27/09/2011 - 09:11

Lũ đầu nguồn ĐBSCL vượt báo động 3

* An Giang: Công bố tình trạng lũ khẩn cấp
* Đồng Tháp: Thành lập hơn 500 đội cứu nạn mùa lũ

Khẩn cấp gia cố đê bao ở vùng lũ đầu nguồn tỉnh An Giang. Ảnh: THANH HUY 

Lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh và ở mức cao. Mực nước đo được lúc 7 giờ ngày 26-9, trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,62m, vượt 12cm so với báo động 3; trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,94m, kém 6cm so với báo động 3. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh. Đến ngày 30-9, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu dự báo lên mức 4,85m, vượt báo động 3 là 35cm; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 4,2m, vượt 20cm so với báo động 3. Trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa lên mức 2,1m, trên báo động 2 là 30cm; tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên lên mức báo động 3, có nơi trên báo động 3. Lũ trên sông Cửu Long còn tiếp tục lên, các địa phương cần chủ động phòng chống lũ lớn, ngập sâu, nhất là ở vùng đầu nguồn và Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên.

Đến nay, tỉnh An Giang có 14.000 ha lúa thu đông bị ngập úng; 500 hộ dân sống trong vùng nguy hiểm, cần được di dời khẩn cấp. Toàn tỉnh đang quyết liệt gia cố 300km đê yếu và 70km đê xung yếu. Trước tình hình lũ vượt báo động 3, tiếp tục lên nhanh và diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh ngày 26-9 đã ký quyết định Công bố tình trạng lũ khẩn cấp trên địa bàn tỉnh An Giang (kể từ ngày 26-9) làm căn cứ cho các địa phương triển khai ngay các biện pháp cấp bách bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân... Theo đó, Ban Chỉ huy PCLB cấp tỉnh tổ chức bám sát địa bàn phụ trách, phối hợp và hỗ trợ địa phương phòng chống lụt bão. Trước mắt, địa phương có thể trưng dụng các phương tiện gia cố tôn cao đê, phương tiện vận tải thủy, bộ, vật tư khác (nếu cần thiết) để kịp thời phòng chống lũ khẩn cấp. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, lực lượng Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Chữ thập đỏ, dân quân tự vệ... triển khai ngay việc hỗ trợ địa phương gia cố, tôn cao các tuyến đê xung yếu, còn thấp; tổ chức tuần tra thường xuyên nhằm kịp thời cứu hộ, cứu nạn tại các điểm xung yếu, bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội...

Tại Đồng Tháp, các tuyến đê bao ở xã Thường Thới Tiền, Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự), phường An Lạc (TX Hồng Ngự), xã Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng) đang bị lún, nứt, sạt lở, nhiều nơi mực nước lũ tiến sát mặt đê đe dọa khoảng 5.000 ha lúa thu đông. Trong số này, nghiêm trọng nhất là 2.600 ha lúa thu đông tại xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự do thành đê bảo vệ mới xây dựng, thấp nên chưa vững, toàn tuyến nhiều nơi sạt lở nghiêm trọng, nước đang gần bằng mặt đê (ở mức 4,9- 5m, cao mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu 25- 30cm)... Ngày 26-9, ông Nguyễn Văn Buôn, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, cho biết: Hiện có 400 người tham gia gia cố đê bao bảo vệ 2.600 ha lúa tại xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2. Khi tiến hành đóng cừ tràm ở những điểm lún sụt, rò rỉ thì xuất hiện những nơi khác nên xáng cạp phải di chuyển liên tục. Số lượng cừ tràm, bạch đàn ở địa phương đã hết nên phải đến các xã khác tìm mua... Để bảo vệ an toàn tính mạng của người dân, tỉnh Đồng Tháp thành lập hơn 500 đội cứu nạn với hơn 4.200 thành viên. Trong số này có 250 đội cứu hộ túc trực 24/24 giờ tại những nơi xung yếu với hơn 1.600 thành viên tham gia.

w Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có hơn 18.300ha lúa thu đông đang ở giai đoạn đòng trổ, 22.800ha trong giai đoạn chín. Năm nay, diện tích lúa thu đông trong tỉnh vượt 8.645ha so với kế hoạch và tăng 12.959ha so với vụ trước; hai huyện có diện tích tăng thêm nhiều nhất là Mang Thít 3.689ha và Tam Bình 3.513ha. Hầu hết diện tích tăng thêm đều nằm trong vùng sản xuất lúa của các vụ trước nhưng vẫn còn 8.130 ha có hệ thống bờ bao kém an toàn với lũ lớn. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh thực hiện 46 công trình, dự án thủy lợi của năm 2011, đồng thời phân bổ kinh phí 9,2 tỉ đồng cho 8 huyện, thành phố trong tỉnh từ nguồn hỗ trợ phòng, chống hạn, xâm nhập mặn vụ đông xuân 2010 - 2011, vụ hè thu 2011 và mở rộng sản xuất lúa thu đông của Chính phủ để tổ chức bơm tát, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi chống ngập, đảm bảo an toàn sản xuất.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thực hiện 128/174 công trình, dự án thủy lợi với giá trị xây dựng trên 121,6 tỉ đồng (đạt 47,3% kế hoạch năm). Ngoài ra, các xã, thị trấn trong tỉnh đã huy động hộ dân đóng góp kinh phí 1,26 tỉ đồng và gần 3.000 ngày công thực hiện 191/269 công trình thủy lợi nội đồng. Kết quả này giúp tỉnh củng cố vững chắc 100.400 ha đất nông nghiệp an toàn với lũ (chiếm 86,42% diện tích đất nông nghiệp).

THANH HUY- TRUNG HIỆP

Chia sẻ bài viết