15/02/2016 - 14:10

ÔNG PHẠM VĂN LUẬN, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TP CẦN THƠ:

Tạo tiền đề để phát triển thể thao thành tích cao căn cơ hơn

 

Năm 2015, ngành thể thao Cần Thơ đã cơ cấu lại số lượng môn thể thao được đầu tư trọng điểm, ưu tiên phát triển những môn trong hệ thống Olympic, Asiad. Xung quanh vấn đề này, Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Luận, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) TP Cần Thơ.

* Thưa ông, sau khi vào tốp 10 Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) toàn quốc năm 2014 khá chật vật, thể thao Cần Thơ đã có cuộc cải tổ mạnh mẽ trong năm 2015 nhằm phát huy những môn thể thao thế mạnh. Ông có thể cho biết cụ thể hơn những thay đổi đó?

- Trước hết, đoàn thể thao Cần Thơ đã thi đấu xuất sắc, xếp hạng Nhì toàn đoàn tại Đại hội TDTT ĐBSCL năm 2015 ở An Giang. Ngành thể thao đã phối hợp tổ chức các giải thể thao cấp quốc gia và thành phố ở những môn thế mạnh như Vovinam, Karatedo, Bóng đá... Đặc biệt, lần đầu tiên tổ chức giải đua vỏ lãi composite các tỉnh thành ĐBSCL, giải vô địch bơi truyền thống Ánh Viên. Trong năm 2015, thể thao quần chúng cũng có sự chuyển biến rõ nét, khi phong trào tập luyện thể thao phát triển mạnh, đều khắp ở các quận huyện, cơ quan, trường học...

Đáng kể nhất là trong năm 2015 Cần Thơ đã triển khai chiến lược đầu tư 13 môn thể thao trọng điểm, nhằm sắp xếp lại các môn, tạo tiền đề để phát triển thể thao thành tích cao căn cơ hơn. Bắt đầu từ năm 2016, Trung tâm TDTT TP Cần Thơ sẽ cân đối kinh phí phù hợp để đầu tư cho 13 môn thể thao trọng điểm này. Song song đó, ngành thể thao cũng đổi mới biện pháp đào tạo, huấn luyện, tạo bước chuyển mới về nhận thức chuyên môn của HLV, VĐV.

* Việc gút lại số lượng môn thể thao từ 22 xuống còn 13 môn có gặp khó khăn không, nhất là về vấn đề bố trí nhân sự, thưa ông?

- Ngoài 13 môn trọng điểm, những môn còn lại vẫn tiếp tục duy trì, những VĐV có thành tích vẫn tiếp tục tập luyện, cống hiến cho thể thao Cần Thơ. Việc xác định 13 môn trọng điểm là để đầu tư tập trung, tuyển chọn từ tuyến năng khiếu lên trẻ, đến tuyển, chứ không phải sẽ xóa bỏ các môn còn lại. Những môn không nằm trong danh mục trọng điểm hiện nay sẽ không tiếp tục tuyển chọn năng khiếu nữa, còn những VĐV ở đội trẻ và tuyển thi đấu có thành tích vẫn được hưởng chế độ như trước. Ngay cả với 13 môn trọng điểm, các HLV, VĐV vẫn được tuyển chọn và đào thải theo quy định nếu việc tập luyện không đạt yêu cầu. Thời gian tới, các môn thể thao không nằm trong danh mục trọng điểm sẽ được xã hội hóa.

Năm 2015, nhiều HLV các bộ môn cũng đã khởi động kế hoạch mở CLB thể thao trọng điểm tại các quận, huyện nhằm phát hiện và không bỏ sót những năng khiếu thể thao.

* Sự phối hợp đào tạo, huấn luyện VĐV giữa Trung tâm TDTT TP Cần Thơ với Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT Cần Thơ sẽ có thay đổi gì không, thưa ông?

- Hệ thống đào tạo thể thao Cần Thơ nhiều năm trước có những bất cập. Chúng tôi đã và đang khắc phục, điều chỉnh. Hiện nay, thể thao Cần Thơ bắt đầu làm lại, đầu tư tập trung theo sự thống nhất, dưới sự quản lý, giám sát của Phòng Thể thao thành tích cao. Thực hiện chiến lược đầu tư 13 môn trọng điểm cũng là nhằm mục đích có sự thống nhất cao ở các tuyến, từ năng khiếu đến tuyển. Tất cả phải vì mục tiêu chung là nhằm đưa thể thao Cần Thơ phát triển tương xứng thành phố trung tâm ĐBSCL.

Về Bóng đá, sẽ do Công ty Cổ phần Bóng đá Cần Thơ quản lý. Do công ty mới thành lập, còn đang trong giai đoạn kiện toàn nên việc chuyển giao sẽ được thực hiện từng bước. Với sự đầu tư của Công ty Cổ phần Bóng đá, tôi nghĩ, công tác đào tạo cầu thủ trẻ sẽ chất lượng hơn.

NGUYỄN MINH (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết