23/03/2021 - 06:50

Giảm áp lực thi cử, khuyến khích học sinh tích cực học tập 

Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) áp dụng từ năm học 2020-2021. Sau hơn 1 học kỳ áp dụng, ghi nhận từ các trường học, phụ huynh cho thấy, Thông tư 26 có nhiều ưu điểm, nhất là quy định tăng cường nhận xét học sinh và giảm đầu số điểm kiểm tra, đánh giá. Từ đó giúp giảm áp lực thi cử, hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Giờ học của học sinh Trường THCS Thới An Đông.

Giờ học của học sinh Trường THCS Thới An Đông.

Thông tư 26 được Bộ GD&ĐT ban hành với mục tiêu đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; bảo đảm hoạt động kiểm tra, đánh giá như một hoạt động học tập. Đây chính là bước đệm giúp giáo viên, cán bộ quản lý chuyển dần sang đánh giá theo hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực người học; từ đó không bỡ ngỡ khi triển khai hoạt động kiểm tra đánh giá trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Điểm mới đáng chú ý của Thông tư 26 là tất cả các môn học đều có đánh giá bằng nhận xét thay vì chỉ ở một số môn học như trước đây. Học sinh sẽ được đánh giá bằng nhiều hình thức khác nhau và có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân. Ngoài ra, Thông tư 26 không chỉ yêu cầu đánh giá bằng nhận xét chung chung mà quy định cụ thể: sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong suốt quá trình.

Cô Trịnh Thị Thanh Xuân, giáo viên dạy môn Sinh học, Trường THCS Thới An Đông, quận Bình Thủy, cho biết: “Thông tư 26 đã gợi mở cho giáo viên nhiều hình thức đánh giá hơn thông qua hoạt động dạy học, hoạt động nhóm hay các bài tập nhỏ, tạo động lực phát huy sự chủ động của học sinh. Qua đó biết được học sinh nào tham gia tích cực hoặc ngược lại, để giáo viên giúp các em điều chỉnh, phấn đấu, tự tin hơn trong học tập”. Trước khi đến thi học kỳ, cô Thanh Xuân đưa phiếu đánh giá (tự thiết kế) cho học sinh, để các em tự nhận xét ưu và nhược điểm, về cả thái độ và năng lực. Giáo viên gợi ý 5 phẩm chất, 10 năng lực cho học sinh trước khi ghi vào phiếu đánh giá; sau đó rà soát, ghi kết luận về học sinh có đúng với thực tế và tôn trọng ý kiến của học sinh, để các em tự hoàn thiện. Ví dụ như ở lớp  8A3, có 1 học sinh được xem là cá biệt, nhưng từ khi cô Xuân tổ chức hoạt động này, em đã khắc phục các khuyết điểm, hòa đồng với bạn học, chú ý nghe giảng, ghi bài học đầy đủ, tiến bộ hơn trong học tập. Em Cao Minh Tiến, học sinh lớp 8A1, Trường THCS Thới An Đông, cho biết: “Thông qua các hoạt động xây dựng bài, kiểm tra bài, chúng em sẽ biết được điểm số, nhận xét giáo viên. Biết điểm nào tốt để phát huy, những điểm không tốt để sửa...”.

Ghi nhận từ cán bộ quản lý, giáo viên các trường THPT tại TP Cần Thơ, Thông tư 26 tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, tiệm cận hoạt động kiểm tra đánh giá trong Chương trình GDPT mới; đồng thời tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin. Giáo viên, học sinh đều giảm áp lực khi các môn học giảm tổng số đầu điểm kiểm tra và giáo viên tăng cường nhận xét về sự tiến bộ của học sinh. Từ đó người thầy phải bám sát để đánh giá chính xác về năng lực, phẩm chất, sự tiến bộ của học sinh. 

Bên cạnh đồng tình với Thông tư 26, các cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh cũng còn những băn khoăn. Cô Võ Thị Kim Hoa, giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường THCS Thới An Đông, cho biết: “Thực hiện Thông tư 26, giáo viên có 2 cách đánh giá song song vừa điểm số, vừa nhận xét. Trong đó, đánh giá nhận xét có ưu điểm khuyến khích sự năng động học sinh. Việc đánh giá này minh bạch trước lớp, không phải so sánh giữa học sinh này với học sinh kia, mà là thúc đẩy quá trình hoàn thiện kỹ năng mềm của học sinh, khuyến khích các em cởi mở, giao tiếp nhiều hơn”. Tuy vậy, cô Kim Hoa cho rằng, khi thực hiện đánh giá bằng nhận xét, với số lượng 200-300 học sinh (do cô phụ trách giảng dạy bộ môn), tốn nhiều thời gian đầu tư, ghi nhận xét cho từng học sinh. “Kết thúc một học kỳ, tôi tổng hợp nhận xét học sinh bằng sổ (gồm điểm số và chữ viết) nên gặp áp lực về thời gian”, cô Kim Hoa nói. Ở khía cạnh khác, khi giảm bài kiểm tra định kỳ thì giáo viên, phụ huynh lại lo ngại học sinh chưa phát huy tính tự giác, lười học hơn. Anh Nguyễn Hoàng Giang, ở quận Ninh Kiều, có hai con đang học lớp 6 và lớp 10, chia sẻ: “Thông tư 26 giúp học sinh giảm áp lực vì được giảm bài kiểm tra định kỳ. Để tránh các con còn nhỏ chưa phát huy được tính tự giác sẽ hình thành sự lười học, hằng ngày vợ chồng luôn nhắc nhở, động viên các con học tập”.

Thông tư 26 có nhiều ưu điểm, phù hợp với xu thế đổi mới, phát triển của GD&ĐT khi hướng đến mục tiêu kiểm tra, đánh giá khách quan và trung thực năng lực của người học, tránh hình thức và áp lực. Để thực hiện được mục tiêu này, nhiều cán bộ, giáo viên và phụ huynh cho rằng cần cộng đồng trách nhiệm. Giáo viên đầu tư nhiều công sức hơn trong giảng dạy đánh giá học sinh; học sinh tự giác học tập và phụ huynh phải theo dõi sát quá trình học tập của con em. Khi học sinh dần hình thành tính tự giác trong học tập, cũng sẽ phát huy khả năng tư duy cũng như kỹ năng tự học, tự nghiên cứu. Đây là bước đệm tốt để triển khai có hiệu quả Chương trình GDPT mới. Cô Võ Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng Trường THCS Thới An Đông, cho biết: “Trong quá trình thực hiện Thông tư 26, thầy cô ở trường đã học tập kinh nghiệm từ đơn vị bạn như thực hiện các phiếu học sinh tự nhận xét về năng lực, phẩm chất. Sắp tới, trường phát động giáo viên toàn trường thực hiện phiếu đánh giá học sinh, đa dạng hình thức đánh giá phù hợp, để nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục”.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết