20/12/2007 - 21:24

Quyết học để vượt lên số phận

Lớn lên trong cảnh tật nguyền, túng thiếu, Nguyễn Minh Thuận, ngụ phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ không cam chịu số phận. Thuận đến giảng đường đại học bằng nghị lực, ý chí sắt đá, với quyết tâm học để đổi thay số phận.

Ba bỏ mẹ khi Thuận còn chưa ra đời. Thuận lớn lên bằng tình thương của mẹ, của bà ngoại. Thuận học rất giỏi và mơ ước sau này lớn lên sẽ có công việc thật tốt để nuôi mẹ, nuôi bà ngoại. Năm lớp 10, Thuận bị niểng đầu và người sang một bên. Mẹ đưa Thuận đi khắp các bệnh viện ở TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh để chữa trị. Các bác sĩ chẩn đoán Thuận bị “loạn chương lực cơ nửa thân” phải điều trị rất tốn kém. Nhưng mẹ chỉ đủ tiền mua thuốc cho Thuận uống được hơn 1 tháng. Không có thuốc uống, tay chân Thuận tiếp tục bị co rút, miệng méo, đầu nghiêng hẳn sang một bên. Thuận sốc nặng và không dám gặp ai.

 

Bạn bè, thầy cô động viên, giúp đỡ, Thuận quay trở lại trường học. Các bạn trong lớp thay nhau chép bài giùm, thầy cô cho thêm giờ làm bài (trong giờ kiểm tra 1 tiết), còn kiểm tra 15 phút chuyển thành kiểm tra miệng. Mọi bất hạnh dồn dập, không quật ngã được Thuận, em vẫn tiếp tục được xếp loại học sinh giỏi. Đến năm lớp 11 và 12 bệnh tình nặng hơn. Bài kiểm tra, Thuận viết rất khó nhọc vì thế tuột xuống học sinh khá.

Đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong khi bạn bè tích cực ôn bài thì Thuận phải tích cực luyện cách cầm bút, tập viết. Có hôm để viết được vài chữ, mồ hôi tay Thuận đổ ra ướt nhẹp hết cả quyển tập. Nhà nghèo, không có tiền mua quần áo, tập vở đi học nên Thuận mượn tập bạn về học. Trời không phụ lòng người, hôm đi thi nhờ tích cực luyện tập nên tay Thuận hoạt động khá, làm vừa kịp giờ. Thuận đậu tốt nghiệp THPT đạt 52,5 điểm.

Đậu tốt nghiệp xong, bạn bè rủ thi đại học (ĐH), Thuận cũng đi thi nhưng em nghĩ thi là để cho biết chứ không mong gì đậu. Thi ĐH thời gian làm bài dài nên tay cứng cầm viết không nổi, Thuận làm bài không kịp giờ. Nghĩ mình chắc rớt nên Thuận không đi coi điểm mà tìm đến những trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật để học nghề. Thật bất ngờ, bạn bè đi coi điểm về cho hay Thuận đậu 17 điểm ngành Công nghệ thông tin (CNTT), Trường Đại học Cần Thơ. Cầm tờ giấy báo trúng tuyển đại học, hai mẹ con ôm nhau khóc vì mừng.

Vào đại học, đường từ nhà đến trường là 15 km. Tay, chân Thuận rất yếu nên không thể đi xe lắc hay đạp xe ba bánh được. Năm học đầu tiên, Thuận quá giang bạn bè, thầy cô, đến trường. Học đến năm thứ hai, nhờ có tuyến xe buýt đi ngang nhà Thuận đỡ vất vả hơn. Từ nhà, Thuận đón xe đi. Nhưng nhiều hôm xe buýt quá đông phải đứng đón từ rất sớm mới lên được xe buýt nhưng Thuận lại phải tốn tiền đi xe ôm vào trường (do xe buýt chỉ đậu ở đường Hòa Bình). Quãng đường từ cổng trường đến phòng học vài chục mét với người bình thường thật dễ dàng nhưng với Thuận đi phải mất 10-15 phút. Đi được chục bước, Thuận lại khó nhọc đưa tay lên lau mồ hôi, thở hổn hển. Nghỉ mệt rồi đi tiếp. Hết giờ học, Thuận nhờ bạn bè chở ra đường Hòa Bình đón xe buýt về. Nhiều lúc chán nản vì đường đi học quá khó khăn, Thuận tính đến chuyện vào ở ký túc xá nhưng vì có bệnh suyễn từ nhỏ nên mẹ không an tâm cho em xa nhà.

Do bệnh ngày càng nặng nên Thuận gần như không cầm bút viết bài được nữa. Em phải tập trung ghi nhớ lời thầy giảng, tuy người mệt lả, nhưng về nhà Thuận chỉ nằm nghỉ 1 chút là ngồi dậy đọc ngay bài thầy vừa giảng trên lớp vì sợ để qua hôm sau sẽ quên mất. Học CNTT nhưng tay bị co rút nên Thuận đánh máy vi tính rất chậm. Vậy mà em vẫn là SV khá, giỏi của lớp. Học kỳ nào cũng nhận được học bổng của trường. Thuận nói: “Cuộc sống của em vốn có nhiều bất hạnh, em nghĩ rằng chỉ có thể học giỏi mới có được việc làm tốt, phụng dưỡng mẹ. Vì thế còn đi được là em còn đi học. Hơn hai năm nữa là em ra trường, em hy vọng khi ra trường sẽ có công ty chịu nhận mình làm việc”.

Cả gia đình Thuận (bà ngoại 95 tuổi, mẹ và Thuận) sống tạm ổn bằng huê lợi từ một công ruộng và một công vườn; cộng với tiền học bổng, tiền bảo trợ xã hội của Thuận, tiền hưởng chế độ liệt sĩ của cậu. Ngoài ra mẹ Thuận còn đi giúp việc nhà để có thêm thu nhập. Sáng 5 giờ, bà thức dậy nấu cơm sáng, mẹ con cùng ăn rồi mẹ Thuận đạp xe (cách nhà 4km) để đến nhà chủ. Tối 8 giờ bà lại đạp xe về. Ngoài giờ học, Thuận cũng giúp mẹ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, làm vườn. Nhưng cách nay vài tháng, mẹ Thuận phát bệnh phổi nên phải nghỉ việc. Sức khỏe mẹ yếu, ruộng phải cho người ta thuê lại. Còn huê lợi từ vườn (chỉ trồng cóc, chuối...) thu nhập chẳng bao nhiêu nên cuộc sống của hai mẹ con hết sức khó khăn. Mẹ bệnh mà không có tiền mua thuốc uống. Hàng ngày, chỉ điều trị bằng các loại lá cây theo phương pháp dân gian. Trong hoàn cảnh thiếu trước hụt sau, hàng quí lại phải đóng tiền 1 triệu đồng cho ngân hàng (tiền vay 30 triệu đồng trị bệnh cho Thuận). Cuộc sống mẹ con Thuận càng gian nan, khốn khó nhưng hàng ngày, cậu học trò tật nguyền vẫn mệt mài bên giảng đường, trang sách.

Chia tay Thuận, nhìn vóc dáng liêu xiêu, những bước chân tập tễnh chầm chậm bước vào giảng đường, tôi thầm nhủ “cố lên nhé Thuận!”. Với nỗ lực không mệt mỏi của Thuận, tin rằng những giọt nước mắt, những đau khổ rồi sẽ qua và một tương lai tươi sáng sẽ đến với em.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết