26/03/2021 - 21:36

Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ đợt dịch COVID-19 thứ 4 ở Việt Nam

(CT) - Tại hội nghị trực tuyến sáng 26-3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã cảnh báo nguy cơ có thể xuất hiện đợt dịch COVID-19 thứ 4 ở nước ta trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở các nước trong khu vực.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ đầu cuộc chiến chống dịch, chúng ta đã thiết lập 1.600 điểm chốt với 10.000 cán bộ biên phòng cắm chốt kết hợp với lực lượng chính quyền địa phương tại các chốt để quản lý việc xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, Việt Nam có đường biên giới trải dài, rộng nên việc quản lý xuất nhập cảnh đường biển hết sức khó khăn. Sáng 26-3, Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh nhập cảnh trái phép qua đường biển vào Phú Quốc và về Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có trường hợp nhập cảnh cách ly ngay lập tức những trường hợp này.

Về vắc-xin, hiện nay có hơn 250 loại vắc-xin COVID-19 đang được các nước nghiên cứu, phát triển nhưng chỉ có 13 loại được cấp phép với khoảng 486 triệu liều trên toàn cầu. Việc thiếu hụt nguồn cung vắc-xin đang là vấn đề. Thậm chí ngay khi vắc-xin đang nghiên cứu, chưa phát triển, nhiều nước đã đặt mua. Có gần 30 nước mua quá nhu cầu so với nhu cầu thực tế của người dân, có những nước mua tới 400%. Trước đó, Việt Nam có trao đổi với các nước trong hợp tác nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sẵn sàng thử nghiệm giai đoạn 3, nhưng hiện tại việc thử nghiệm này gặp khó khăn vì Việt Nam không phải ở tâm dịch. Hiện nay, Bộ Y tế đang nỗ lực tiếp cận nguồn vắc-xin.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin lô vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca được cung cấp qua COVAX Ficility (gần 1,4 triệu liều) sẽ bị chậm lại khoảng 3 tuần. Ðiều này có nghĩa là 3 tuần đầu tháng 4 sẽ không có liều vắc-xin nào về Việt Nam. Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược đã có văn bản gửi các đơn vị, gửi các đại sứ tăng cường tiếp cận nguồn vắc-xin cho Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế việc khan hiếm vắc-xin là hiện hữu và là thách thức với các nước, nhất là quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Việt Nam không phải là nước ưu tiên về vắc-xin vì đang kiểm soát dịch rất tốt.

Với một số phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đến nay đã tiêm trên 42.000 trường hợp, không có trường hợp đông máu sau tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca. Bộ trưởng hoan nghênh các địa phương xử trí kịp thời phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng và nâng cao một bước so với hướng dẫn. Bộ trưởng đề nghị sở y tế của các địa phương tiến hành tập huấn cho các cơ sở tiêm trên địa bàn để khi có vắc-xin tiến hành tiêm ngay.

Tại hội nghị, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng ban Ðiều hành Dự án tiêm chủng mở rộng, đã thông tin thêm: vắc-xin AstraZeneca có hạn sử dụng 6 tháng. Khi đã mở lọ, sử dụng trong vòng 6 giờ. Tiêm 2 mũi, mũi 1 cách mũi 2 là 3 tháng. Hiện nay, 11 quốc gia tạm dừng tiêm vắc-xin AstraZeneca đã xác nhận tiêm trở lại. Không giống với các chiến dịch tiêm khác, tiêm lần này có phiếu khám sàng lọc, phiếu đồng thuận tiêm và giấy xác nhận sau khi tiêm.

Tiến sĩ Dương Thị Hồng đề nghị khi khám sàng lọc, cán bộ y tế khai thác thật kỹ tiền sử bệnh tật. Sau tiêm, theo dõi sức khỏe 7 ngày. Ðể ý biểu hiện phát ban, nổi hạch, đau bụng, khó thở... báo ngay cho cán bộ y tế. Thực tế tiêm vừa qua, nhiều trường hợp phản ứng bất thường sau 8-10 giờ tiêm mới xuất hiện.

H.HOA

Chia sẻ bài viết