28/03/2008 - 21:59

Thuốc... "than"!

Tháng 3-2008, theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, mặt hàng thuốc chữa bệnh và dịch vụ y tế tăng giá 17,69% so với tháng 2 và tăng tới 18,68 so với tháng 12-2006. Đây cũng là nhóm hàng có chỉ số tiêu dùng tăng cao nhất trong rổ hàng hóa được đưa vào chỉ số giá tiêu dùng. Tốc độ tăng giá này đã và đang trở thành gánh nặng cho người tiêu dùng, nhất là những người nghèo trong tình cảnh vật giá leo thang như hiện nay.

Bệnh: Nợ nần, trắng tay

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tự ở xã Mỹ Hòa (Bình Minh- Vĩnh Long) vừa nuôi 4 đứa con nhỏ, vừa phải chăm lo cho hai mẹ già. Anh Tự cho biết: “10 công ruộng trồng lúa hằng năm chỉ đủ để xoay xở chi tiêu trong gia đình. Đến giáp hạt phải mượn lúa của người quen ăn trước, rồi trả sau. Vì thế, trong nhà hễ ai có bệnh thì phải mượn tiền để chạy chữa thuốc thang”. Mới đây, trong lúc bất cẩn, mẹ vợ của anh Tự bị té phải đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để điều trị. Ngày đầu tiên, chỉ tính tiền thuốc, tiền phẫu thuật đã tốn gần cả triệu đồng. Mấy ngày sau, toa thuốc nào cũng không dưới một trăm ngàn đồng. “Giá cả trên thị trường đã đắt đỏ, thuốc men cũng đắt đỏ theo. Nông dân như tụi tui lỡ vào bệnh viện chỉ có nước mắc nợ, chứ đâu còn cách nào khác!” - anh Tự than.

Giá thuốc tăng tác động mạnh đến đời sống của người dân. Trong ảnh: Thân nhân người bệnh mua thuốc tại Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Ảnh: THANH LONG 

Mới vừa rồi, ông Lê Văn Ba ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, trong lúc bất cẩn bị bụi văng vào mắt. Ngày hôm sau, ông Ba đến Bệnh viện Mắt- Răng hàm mặt Cần Thơ để khám, điều trị. Ông Ba cho biết: “Tiền khám bác sĩ chừng chục ngàn. Nhưng khi cầm toa đi mua thuốc, lúc tính tiền mới... tá hỏa. Hết thảy gần cả ba trăm ngàn đồng. Dù đã giảm liều uống so với chỉ định của bác sĩ, nhưng tôi vẫn thấy xót. Buôn bán nhỏ như gia đình tôi, số tiền này bằng cả tuần dành dụm. Nói thiệt, lỡ mà bịnh nặng hơn, chắc vợ chồng con cái... ôm nhau mà khóc, vì tiền đâu mà lo thuốc thang”.

Gia đình ông Nguyễn Hoàng, ở thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cũng đang dần rơi vào tình trạng kiệt quệ về kinh tế. Gần 4 năm nay, do mắc bệnh ung thư nặng, nên tháng nào vợ ông cũng có mặt trong bệnh viện. Ông Hoàng nói: “Nhà tôi thuộc diện chính sách. Bịnh tình của vợ tôi được nhà nước lo một phần, nhưng nhiều lúc cũng phải có tiền để mua thuốc đặc trị”. Nhà ông Hoàng trước đây có 3 công đất ruộng. 4 năm qua, 2 lần vợ ông phát bệnh nặng, phải nằm bệnh viện gần cả tháng. Để có tiền lo thuốc men, ông Hoàng buộc phải bán 2 công đất ruộng. “Một công ruộng còn lại chắc nay mai cũng phải bán cho người ta để có tiền ráng mà lo cho bả. Cái gì còn có thể cắt xén được, chứ thuốc men lo được thì ráng mà mua, chứ đâu thể nào tiết kiệm, cắt xén được”- ông Hoàng bày tỏ.

Tăng giá thuốc - bất khả kháng

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, so với tháng 2, nhóm thuốc - dịch vụ y tế tăng 17,69% và là nhóm hàng có chỉ số tiêu dùng tăng cao nhất trong rổ hàng hóa được đưa vào chỉ số giá tiêu dùng của tháng 3-2008.

Giá thuốc tăng, theo Công ty CP Dược Hậu Giang, là do hiện các nguyên liệu chính dùng để sản xuất dược phẩm tăng giá đáng kể. Giải pháp tăng giá thuốc là bất khả kháng để doanh nghiệp tồn tại và tạo ra sản phẩm phục vụ cho sức khỏe của cộng đồng. Ngoài ra, theo Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế, quý I/2008, chi phí đầu vào như vận tải, sản xuất đều tăng theo giá xăng dầu, chi phí nhân công tăng; diễn biến thời tiết phức tạp, nhu cầu thuốc phục vụ điều trị và dự phòng tăng mạnh... Trong khi đó, giá thuốc ở Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Đây là lý do để nhiều doanh nghiệp đề nghị tăng giá nhằm bù đắp chi phí sản xuất, bán hàng...

Hiện nay, trên thị trường, một số mặt hàng thuốc tăng mạnh trong quý I/2008 như: Ventolin tăng 3%, Gastropulgite tăng 4,1%, Stimol A tăng 5%, Flixonase tăng 4,5%, Colchicin tăng 10,2%, Tadyferon tăng 13,4%... Trong quý, Cục Quản lý Dược đã nhận được hồ sơ đề nghị điều chỉnh giá thuốc của 15 doanh nghiệp với tổng số 108 mặt hàng chiếm 0,6% tổng số mặt hàng lưu hành trên thị trường. Còn Công ty CP Dược Hậu Giang cũng đã gởi hồ sơ lên Sở Y tế TP Cần Thơ và được Sở chấp thuận cho khoảng 10 sản phẩm thuộc dòng giảm đau, hạ sốt, kháng sinh CEfa, Amox, cùng một số loại thuốc cảm cúm thông thường khác tăng giá, nhưng không vượt quá 5% so với trước.

Theo nhận định của Công ty CP Dược Hậu Giang, những nguyên nhân làm tăng giá thuốc của quý I/2008 sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến thị trường tân dược trong thời gian tới. Vì thế, đối với những dược phẩm ngoại nhập, một số sản phẩm có thể tăng giá từ 20- 30%. Các dược phẩm nội sẽ không xảy ra tình trạng biến động giá lớn trên thị trường, vì ngành y tế quản lý giá khá chặt chẽ. Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phân phối dược phẩm phải giải trình chi phí hợp lý mới được phép tăng giá. Mức tăng giá đối với dược phẩm nội trong thời gian tới trên dưới 10%. Tuy nhiên, tùy thuộc vào chất lượng nguyên liệu nhập khẩu của nhà cung cấp nên giá cả có thể sẽ tăng cao hơn mức 10%, để tránh cho doanh nghiệp sản xuất dược phẩm bị thiệt hại.

Cùng với cơn “bão giá” trên thị trường, giá thuốc chữa bệnh tăng sẽ tiếp tục gây nhiều khó khăn đến đời sống của người dân, nhất là những người nghèo, người có thu nhập thấp. Một trong những vấn đề đang được đặt ra hiện nay là Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý thị trường dược phẩm để phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng “té nước theo mưa” của một số cơ sở kinh doanh dược phẩm, giảm bớt khó khăn cho người dân.

Hà Triều-Gia Bảo

Chia sẻ bài viết