06/06/2008 - 23:30

Đại tá Nguyễn Quốc Tuấn, Cục trưởng C25 Bộ Công an:

Tăng cường quản lý, thực hiện các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông đường thủy nội địa

 

Tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên đường thủy nội địa trong tình hình hiện nay” do Bộ Công an tổ chức tại TP Cần Thơ mới đây, các đại biểu đã đánh giá những nguyên nhân phức tạp của tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa; đồng thời chỉ rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường thủy nội địa... Trao đổi với Báo Cần Thơ vấn đề này, Đại tá Nguyễn Quốc Tuấn, Cục trưởng C25 Bộ Công an, cho biết:

Thời gian qua, TTATGT đường thủy nội địa nước ta còn diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại nhất là nhiều phương tiện đường thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm (ĐKĐK), người điều khiển phương tiện không bằng cấp, không chứng chỉ chuyên môn (CCCM) chiếm tỷ lệ khá rất cao. Việc mở bến, bãi hoạt động không phép, phương tiện chở khách ngang sông không đảm bảo điều kiện an toàn theo qui định... Từ đó, dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra khá nghiêm trọng: nhiều vụ vi phạm hành lang bảo vệ đường thủy, các chướng ngại vật, phao tiêu, biển báo trên đường thủy nội địa cũng chưa hoàn chỉnh.

Trên các tuyến sông, mặc dù thời gian qua, các lực lượng trinh sát, cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy và công an các địa phương đã điều tra, phát hiện được một số vụ vi phạm TTATGT thủy và trật tự an toàn xã hội, nhưng hiệu quả chưa cao.

* Thưa đồng chí, đâu là nguyên nhân dẫn đến những vi phạm các qui định về TTATGT đường thủy nội địa?

 Cảnh sát giao thông huyện Thốt Nốt kiểm tra thiết bị phương tiện thủy tại bến đò ngang thị trấn Thốt Nốt.
Ảnh: KIM XUÂN

- Nguyên nhân mấu chốt nhất là thời gian dài chúng ta đã buông lỏng việc quản lý đối với các phương tiện thủy từ 15 tấn trở xuống, phương tiện thủy chở từ 5 đến 15 người, trước đây, theo qui định của pháp luật là đối với loại phương tiện này không cần ĐKĐK. Mặt khác, sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo TTATGT của các cấp ủy, chính quyền địa phương chưa được quan tâm đúng mức, thường xuyên; việc quản lý nhà nước về TTATGT, nhất là việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ ở các bộ, ngành, các địa phương còn yếu, thậm chí một số địa phương nhận thức công tác đảm bảo TTATGT chủ yếu là của ngành giao thông và công an nên chưa thật sự quan tâm đến công tác này. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đảm bảo TTATGT vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, tuyên truyền còn mang tính hình thức, nội dung chưa đổi mới cho phù hợp với từng địa bàn, thành phần và lứa tuổi của đối tượng tham gia giao thông. Việc tổ chức cấp giấy phép, quản lý phương tiện còn lúng túng do sự chồng chéo, trùng lắp trách nhiệm của nhiều ban, ngành, lực lượng...

Từ thực tế trên, ngày 1-1-2005, Quốc hội đã ban hành Luật Giao thông đường thủy nội địa thì loại phương tiện này phải ĐKĐK, người điều khiển phương tiện phải có bằng cấp, CCCM. Và mới đây, Chính phủ cũng có Nghị quyết số 32/NQ-CP và Nghị quyết số 45 về tăng cường công tác đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa và giao cho Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành liên quan có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện việc ĐKĐK, đào tạo, cấp bằng cấp, CCCM để người dân hiểu mà thực hiện đúng các qui định về Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ), nhằm kiềm chế TNGT và tránh ùn tắc giao thông cũng như nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm hiệu quả hơn.

* Hiện nay, TP Cần Thơ cũng như các địa phương khác ở khu vực ĐBSCL cần phải làm gì để đảm bảo TTATGT đường thủy ngày một tốt hơn trong thời gian tới?

- ĐBSCL là địa bàn trọng điểm do có nhiều sông, rạch chằng chịt, để từng bước khắc phục khó khăn hiện nay, các địa phương cần tập trung thực hiện một số việc như sau: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 32/NQ-CP của Chính phủ là khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về đảm bảo TTATGT đường thủy; tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT cả chiều rộng và chiều sâu, tuyên truyền phải gắn với giáo dục, vận động người tham gia giao thông thủy tự giác chấp hành Luật GTĐTNĐ. Từng bước xóa bỏ tình trạng phương tiện thủy không ĐKĐK; thuyền viên và người lái phương tiện thủy không bằng cấp, không CCCM...

Các cơ quan chức năng có thể phát động toàn dân khi đi đò phải mặc áo phao hoặc trang bị phao cứu sinh để ngăn ngừa tai nạn xảy ra... Làm được điều đó mới làm giảm thiểu được số người chết, số người bị thương trên đường thủy nội địa. Mặt khác, tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức, tăng cường thiết bị, phương tiện đảm bảo cho lực lượng CSGT đường thủy, nhất là lực lượng tuần tra có đủ điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

* Thưa đồng chí, đâu là giải pháp quan trọng nhất để phát huy hiệu quả công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa khu vực ĐBSCL?

- Giải pháp căn cơ nhất là vẫn phải tăng cường công tác quản lý nhà nước của các ngành, các cấp theo luật đã qui định; đồng thời hoàn thiện các văn bản qui định của luật sao cho phù hợp với cuộc sống và hoạt động thực tế trên đường thủy nội địa. Dù thế nào cũng phải tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nội dung tuyên truyền phải thiết thực, gắn bó với thực tế nhằm giáo dục, vận động người dân hiểu Luật GTĐTNĐ để thực hiện việc kiểm tra, giám sát các cơ quan quản lý nhà nước thực thi pháp luật. Tổng Cục cảnh sát đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an khẩn trương hoàn thành Dự án về “Tăng cường biên chế, cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo, chế độ chính sách cho lực lượng CSGT đường thủy” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm từng bước hiện đại hóa về trang thiết bị, phương tiện theo tiêu chuẩn, định mức cho lực lượng CSGT đường thủy đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

* Xin cảm ơn đồng chí!

KIM XUÂN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết