17/01/2008 - 22:18

Lái trái cây ở chợ nổi

“Nghề này chua lắm, đụng vào mới biết. Nếu có tiền, tụi tui đã giải nghệ lâu rồi”. Đó là tâm sự chung của nhiều thương lái mua bán trái cây trên sông, chợ nổi. Để trụ được với nghề, có người phải hy sinh rất nhiều thứ. Đáng tiếc nhất là tương lai con trẻ, vì gánh mưu sinh phải dứt chuyện học hành, theo cha mẹ rày đây mai đó.

Long đong đời thương hồ

Chúng tôi đi ghe ra chợ nổi Cái Bè- Cai Lậy (Tiền Giang) lúc trời còn đẫm hơi sương. Cái lạnh sớm mai ngập tràn ngã ba sông. Bốn bề lồng lộng gió, trời nước trinh nguyên một màu thanh khiết. Cơn mưa đầu mùa nặng hạt không ảnh hưởng gì tới nhịp độ buôn bán của chợ. Ghe lớn, ghe nhỏ chen nhau đậu kín cả quãng sông dài, cánh phụ nữ có chị mặc áo mưa, có chị cứ để mình ướt vậy mà cân, vận chuyển hàng hóa rộn ràng. Chị Phương Duyên ở huyện Cẩm Sơn, Tiền Giang, năm nay trúng mùa chanh, tự mang hàng ra thẳng chợ nổi bán trực tiếp cho lái ở TPHCM xuống mua. “Giá không cao lắm, nhưng chanh đã tới ngày hái, dù gì cũng phải bán, nếu không để thúi bỏ như mấy vụ trước càng lỗ” chị buồn bã kể. Ngày thường, tranh thủ lúc nông nhàn, chị Duyên dùng ghe nhỏ của gia đình vào các vùng sâu mua trái cây bán kiếm lời. Thấy có ăn, chị rủ thêm mấy chị em dâu trong nhà hùn tiền mua thêm ghe để đi hàng được nhiều hơn. Sau nhiều năm tích cóp vốn liếng và kinh nghiệm, có thể gọi chị Duyên là “lái”, dù chỉ là lái vườn. Nhưng không phải ai cũng có những bước đi tốt đẹp như chị Duyên, có người vừa vào nghề không nắm được quy luật giá cả, thị trường, thời tiết... đã lỗ đứt vốn, bán cả ghe, đi làm mướn.

Chị em phụ nữ vất vả mưu sinh ở chợ nổi Cái Răng.

Anh Nguyễn Anh Vũ, 45 tuổi, quê ở Hậu Giang, nhập nghề lái dưa hấu đã được 6 năm ở chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ, cho biết: “Đi ghe lớn dù có lời nhưng nguy hiểm lắm, ai mạnh vốn mới dám đầu tư. Dạo này trái cây ngoại về nhiều quá, giá lại rẻ nên dân buôn trái cây nội như chúng tôi cạnh tranh không lại, bấp bênh lắm. Còn vợ tôi mấy bữa nay bệnh hoài, không biết có chịu nổi cảnh gió sương này nữa không? Tôi định đi hết mùa Tết này sẽ giải nghệ, kiếm nghề nào làm ăn cho chắc chắn hơn, để lo cho sắp nhỏ đi học”. 30 năm trước, cha anh Vũ cũng từng làm khách thương hồ nhưng cuối cùng phải bán cả nhà cửa vì nghề lái trái cây trên sông. Đến lượt anh, rút kinh nghiệm từ cha, làm theo kiểu “chậm mà chắc” nên chưa có trận nào bị lỗ, nhưng lời nhiều thì rất hiếm. Trên bước đường dong ruổi, anh đã chứng kiến biết bao thăng trầm của những thân phận lấy sông nước làm nhà. Co người mới vào nghề bị lỗ, sợ quá vội lên bờ nhưng cũng có không ít lái bám nghề tới chừng nào tạo được sự nghiệp mới thôi. Theo lời anh Vũ, điển hình của trường hợp này là ông Hai Bình ở Hậu Giang, từ chiếc ghe nhỏ ban đầu giờ đã tậu được ghe vài chục tấn, mua đất làm vườn rồi bao tiêu luôn sản phẩm của nhiều người quen ở huyện Phụng Hiệp.

Gần như các thương lái trái cây ở chợ nổi hiếm có ai sống bằng một nghề. Chị Tư Hồng ở Phong Điền vừa đi ghe thu mua trái cây theo mùa, vừa là một tay chơi ảnh có cỡ. Bao nhiêu đám tiệc trong vùng một tay chị bao hết và sẵn sàng gác máy chèo bất cứ lúc nào để săn ảnh. Chị Hồng Tươi ở Tầm Vu, Cần Thơ thì có nghề làm móng tay, chân để kiếm thêm từ chị em bạn hàng. Anh Nguyễn Anh Vũ đi ghe dưa hấu ở Hậu Giang lận lưng thêm mấy nghề làm hồ, mổ heo... để lên bờ làm thêm. Mỗi người mỗi cảnh, dù cực nhưng thấy ai cũng nặng lòng vì nghiệp dĩ.

Mơ ước lên bờ, an cư lạc nghiệp

Anh Vũ có 3 đứa con gái thì đứa lớn đã nghỉ học sớm theo người bác đi ghe, đứa kế đang học lớp 2 nhưng đã nghỉ, gởi bên ngoại, bé út mới hơn 6 tháng đã theo cha mẹ làm quen sông nước. Hôm chúng tôi vào thăm thấy cháu nằm lăn lóc không ngủ được trên ghe vì tiếng máy nổ quá ồn ào. Chị Điền, mẹ bé, cho biết mọi sinh hoạt của gia đình đều diễn ra trên ghe, ăn uống, tắm giặt đều xài bằng nước sông. Mấy ngày nay, đứa nhỏ bị tiêu chảy do ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Đậu kế bên ghe anh Vũ là ghe khóm và củ sắn của vợ chồng chị Hiền, quê ở Kiên Giang. “Ghe nhỏ nên chật lắm, mưa lớn nước tạt tứ tung, tui vừa che cho tụi nhỏ vừa hứng nước”, chị Hiền hồn nhiên nói. Chỉ tay ra chiếc ghe nhỏ đậu một mình cô độc sau bến, ngoài mũi là một phụ nữ có nét mặt ngây dại ngồi nghịch nước, chị Hiền chép miệng, mắt rưng rưng: “Mê bốc hàng cho người ta kiếm vài chục ngàn mà để thằng con 2 tuổi té sông chết đuối, chị ta quẫn trí quá uống thuốc tự vẫn, cứu được, nhưng bây giờ ra nông nổi như vậy. Hễ mưa xuống là ra sông ngồi kêu tên con. Khi nào có tiền tui sẽ gởi tụi nhỏ lên bờ đi học, chứ đem theo bên mình như vầy nguy hiểm quá. Mấy đứa con của anh chị tui cũng vì theo cha mẹ đi ghe mà thất học hết trơn”.

Con của anh Nguyễn Anh Vũ ở Hậu Giang, mới 6 tháng tuổi đã theo mẹ ngược xuôi sông nước.

Bức xức trước tình cảnh trẻ em trong vùng vì hoàn cảnh gia đình phải bỏ học theo cha mẹ mưu sinh, bà Huỳnh Kim Phụng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân số Gia đình và Trẻ em thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang, cho biết sắp tới sẽ kết hợp với địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để đưa các em trở lại trường, tác động mạnh vào phụ huynh để họ thấy được tầm quan trọng của việc học. “Đây là đối tượng cần có sự quan tâm đặc biệt, các dịp lễ Tết các em đều được tặng quà để khích lệ tinh thần”, bà Phụng nói.

Còn ở chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang, theo bà Trần Mai Huỳnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cái Bè, thì Hội phụ nữ ở đây luôn theo sát cuộc sống của chị em. Hàng tháng, Hội đều có chương trình tập trung các hộ lại để tuyên truyền vấn đề vệ sinh trong ăn uống, chăm sóc sức khỏe giới tính, an toàn tình dục, kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, do đa phần các lái là dân tứ xứ khó quản lý nên công việc này cũng không mấy hiệu quả. Bà Huỳnh cho biết: “Dự án quan trọng nhất của chúng tôi là tìm việc và tạo điều kiện cho chị em sau khi lên bờ làm kinh tế, như tận dụng vườn nhà, liên kết với các làng nghề xung quanh làm khu du lịch xanh. Phải ổn định chỗ ở mới tính chuyện khác được. Khó khăn lớn nhất là do các gia đình đã quen với cuộc sống di chuyển trên sông, nên thuyết phục họ ở yên một chỗ không phải là chuyện dễ”.

Tiếp xúc với nhiều thương lái, chúng tôi thấy điều họ cần nhất là vốn. Như lời anh Nguyễn Anh Vũ ở Hậu Giang trăn trở: “Các ngân hàng nên tin tưởng chúng tôi, cho chúng tôi vay vốn làm ăn. Trong thời buổi buôn bán khó khăn này mà phải đi vay bên ngoài với lãi suất cao thì chắc chắn chúng tôi không trụ nổi với nghề”. Ngoài vấn đề kinh tế, các thương lái rất lo ngại việc một số nhóm thủy tặc đang có chiều hướng hoành hành trở lại, nhất là vào thời gian cận Tết. Ban đêm, khi neo ghe ở những quãng sông vắng, các thương lái rất sợ, phải rủ các bạn lái khác đến quây quần bên nhau để đề phòng bất trắc. Chị Hiền kể lại đợt bán hàng ở Phong Điền cách đây không lâu, chiều giao hàng xong, được 4 triệu đồng. Hai vợ chồng chưa kịp mừng thì đêm đến bị bọn trấn lột lấy sạch. “Nếu có điều kiện tui sẽ lên bờ, chứ không sống cảnh này đâu”, chị chua chát nói.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết