hiện được, do nhiều nguyên nhân, trong đó gặp khó khăn về nguồn vốn, khó khăn trong công tác bồi hoàn giải tỏa, tái định cư... Theo Báo cáo của UBND quận Ninh Kiều, dự án chỉ thực hiện được các hạng mục như: san lấp mặt bằng, với dự toán được duyệt 1.051.655.000 đồng, nhưng khối lượng thực hiện chỉ đạt 0,05%. Hạng mục cổng tường rào, dự toán được duyệt 667.734.576 đồng, giá trị xây lắp thực tế được nghiệm thu 63.647.000 đồng, chỉ đạt 9,5% khối lượng (xây tường rào chỉ đạt 158,76/923m). Hạng mục cống thoát nước ngoại vi, dự toán được phê duyệt 964.637.571 đồng, nghiệm thu quyết toán 213.996.000 đồng, đạt 22,1% khối lượng (chiều dài xây lắp đạt 263m/1.144m). Ngoài các hạng mục trên, các hạng mục khác của dự án vẫn chưa lập dự toán, thiết kế kỹ thuật. Từ năm 2001 đến nay, công trình xây dựng Trung tâm TDTT không còn ghi danh mục đầu tư để thực hiện đầu tư xây dựng.

* Cho thuê đất chồng lấn, cấp giấy CNQSDĐ sai quy định...

Dự án Trung tâm TDTT TP Cần Thơ (cũ) đã được phê duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật, phương án quy hoạch, thu hồi và giao đất, kiểm kê, đo đạc, phê duyệt kinh phí đền bù... Nhưng do quản lý lỏng lẻo, dự án kéo dài không thực hiện, công tác bồi hoàn và giải phóng mặt bằng gặp nhiều bất cập... dẫn đến phần đất của dự án bị một số tổ chức, cá nhân lấn chiếm và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Điển hình là trường hợp phần đất mà TP Cần Thơ cho Nhà máy nước Cần Thơ 1 - Công ty TNHH Cấp thoát nước Cần Thơ (tọa lạc tại đường 30 Tháng 4, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều). Theo hồ sơ, vào năm 1985, phần đất này có diện tích 17.000m2. Đến năm 2004, Công ty TNHH Cấp thoát nước Cần Thơ chuyển sang thuê đất, thì phần đất thuộc Nhà máy nước Cần Thơ 1 có tổng diện tích 26.962,9m2 (theo lược đồ giải thửa số 0, ngày 3-6-2004 của Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường). Qua đo đạc và kiểm tra thực tế, Đoàn Thanh tra phát hiện một phần đất của Nhà máy nước Cần Thơ 1 nằm trong đất của dự án Trung tâm TDTT. Ngoài ra, trong tổng số 3.361,2m2 đất thuộc quyền quản lý của Công ty Bảo Việt Cần Thơ, có 975,7m2 nằm trong quy hoạch Trung tâm TDTT. Phần diện tích này chưa được áp giá bồi hoàn.

Bên cạnh đó, theo kết quả kiểm tra mà Đoàn Thanh tra đã phát hiện là một số trường hợp đất của hộ dân nằm trong dự án Trung tâm TDTT đã có Quyết định quy hoạch dự án, nhưng vẫn được cấp Giấy CNQSDĐ, như trường hợp ông Tạ Viết Phấn, bà Trương Thị Oanh, ông Dương Quảng Chấn, bà Lê Thị Mỹ Trang... Nghiêm trọng hơn, khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định thu hồi và giao đất (Quyết định số 1119/QĐ-TTg ngày 13-11-2000), vẫn có 2 hộ được cấp Giấy CNQSDĐ, gồm các hộ: Hoàng Trọng Thỉ được cấp giấy vào năm 2004, với diện tích 301,5m2 đất thổ cư và Phan Văn Nga được cấp giấy vào tháng 1-2002, với diện tích 150m2 thổ cư và 137m2 đất vườn. Theo kết luận Thanh tra, việc Sở Địa chính tham mưu cho UBND tỉnh Cần thơ (cũ) cấp Giấy CNQSDĐ cho ông Nga là không đúng quy định và trách nhiệm chính thuộc về Sở Địa chính tỉnh Cần Thơ (cũ). Còn trường hợp cấp Giấy CNQSDĐ cho ông Hoàng Trọng Thỉ, trách nhiệm thuộc về Sở Địa chính và Thanh tra tỉnh Cần Thơ (cũ) khi xác định đường Trần Văn Hoài có điều chỉnh lệch tim tuyến đường, nhưng trong thực tế đường Trần Văn Hoài không có điều chỉnh.

* Chấn chỉnh thế nào?

Qua kết quả thanh tra, Thanh tra TP Cần Thơ kiến nghị UBND quận Ninh Kiều tổng hợp tình hình thực hiện dự án và báo cáo UBND thành phố xin chủ trương để lập và phê duyệt lại dự án; ban hành quyết định thu hồi đất cho từng hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án theo quy định; chỉ đạo các phòng ban chức năng tổ chức cưỡng chế, buộc tháo dỡ đối với các trường hợp xây cất chồng lấn đất dự án; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai đối với khu quy hoạch Trung tâm TDTT; tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện dự án vừa qua của UBND TP Cần Thơ (cũ)... Thanh tra thành phố kiến nghị UBND TP Cần Thơ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và tham mưu đề xuất thu hồi Giấy CNQSDĐ đã cấp cho hộ ông Phan Văn Nga, đồng thời kiểm tra lại việc cấp Giấy CNQSDĐ cho một hộ vì chồng lấn đất của dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu cấp Giấy CNQSDĐ.

Ngày 6-10-2009, ông Bùi Hữu Nhơn, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, trong buổi làm việc để nghe Thanh tra TP Cần Thơ công bố kết luận thanh tra toàn diện dự án Trung tâm TDTT, cho biết: “Những kiến nghị của thanh tra sẽ nhanh chóng được quận chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn theo chức năng tham mưu ngay cho UBND quận theo trách nhiệm, lĩnh vực được phân công để sớm hoàn thiện các thủ tục, tiếp tục thực hiện dự án và tham mưu cho quận xử lý ngay những kiến nghị của thanh tra. Trước mắt, quận chỉ đạo ngành chức năng quản lý tốt phần đất của dự án, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất. Trong đó có trường hợp quán Cây Dừa. Quận đề nghị Thanh tra thành phố xin ý kiến, báo cáo UBND thành phố để làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xác định lại diện tích đất cho Công ty TNHH Cấp thoát nước Cần Thơ thuê để xem xét chính xác đất cho thuê có lấn đất của dự án hay không”. Cũng theo ông Bùi Hữu Nhơn, dự án Trung tâm TDTT theo chỉ đạo của thành phố thuộc dự án kêu gọi đầu tư. Hiện đã có 2 doanh nghiệp liên hệ với quận để tìm hiểu việc đầu tư vào dự án này. Nếu UBND thành phố thuận chủ trương cho doanh nghiệp trong và ngoài thành phố bỏ vốn vào để đầu tư thì việc thực hiện dự án sẽ tiến triển nhanh chóng.

Từ dự án Trung tâm TDTT kéo dài, ông Bùi Hữu Nhơn thừa nhận ngành chức năng của quận và chính quyền cơ sở với chức trách của mình đã buông lỏng quản lý, dẫn tới tình trạng dân tái lấn chiếm đất dự án để xây dựng nhà cửa. Đây là bài học kinh nghiệm cho quận trong công tác quản lý đất đai, quản lý và triển khai dự án.

Bài, ảnh: PHƯƠNG TỬ NGHI

Chia sẻ bài viết