15/02/2016 - 20:47

Những ngôi nhà... 6 tháng

Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách đất liền 17 hải lý, tức khoảng 31km đường biển. Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên người dân trên đảo mỗi năm phải dời nhà hai lần để tránh mưa bão.

Dù cách đất liền không xa và có hộ dân ở khá đông nhưng Hòn Chuối vẫn khoác lên mình vẻ hoang sơ, kỳ bí của một hòn đảo giữa trùng khơi. Hòn Chuối gồm 3 gành: gành Nam, gành Chướng và gành Nồm, có 54 hộ với 126 nhân khẩu. Hôm chúng tôi đến vào những ngày giáp Tết, xóm lá ở gành Nam vui như hội. Tiếng máy phát điện vang rền, tiếng karaoke với những bản nhạc xuân vui vẻ, mùi tôm khô, khô cá cơm thơm lừng. Vừa cân mớ khô cá đường cho khách, chị Nguyễn Thị Thủy, người dân trên đảo vừa kể cho chúng tôi nghe cuộc sống ở đây. Chị nói: "Bây giờ chú gặp bà con ở đây chớ tới tháng 3 âm lịch, bà con dời về gành Chướng ở hết, ở đây vắng hoe". Hỏi ra mới biết, mỗi năm người dân Hòn Chuối phải chuyển nhà 2 lần, từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch, người dân về sống ở gành Nam để tránh gió chướng; và từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, họ lại về gành Chướng để tránh gió mùa Tây Nam. Thời điểm dọn nhà là lúc giao mùa, khi hai ngọn gió này chưa nổi lên, cả hai phía đảo đều sóng yên biển lặng, không gió giông.

Tiệm tạp hóa của chị Thủy ở Hòn Chuối. Ảnh: DUY KHÔI

Đưa mắt nhìn xóm nhỏ trên đảo, những mái nhà bằng cây lá, thậm chí che chắn bằng bao nilông tạm bợ cứ san sát. Nhà ở Hòn Chuối thường được cất bằng cây nhỏ, khoảng bằng cây tre, có sàn để thoát khỏi những mõm đá nhấp nhô. Phía dưới sàn, bà con chăn thả gà vịt và cất giữ ngư cụ. Ông Lê Văn Phương, Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản đảo Hòn Chuối, bông đùa: "Tụi tôi hay đùa là xóm này giàu nhất thế giới! 100% hộ dân đều có… 2 nhà. Sóng đánh, gió thổi vào gành này, lại chạy qua gành khác". Hơn chục năm gắn bó trên đất đảo, ông Phương giờ thấy việc dời nhà đã quen và như… một niềm vui. Ông kể rằng, tới mùa dời nhà, bà con cụ bị đồ đạc xuống xuồng, cùng đi một lượt rất náo nhiệt. Nhờ mỗi năm cất 2 căn nhà nên kỹ năng làm nhà của bà con Hòn Chuối rất "chuyên nghiệp". Mỗi ngôi nhà được cất từ 2-3 ngày, tùy nhân công ít hay nhiều. "Nhưng có điều mỗi năm bà con phải bỏ ra khoảng 10 triệu đồng để làm nhà vì vật liệu phải chở từ đất liền ra, giá cao quá!"- ông Phương nói.

Nhà của chị Lê Thị Kim Anh, người dân trên đảo, khá đơn giản, với mấy cây cột cong queo, vách nhà là tấm bạt bạc màu, mái tôn mỏng. Trong nhà hầu như không có vật dụng gì giá trị ngoài chiếc tivi nhỏ. Chị Kim Anh cười giải thích: "Ở đây ai cũng vậy thôi, thấy vậy chớ không phải vậy đâu. Cuộc sống bà con trên đảo cũng khá lắm. Nhưng vì năm nào cũng phải chuyển nhà 2 lần nên đồ đạc càng ít càng đỡ cực". Trên đảo này, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thanh Sang khá khang trang, nhà tường vững chãi, đẹp và đầy đủ tiện nghi, nằm nép bên vách núi. Nhà của bà Sang có thể trụ vững qua mưa bão nhưng năm nào bà con dời nhà, gia đình bà cũng dọn theo. Bà Sang nói: "Đi qua bển ở cho có xóm có làng, bên đây ở với ai, buồn chịu sao nổi!". Gian khổ có nhau cũng là nét đẹp của xóm nhỏ ở Hòn Chuối, hình thành nên nếp sống sẻ chia, giúp đỡ nhau của bà con. Bởi ai cũng nghĩ rằng, giữa trùng khơi sóng, chỉ có nương tựa vào nhau thì mới sống được.

Bà con ở Hòn Chuối ăn uống thoải mái vì những món ăn từ biển rất phong phú, tươi ngon, chỉ có rau củ quả là phải mua từ đất liền chở ra. Trường học, bệnh xá đầy đủ nên cuộc sống ở đây khá thoải mái. Nhà nào cũng có máy phát điện, chỉ hoạt động vào ban đêm. Chị Nguyễn Thị Thủy, kể: "Hồi trước giá dầu đắt, mỗi đêm chạy máy từ 6-8 giờ tối; giờ dầu rẻ rồi, chạy tới 10-11 giờ luôn. Có điện cho mấy đứa nhỏ học bài, coi tivi xem tin tức thời sự để thấy mình không rời với đất liền".

Vượt nắng, thắng mưa, những ngôi nhà 6 tháng ở Hòn Chuối vẫn đều đặn mọc lên, che chở cho những ngư dân xứ đảo an tâm bám trụ, lập nghiệp, góp phần khẳng định chủ quyền trên vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết