02/06/2009 - 20:13

Xác định mục tiêu nghề nghiệp khi tìm việc

Bước chuẩn bị cần thiết

Hoạt động tư vấn, tuyển dụng lao động trực tiếp, tại Điểm hẹn việc làm ở xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh.

Theo nhận định của các đơn vị, ngành chức năng, nguồn lao động trẻ TP Cần Thơ dồi dào nhưng rất khó tuyển được lao động đạt yêu cầu. Lao động trẻ hiện nay có nhiều điều kiện thu thập kiến thức, tiếp cận, tìm hiểu thông tin về lao động, việc làm. Tuy nhiên, theo một số đơn vị, ngành chức năng, lao động trẻ khi tìm việc đều lúng túng, ngập ngừng trước câu hỏi của nhà tuyển dụng có liên quan đến mục tiêu nghề nghiệp, việc làm...

* Chọn nghề phù hợp

Gặp lại Thanh Hương, ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, nay đang làm việc cho một công ty Dược, khác hẳn Thanh Hương của 3 năm trước khi chúng tôi gặp ở Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Thanh niên TP Cần Thơ. Thanh Hương bây giờ hoạt bát, phấn chấn và rất tự tin, mà theo Thanh Hương là do “Công việc hiện nay rất hợp với tôi, ví như cá gặp nước”. Hương kể về “hành trình” xin việc, nói theo cách của Hương là nhiều trắc trở của mình. Tốt nghiệp Trung cấp Dược, vừa ra trường, muốn tự lập ngay, Hương chịu khó đi tìm việc kiếm tiền. Lúc còn đi học, Hương từng làm nhiều nghề: tiếp thị, bán hàng hội chợ, các dịch vụ tư nhân... nên cũng khá hoạt bát, nhanh nhạy khi dự tuyển phỏng vấn. Hương cho biết: “Tôi từng được tuyển vào làm ở các doanh nghiệp dược phẩm, thú y, chế biến thủy sản... nhưng chưa chỗ nào làm được 1 tháng vì thấy không phù hợp. Bây giờ nhớ lại tôi thấy mình thiếu mục tiêu nghề nghiệp”. Sau khi suy nghĩ và quyết định làm việc lâu dài ở công ty Dược, Hương càng thấy rõ tầm quan trọng của việc xác định mục tiêu nghề nghiệp. Hương cho rằng, khi đã xác định được mục tiêu nghề nghiệp thì mọi việc trở nên dễ dàng, thoải mái. Việc thử sức nhiều lĩnh vực, ngành nghề là đúng, nhưng cần có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng để chọn việc làm đúng sở trường, chuyên môn.

Thanh Tùng, ở Tam Bình, Vĩnh Long, tốt nghiệp Trung cấp ngành Cơ khí, chuẩn bị sẵn bộ hồ sơ xin việc khi đến Trung tâm GTVL Thanh niên TP Cần Thơ tìm việc làm. Sau khi trình bày một số các vấn đề về chuyên môn, năng khiếu và khả năng sửa chữa ô tô, máy xây dựng, có thêm nghề phụ lái xe nâng, Tùng mong muốn có việc làm phù hợp với khả năng, chuyên môn. Nhân viên tư vấn mô tả công việc ở 2 nơi là: Thợ kỹ thuật cơ khí cho Công ty Đất Phương Nam và công nhân lái xe nâng cho Công ty TNHH Cargill.VN, cùng đầy đủ các chế độ theo luật định và các ưu đãi khác về thu nhập, phúc lợi, Tùng cân nhắc và cuối cùng chọn làm thợ kỹ thuật cơ khí. Tùng cho biết: “Tôi yêu thích mới chọn học và quyết tâm làm nghề này. Ba năm dùi mài, bỏ thì uổng lắm, dù thu nhập ở Công ty Cargill có “nhỉnh” hơn. Tôi chưa có kinh nghiệm lái xe nâng”.

Còn Cẩm Loan, tốt nghiệp đại học Ngữ văn gần 2 năm, nhưng do mục tiêu nghề nghiệp chưa rõ ràng nên Loan đã nhiều lần bỏ qua cơ hội. Rất thiết tha tìm được việc làm, nhưng khi được giới thiệu thì lại trong tâm trạng phân vân, chọn lựa. Loan từ chối công việc nhân viên hành chính cho một công ty dược phẩm vốn nước ngoài do chưa xác định rõ về công việc, cảm thấy không phù hợp với chuyên môn và nhất là muốn làm tại các cơ quan Nhà nước để việc làm ổn định. Hiện nay, Loan và vài bạn cùng khóa vẫn tiếp tục đăng ký chờ đơn vị tuyển dụng tìm giúp việc làm phù hợp.

* Cần nhận thức đúng về nghề nghiệp

Tham gia các hoạt động tư vấn, tìm việc làm, đa số lao động đều muốn tìm cho mình việc làm phù hợp với khả năng, trình độ chuyên môn. Khi tiếp xúc với ứng viên, ngoài các thủ tục cần thiết, hầu hết các nhà tuyển dụng đều đặt ra các câu hỏi để người lao động thể hiện được mục tiêu nghề nghiệp,đó cũng là cách tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Những biểu hiện của mục tiêu nghề nghiệp là: Tìm hiểu để biết những nét cơ bản về hoạt động của doanh nghiệp, sẵn sàng bộ hồ sơ xin việc, thể hiện được khả năng làm việc của mình và thiện chí gắn bó với doanh nghiệp, bước đầu quan tâm đến công việc để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm làm việc hơn là chế độ tiền lương, đãi ngộ.

Qua các hội chợ việc làm, ngày hội việc làm, cho thấy có rất nhiều lao động trẻ tham gia phỏng vấn tuyển dụng, nhưng không nhiều lao động đạt yêu cầu để được doanh nghiệp chấp nhận tuyển dụng. Một trong nhiều nguyên nhân khiến lao động không được tuyển dụng là không xác định mục tiêu nghề nghiệp. Tiếp xúc với doanh nghiệp, trình bày hồ sơ xin việc với đầy đủ các giấy tờ, bằng cấp cần thiết, nhưng lao động trẻ rất mơ hồ về ngành nghề, việc làm, thậm chí không biết mình có thể làm được việc gì. Vì vậy, lao động trẻ không thể hiện được năng lực, không chịu khó tìm hiểu công việc, môi trường làm việc nên không đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng. Ông Đào Duy Hòa, Trưởng phòng Nhân sự Khách sạn Victoria, nói: “Lao động trẻ ngày nay có điều kiện nâng cao trình độ học vấn về mọi mặt, hầu như khi đăng ký phỏng vấn ai cũng trang bị đầy đủ các văn bằng, chứng chỉ cần thiết, đó là một lợi thế lớn. Tuy nhiên, lao động trẻ vẫn còn thái độ phân vân, chưa dứt khoát khi đi tìm việc”.

Trong xu thế phát triển hiện nay, lao động trẻ có nhiều cơ hội tìm việc làm, được tạo điều kiện thăng tiến, phát triển nghề nghiệp, nâng cao vị trí trong xã hội. Nhưng để đạt được điều đó, người lao động trước tiên phải thể hiện sự cầu tiến, nhiệt tình, gắn bó với doanh nghiệp, thông qua việc xác định mục tiêu nghề nghiệp khi dự phỏng vấn. Tham gia phỏng vấn tuyển dụng tại Ngày hội việc làm sinh viên trong tháng 4-2009, đại diện Công ty TNHH Chế biến Thủy sản xuất khẩu, ở KCN Trà Nóc, cho biết: “Công ty tiếp nhận 12 hồ sơ, nhưng chỉ 1 hồ sơ có thể gọi phỏng vấn, các hồ sơ khác để xem lại. Đa số các bạn trẻ tìm việc thường rụt rè, ngần ngại, chưa chuẩn bị tốt để đi làm, chưa có kinh nghiệm thực tế, chưa thể hiện nhiệt huyết việc làm với nhà tuyển dụng”. Nhà tuyển dụng sẵn sàng nhận lao động có hồ sơ xin việc chưa chuẩn nhưng thể hiện quan điểm việc làm, nghề nghiệp rõ ràng, có thể đưa đi đào tạo hơn là hồ sơ đạt yêu cầu nhưng thiếu nhiệt tình, gắn bó với công việc.

Theo các nhân viên tư vấn ở các trung tâm GTVL, đối với số lao động có trình độ, nhận thức đúng đắn thì việc tư vấn để giúp họ chọn nghề nghiệp không mấy khó khăn. Còn đa số lao động trẻ thường biểu lộ sự thiếu định hướng công việc, không chuẩn bị trước, nên khi được hỏi thích làm nghề gì thì nhân viên tư vấn nhận được những câu trả lời nội dung rập khuôn, không thực tế và thuyết phục. Để giải tỏa hạn chế này, các trung tâm rất chú trọng việc định hướng nghề nghiệp để giúp người lao động thay đổi nhận thức về việc làm, chọn lựa đúng theo ngành nghề đào tạo, tùy theo năng lực, trình độ tay nghề chuyên môn, không nên ồ ạt chọn việc theo xu hướng ngày nay.

Qua đợt giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Cần Thơ tháng 5-2009 vừa qua về công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên TP Cần Thơ, hạn chế về mục tiêu nghề nghiệp của thanh niên được các đại biểu quan tâm. Bà Nguyễn Thanh Giang, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Cần Thơ cho rằng: Không chỉ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mà các đoàn thể khác phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người lao động, nhất là lao động trẻ, về tầm quan trọng của việc học nghề, việc làm, xác định mục tiêu nghề nghiệp, xây dựng nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thành phố.

Việc giúp lao động xác định mục tiêu nghề nghiệp phải có sự kết hợp chặt chẽ của các tổ chức, đoàn thể chức năng, trong đó nổi bật vai trò chủ công của ngành Giáo dục- Đào tạo và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc giúp học sinh, thanh niên tích lũy thêm kiến thức xã hội, cọ xát thực tiễn đời sống, việc làm, thông qua các hoạt động ngoại khóa để định hướng mục tiêu nghề nghiệp. Có như vậy, khi ra trường, lao động trẻ mới không bỡ ngỡ khi tiếp cận với doanh nghiệp và tìm được việc làm phù hợp.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết