09/05/2012 - 20:38

Các nhà xuất khẩu nông - thủy sản

Sớm tiếp cận GFSI

Hiện nay, 3 hệ thống kiểm soát chất lượng có tầm ảnh hưởng đến hầu hết giao dịch nông - thủy sản toàn cầu: HACCP, ISO và BRC Global Standard,UK... Thật ra các nhà nhập khẩu vẫn thấy chưa đủ cho công việc kinh doanh của họ. Nhưng họ cần giải pháp chất lượng thực tế hơn, khả thi hơn. Các chuyên gia của các tập đoàn chi phối thị trường đồ ăn- thức uống toàn cầu đã đưa ra chương trình “Global Food Safety initiative- GFSI”, với mục tiêu làm cho nguồn cung cấp nguyên liệu có chất lượng tốt hơn và làm thế nào chuyển nhanh những kiến thức mới về chất lượng hàng hóa tới các nhà chế biến, chủ yếu là các nhà chế biến thủy sản, nông sản các loại.

Việt Nam góp 20% lượng gạo cho thế giới, nhưng chủ yếu là loại thường. Ngoại trừ thủy sản được đánh giá là loại khá, Việt Nam chỉ được xem là quốc gia “có tiềm năng” xuất khẩu rau quả. Có tiềm năng nhưng chất lượng hàng chưa đủ sức thuyết phục các nhà nhập khẩu là các tập đoàn có sức chi phối thị trường toàn cầu thì làm ăn sẽ là chuyện “hên - xui”.

Khoai lang tím ở Bình Tân, Vĩnh Long và củ hành tím ở Sóc Trăng là 2 ứng dụng “Nâng cao năng lực tham gia thị trường của các chuỗi sản xuất nông sản thông qua đào tạo và huấn luyện”. Trong ảnh: Trồng hành tím ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG 

Hơn 1.000 tập đoàn, công ty đa quốc gia chi phối xu hướng ăn uống toàn cầu đã họp tại Florida, Mỹ để tìm ra con đường khác, khả thi hơn cho các nhà sản xuất, cung ứng, chế biến. Đó cũng là cách tạo ra nguồn hàng tốt hơn cho bản thân họ.Về mặt pháp lý, nhà nước trung ương và nhiều địa phương ở Việt Nam đã đồng ý mục tiêu này để chuẩn bị cho bước thứ 3: Tạo điều kiện cho một tổ chức độc lập chứng nhận đã thực hiện các bước GFSI, giai đoạn cơ bản và nâng cao. Hiện nay, việc chuyển giao kiến thức hoàn toàn không thu phí.

WTO đồng ý một dự án do Michigan State University đề xuất nhằm giúp cho hai nước ở châu Á có triển vọng, nhưng cũng là nơi có nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả lại: Việt Nam, Thái Lan. PGS.TS Lý Nguyễn Bình, thường trực dự án tại Việt Nam, cho biết: Michigan State University, Mỹ ; Kasetsar (Thái Lan) và Trường Đại học Cần Thơ cùng thúc đẩy Dự án “Nâng cao năng lực tham gia thị trường của các chuỗi sản xuất nông sản thông qua đào tạo và huấn luyện”. Dự án này có khả năng tháo gỡ tình huống khó khăn khi nhà sản xuất, chế biến bị “vây ráp” quá nhiều tiêu chuẩn. GFSI đã rút ra những điểm mấu chốt để nhà sản xuất, chế biến dễ thực thi hơn.

PGS.TS Lý Nguyễn Bình cho biết: Hai ứng dụng của dự án xem xét mặt hàng khoai lang tím ở Bình Tân, Vĩnh Long và củ hành tím ở Sóc Trăng. Theo cách nhìn của GFSI, lâu nay, việc bán hàng cho thương nhân Trung Quốc, luôn dễ dãi về tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng đó là mối nguy vì ngay khi khoai còn non họ vẫn mua để xuất sang nước khác, tới khi khoai non bị héo hai đầu bị xem là không đạt chất lượng. Nhà cung cấp nguồn hàng chỉ nhà sản xuất là Việt Nam thì sau này nếu thương lái Trung quốc không mua thì cũng không có ai mua! Cũng giống như thương lái Trung Quốc mua trà bỏ thêm đất là cách giết chết dòng sản phẩm này. Làm hàng để bán nhưng không có tiêu chuẩn- nhất là tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm - là không thể chấp nhận được.

Hệ thống kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu trong tương lai đòi hỏi truy xuất nguồn gốc tận nhà máy, tận ruộng, tận nông hộ; việc quản lý rủi ro phải có sẵn chương trình, giải pháp khắc phục sự cố, có cách ứng xử thích hợp khi đối mặt với rủi ro và phải có cách kiểm soát những sản phẩm không đạt chuẩn. Dịch cúm gà, đào lỗ chôn nhằm tiêu hủy gia cầm mắc bệnh có thể ảnh hưởng ra môi trường; đồ hộp thanh trùng chưa tới nhưng cứ bung ra thị trường, vấn đề là thu hồi về thì xử lý, hành động khắc phục, sửa chữa như thế nào?... Thực hành sản xuất tốt, kiểm soát loài gây hại, ô nhiễm sản phẩm, vệ sinh và tẩy trùng, kiểm soát chất lượng nước, kiểm soát mối nguy chung - riêng (sinh học, vật lý, hóa học...), kiểm soát những chất gây dị ứng... là những kiến thức cần được chuyển nhanh tới cộng đồng bao gồm nhà sản xuất, cung ứng, chế biến.

Phòng vệ thực phẩm là khái niệm rất mới liên quan tới mối quan tâm khủng bố bằng thực phẩm có độc. Mỹ rất chú ý đến khái niệm này, APEC cũng vậy và họ đã triển khai ở một số nước. Việt Nam cũng đã triển khai tinh thần làm sao kiểm soát thực phẩm một cách an toàn, chống lại sự cố ý của con người. Foods defense khác với Foods safety (hành động do trình độ giới hạn chứ không cố ý), nhưng hàng rào này hết sức mong manh. Quản lý mối nguy và phòng vệ thực phẩm là những điều kiện mới phải được thực thi ở các đơn vị sản xuất, chế biến thực phẩm. Nếu nhà xưởng có cửa hậu, nhưng không được kiểm soát cũng sẽ là yếu tố chưa đáng tin vì kẻ lạ có thể lẽn vào gây hại.

Hệ thống GFSI quan tâm đến toàn chuỗi và những nút thắt, phải tháo gỡ và cùng tìm thị trường. PGS.TS Lý Nguyễn Bình cho rằng, đây là cơ hội tiếp cận với nhiều nhà nhập khẩu từng chi phối thị trường nhưng chưa nghĩ tới nguồn hàng từ Việt Nam. Còn lại, hoạt động sản xuất, cung ứng hàng tại Việt Nam hiểu gì về nhu cầu của họ? Đây mới là cái khó. Trong khi người ta nói nhận thức là một quá trình thì các chuyên gia thuộc ba trường đại học mạnh về nông nghiệp thực hiện dự án này cho biết chỉ còn quỹ thời gian rất ngắn ngủi - tới giữa năm 2013 là kết thúc .

HOÀNG LAN

Chia sẻ bài viết