10/12/2018 - 18:45

Bước đi vững chắc của giáo dục mầm non 

Nhiều năm gần đây giáo dục mầm non (GDMN) được toàn hệ thống chính trị và ngành giáo dục TP Cần Thơ quan tâm đầu tư, có những bước tiến vững chắc. Bên cạnh hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, GDMN đã có những đóng góp đáng ghi nhận vào sự phát triển chung của ngành giáo dục thành phố.


Giờ hoạt động của các bé Trường Mầm non Trung An (huyện Cờ Đỏ). Ảnh: B.KIÊN

Chị Bùi Minh Nguyệt (thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ), vừa đón con gái từ Trường MN Thị trấn Cờ Đỏ về, cho biết: “Sang năm con gái tôi vào lớp 1. Nhà nội, ngoại gần trường, nên có những lúc vợ chồng tôi phải đi mua bán xa, định cho cháu nghỉ vài ngày để ông bà chăm sóc nhưng cháu không chịu nghỉ học dù chỉ một ngày”. Tương tự, bà Đặng Thị Lan (huyện Cờ Đỏ) kể lại: “Trước đây, vợ chồng tôi ít khi quan tâm đến chuyện học mẫu giáo của con. Cứ nghĩ rằng sau này vô lớp 1 rồi mới đi học cho biết chữ, làm toán; còn học mẫu giáo chỉ có ăn, ngủ. Sau này, thấy cháu nội đi học về dạn dĩ, ngoan, biết tự làm những việc của cháu và hay ca hát. Vô học tiểu học, cháu học giỏi. Giờ đây, gia đình tôi và bà con ở xóm đều muốn cho con cháu học mẫu giáo”.

Giờ đây suy nghĩ của phụ huynh đã khác và hiểu tầm quan trọng của giáo dục mầm non trong việc hình thành những nền tảng giáo dục đạo đức, kiến thức và thể chất ban đầu cho trẻ. Sự thay đổi đó có phần đóng góp quan trọng của việc hoàn thiện, phát triển mạng lưới trường lớp MN ở các địa phương, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của trẻ. Đơn cử huyện Cờ Đỏ, sau gần 10 năm thành lập (2009 đến nay), Huyện ủy, UBND huyện Cờ Đỏ đã đầu tư trên 200,5 tỉ đồng cho GDMN, trong tổng số 638 tỉ đồng cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo huyện Cờ Đỏ. Nhờ vậy, từ 3/16 trường MN đạt chuẩn quốc gia ở năm học 2012-2013, đến nay có 16/17 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt trên 94%), tỷ lệ cao nhất thành phố ở bậc GDMN. Theo ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cờ Đỏ, nhờ sự quan tâm từ các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể của huyện Cờ Đỏ nên mạng lưới trường lớp ở huyện ngày càng khởi sắc; đáp ứng yêu cầu phát triển, huy động trẻ, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ.

Tương tự, trong 10 năm, huyện Thới Lai đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Từ 40 trường (trong đó có 10 trường MN, mẫu giáo và không có trường đạt chuẩn) ở năm học 2008-2009, thì nay đã có 45 trường (15 trường MN), trong đó có 30 trường đạt chuẩn quốc gia. Theo ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thới Lai, so với trước đây, nhận thức của người dân về GDMN hiện nay đã chuyển biến rõ rệt. Phụ huynh quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn cho con em mình đến trường học. Đây là một trong yếu tố góp phần nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học; trong đó có bậc học  MN. “Năm 2014, huyện chưa có trường MN nào đạt chuẩn. Nhưng chỉ sau 4 năm, huyện có đến 12 trường MN đạt chuẩn quốc gia, nhiều nhất trong các bậc học”, ông Chi nói.  

* * *

Sự phát triển của GDMN đã minh chứng rõ sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; cùng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo ngành giáo dục thành phố; nỗ lực của các cấp quản lý, các trường MN, mẫu giáo trên địa bàn thành phố. Thể hiện qua việc ban hành đề án, kế hoạch của thành phố chăm lo cho GDMN, như: Đề án Phát triển GDMN TP Cần Thơ giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến 2020 (được UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt năm 2009); Kế hoạch số 51/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ về phổ cập GDMN trẻ năm tuổi của thành phố đến năm 2015; Kế hoạch số 1732/KH-SGDĐT của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ về xây dựng Trường Điển hình đổi mới trên địa bàn TP Cần Thơ  giai đoạn năm 2018-2020…

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, sắp tới ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình Trường Điển hình đổi mới; 100% các trường triển khai tốt việc đổi mới phương pháp, tổ chức các hoạt động giáo dục theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; triển khai hiệu quả các nội dung đổi mới trong từng trường MN, mẫu giáo. Đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, thành phố đảm bảo yêu cầu theo bộ Chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi để chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1 được thuận lợi; tiếp tục duy trì phát triển bền vững GDMN… Từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW (ngày 4-11-2013) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Từ 90 trường MN, mẫu giáo ở năm học 2004-2005, đến nay, TP Cần Thơ có 183 trường. Năm học 2018-2019, thành phố huy động được 25,88% trẻ nhà trẻ ra lớp; trẻ mẫu giáo đạt 96,8% (riêng trẻ 5 tuổi đến lớp luôn ở mức 99%). Năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận TP Cần Thơ đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi. Tính đến tháng 11-2018, thành phố có 108/183 trường MN, mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia (đạt 59,01%); trong đó có 21 trường MN đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. 

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết