04/04/2011 - 21:31

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TIÊN TIẾN TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ

Bước đột phá trong chất lượng đào tạo

Giờ học nhóm của sinh viên lớp Công nghệ sinh học theo chương trình tiên tiến,
Trường Đại học Cần Thơ.

Trường Đại học Cần Thơ là một trong 9 trường đại học trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thí điểm đào tạo chương trình tiên tiến. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, chương trình đã tạo bước đột phá về chất lượng đào tạo. Mặc dù vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định, nhưng có thể khẳng định đây là mục tiêu, xu hướng tất yếu để các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo...

* Rèn luyện kỹ năng cho sinh viên

Quãng Trọng Phát, sinh viên lớp Nuôi trồng thủy sản, theo chương trình tiên tiến khóa 34, Khoa Thủy sản, cho biết: “Dù đã trải qua kỳ thi sát hạch và học tăng cường thêm tiếng Anh, nhưng tôi vẫn gặp khó khăn khi vào học chương trình chính thức. Bởi lẽ, theo học chương trình này, sinh viên, giảng viên giao tiếp, học tập, giảng dạy, nghiên cứu tài liệu... bằng tiếng Anh. Sau 3 năm học, tôi thấy kỹ năng ngoại ngữ của mình được nâng cao hơn và có thể theo kịp chương trình”. Còn theo Ngô Thị Mộng Trinh, cùng lớp với Trọng Phát, theo học chương trình tiên tiến, các kỹ năng “mềm” của sinh viên như: thuyết trình, nghiên cứu tài liệu, phương pháp học tập... cũng tốt hơn. Bởi, sinh viên được học tập với giảng viên là giáo sư nước ngoài, việc cập nhật các kiến thức tiên tiến sẽ nhanh, sâu rộng hơn...

Năm học 2008-2009, Khoa Thủy sản, Trường ĐHCT đã tuyển sinh khóa đầu tiên của ngành Nuôi trồng thủy sản, đào tạo theo chương trình tiên tiến. Thực chất chương trình này là “bản sao” theo chương trình đào tạo của Trường Đại học Auburn (Hoa Kỳ) và có vận dụng linh hoạt để giảng dạy cho sinh viên Việt Nam. Theo lãnh đạo Khoa Thủy sản, sở dĩ chọn thí điểm đào tạo ngành Nuôi trồng thủy sản vì Khoa Thủy sản vốn có thế mạnh và đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để đào tạo ngành này; đồng thời, đây cũng là một trong những ngành mũi nhọn, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn ở ĐBSCL. Còn việc chọn đơn vị đối tác là Trường Đại học Auburn bởi đây là trường đứng thứ nhất về ngành Nuôi trồng thủy sản ở Hoa Kỳ. Tiến sĩ Phạm Minh Đức, giảng viên Khoa Thủy sản, cho biết: “Sinh viên theo học chương trình này được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến. Thời lượng dành cho thực hành và nghiên cứu nhiều hơn so với thời lượng học lý thuyết trên lớp, nên sinh viên sẽ được rèn các kỹ năng tự học, học nhóm nhiều hơn”. Sau hơn 4 năm học, sinh viên nhận Bằng tốt nghiệp do Trường ĐHCT cấp, kèm theo Giấy chứng nhận của Trường Đại học Auburn. Sinh viên có cơ hội học tập bậc học cao hơn ở các nước tiên tiến, vững vàng về chuyên môn, ngoại ngữ, có cơ hội việc làm cao hơn tại một số đơn vị nước ngoài.

* Xu hướng tất yếu

Thực tế, từ năm 2006, Trường ĐHCT đã triển khai thí điểm đào tạo chương trình tiên tiến ở ngành Công nghệ sinh học, dựa theo chương trình đào tạo của Trường Đại học Michigan State, Hoa Kỳ. Trường đã có 1 khóa sinh viên ngành Công nghệ sinh học ra trường. Hiện nay, trường đang đào tạo gần 200 sinh viên ở 2 ngành Công nghệ sinh học, Nuôi trồng thủy sản. Qua hơn 5 năm triển khai, dù chương trình đã dần đi vào “nề nếp”, nhưng vẫn còn nhiều điều phải bàn. Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Khoa Thủy sản, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ hỗ trợ kinh phí trong 3 khóa đầu tiên nên khoa sẽ gặp khó khăn về kinh phí đào tạo ở những khóa tiếp theo, nhất là việc mời giảng viên nước ngoài. Trong khi mức học phí cho chương trình này không thể tăng, vì điều kiện kinh tế của người dân ĐBSCL vẫn còn hạn chế. Còn theo Tiến sĩ Phạm Minh Đức, giảng viên Khoa Thủy sản, sinh viên tốt nghiệp theo chương trình đào tạo tiên tiến muốn học tiếp lên cao học rất khó khăn, bởi hiện nay nhiều trường chưa có chương trình đào tạo cao học bằng tiếng Anh. Mặt khác, sau khi tốt nghiệp chương trình tiên tiến, mức thu nhập của sinh viên cũng như các sinh viên ngành khác, nên chưa thực sự khuyến khích sinh viên theo học ngành này. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là trình độ ngoại ngữ của học sinh ở khu vực ĐBSCL vẫn còn hạn chế. Sinh viên theo học chương trình tiên tiến sẽ học 1 học kỳ ngoại ngữ miễn phí, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, sau đó mới học chuyên môn. Quãng Trọng Phát, sinh viên lớp Nuôi trồng thủy sản theo chương trình tiên tiến khóa 34, nói: “Lúc mới nhập học, lớp tôi có 39 bạn, sau 1 tuần còn lại 32 bạn và hiện nay chỉ còn 30 bạn. Theo tôi biết, một số bạn nghỉ học, hoặc chuyển sang học chương trình bình thường là do không theo kịp chương trình ngoại ngữ...”.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng khoa Thủy sản, Trường ĐHCT cũng thừa nhận tình trạng trên, và cho biết thêm: “Sắp tới, Khoa tiếp tục tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, thông qua việc hợp tác đào tạo với đơn vị đối tác; triển khai chương trình đào tạo từ xa qua mạng để các giảng viên là giáo sư nước ngoài có thể giảng dạy cho sinh viên mà không phải sang Việt Nam trực tiếp giảng dạy; mời gọi, thu hút sinh viên nước ngoài để sinh viên của trường có điều kiện để phát triển vốn ngoại ngữ...”.

Mặc dù còn những khó khăn nhất định, song hiệu quả bước đầu cho thấy sinh viên theo học chương trình đào tạo tiên tiến có sự năng động, sáng tạo và trình độ ngoại ngữ, tin học được nâng lên rõ rệt... Việc triển khai chương trình tiên tiến là định hướng phát triển thời gian tới của Trường ĐHCT, với mục tiêu đổi mới toàn diện phương pháp giảng dạy, học tập và đánh giá giảng viên, sinh viên theo “chuẩn quốc tế”, tạo bước đột phá trong chất lượng đào tạo. Đây cũng là xu hướng tất yếu để các trường phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết